+
Aa
-
like
comment

Tăng lương nhà giáo: “Biết rồi, khổ lắm nói mãi”

Hạnh Phúc - 08/11/2022 16:10

Những vấn đề dư luận quan tâm như các đại án tham nhũng, thông tin xấu độc phá hoại, phát triển văn hóa, đặc biệt nữa là vấn đề cải cách tiền lương… được các đại biểu đặt trọng tâm thảo luận và thống nhất. Không chạy theo dư luận nhưng nghiêm túc lắng nghe tiếng nói dư luận cũng là điểm rất nhân văn và làm nên thành công của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Rất nhiều giáo viên đang mong ngóng được tăng lương

Năm 2006, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện nhân đương nhiệm cùng lời hứa xây dựng lộ trình lương sao cho đến năm 2010 giáo viên sống được bằng lương. Tuy vậy, hơn 15 năm trôi qua với 4 đời bộ trưởng thì đến nay vấn đề này vẫn chưa thực hiện được. Xuất phát từ vấn đề lương thấp cùng vô vàn những lý do đến từ áp lực nghề nghiệp và áp lực xã hội, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2022, ngành Giáo dục là 16.265 giáo viên nghỉ việc.

Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) phát biểu: “Trong xã hội Việt Nam không có nhiều nghề gọi là thầy mà số lượng thầy giáo thầy thuốc chuyển việc và nghỉ việc như vậy lại có số lượng rất lớn. Ta thấy được điều gì?”. Các ý kiến cho rằng bác sĩ và giáo viên chuyển từ công sang làm tư thì cũng là phục vụ nhân dân, không phải việc đáng bàn. Tuy nhiên, cách đánh giá thực trạng này chưa thấu đáo. Người dân đủ khả năng theo học hay khám chữa bệnh ở các cơ sở tư nhân chiếm bao nhiêu phần trăm trong tất cả. Khu vực công vẫn là nơi lựa chọn cho số đông, ở đây vẫn cần lắm việc giữ chân những người thầy để phục vụ nhân dân trong sự dốc lòng tận tụy.

Theo nghiên cứu về lương trung bình giáo viên phổ thông trung học ở 16 quốc gia và vùng lãnh thổ của Value Champion thì Việt Nam thấp nhất. Nghề giáo có những tiêu chuẩn cao về năng lực và tri thức, bỏ công học hành trau dồi nhiều năm nhưng ra trường lương mặt bằng chung là thấp. Chủ yếu giáo viên dạy các môn mà học sinh chọn học thêm nhiều nên khá hơn một chút. Nhưng họ phải đánh đổi rất nhiều. Ban ngày đứng lớp run chân, giảng bài khản cổ, tối đến ca kéo thêm vài tiếng, khuya về bài vở ngày mai lại thêm đủ loại hồ sơ sổ sách tập huấn. Trong vô vàn vất vả, nghề giáo đối mặt với áp lực ngành nghề, áp lực xã hội, chuyên môn bị chi phối bởi cơm áo gạo tiền.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trong báo cáo đưa dẫn chứng về thu nhập bình quân của giáo viên các cấp: “Giáo viên công tác trong 5 năm đầu thu nhập bình quân 6 triệu đồng 1 tháng. trong khi đó chi phí thiết yếu cho cuộc sống như ăn, ở, nuôi con, chăm sóc sức khỏe… khá cao”. Từ việc tăng lương cơ sở thì những giới hạn của sự chịu đựng đã được hồi đáp, đó là một trong những giải pháp để “sự liêm sỉ không bị bào mòn” như Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) đã trăn trở thì đúng như bộ trưởng Kim Sơn phát biểu: “Cần cấp bách tăng lương ngăn giáo viên bỏ việc”…

Còn nhớ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã ghi dấu ấn trong thư gửi giáo viên ngày nhận chức: “Vẫn còn không ít những tâm tư và lo lắng, những thiệt thòi và thậm chí là oan uổng. Những lúc như vậy, hãy nhìn về phía học trò thân yêu, lẽ phải cao nhất và sự bù đắp lớn nhất nằm ở đó. Đó là nguồn cảm hứng và nguồn năng lượng sáng tạo bất tận của nhà giáo chúng ta!”. Nhưng thiết nghĩ, chúng ta không cứ mãi “cố đấm ăn xôi” mà phải lên tiếng vì lẽ công bằng, về điều xứng đáng được nhận hưởng, những tâm tư lo lắng của nhà giáo về vấn đề tiền lương cần được sự hồi đáp sớm nhất để tồn tại được với nghề rồi dốc sức cống hiến cho sự nghiệp chung của giáo dục, sau nữa là dựng xây và tôn tạo đất nước!

Hạnh Phúc

Bài mới
Đọc nhiều