+
Aa
-
like
comment

Tầng lớp trung lưu Việt Nam xấp xỉ dân số một số “con hổ Châu Á” cộng lại

10/11/2020 15:49

Ước tính của WB cho thấy: “Tầng lớp trung lưu Việt Nam hiện xấp xỉ dân số của một số quốc gia trong nhóm “4 con Hổ Châu Á” cộng lại; đến 2045 tương đương dân số Hàn Quốc”.

Báo cáo Quốc hội trước khi trả lời chất vấn sáng nay (10/11), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nghiêm túc tiếp thu các ý kiến xác đáng của các ĐBQH và cử tri cả nước.

Thủ tướng cho biết, bằng quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, chúng ta đã cùng nhau tạo ra hơn 1200 tỷ USD GDP trong gần 5 năm, trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định.

Tầng lớp trung lưu Việt Nam xấp xỉ dân số một số 'con hổ Châu Á' cộng lại
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Tạp chí The Economist tháng 8/2020 đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8% một năm giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất.

Dưới tác động của đại dịch Covid-19, trong khi hầu hết các nền kinh tế rơi vào suy thoái, với việc chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt “mục tiêu kép”, Việt Nam vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương ở mức khá…

Thách thức lớn nhất là thiếu ý chí vươn lên, thiếu quyết tâm hành động

Thủ tướng cho rằng, trong khó khăn, bài học từ “câu chuyện bó đũa” cho thấy sức mạnh của tinh thần đoàn kết, tinh thần đó một lần nữa đã được khẳng định, đẩy lùi đại dịch Covid 19, được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Nhắc đến nguồn năng lượng cực lớn ở thế hệ trẻ hiện nay, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc khích lệ tinh thần khởi nghiệp của thanh niên Việt Nam, hun đúc tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ cho thế hệ trẻ.  Vì vậy, cần tăng cường đào tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho thanh niên.

Đặc biệt, Thủ tướng thông tin, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gần 145% so với đầu nhiệm kỳ. Nhìn trên tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới so sánh mức sống với các nước trên thế giới, thu nhập của người dân chúng ta đã tương đương gần 9.000 đô-la (tính theo ngang bằng sức mua).

Ước tính của Ngân hàng Thế giới cho thấy: “Tầng lớp trung lưu Việt Nam hiện xấp xỉ dân số của một số quốc gia trong nhóm “4 con Hổ Châu Á” cộng lại. Đến 2045 chiếm trên 50% dân số, tức tương đương dân số Hàn Quốc”.

Trong khi, tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đã giảm mạnh từ 9,8% năm 2015 xuống còn dưới 3% năm 2020.

Ghi nhận ý kiến của Đại biểu Quốc hội về mức lương quá thấp của gần 1 triệu người có nhiều đóng góp đã về hưu trước năm 1993, Thủ tướng giao Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Tài chính trình phương án đề xuất lên Thủ tướng và  Chính phủ để xem xét, xử lý cụ thể đúng quy định và đảm bảo khả năng cân đối của NSNN.

Thủ tướng cho rằng, những con số thống kê, dù phong phú cũng không thể lột tả hết được những thành tựu đạt được. Điều quan trọng là chúng ta đã biết tận dụng tốt hơn các cơ hội, khơi dậy trong nhân dân niềm tin cũng như khát vọng về một Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng, sánh vai với cường quốc năm châu.

“Như tôi từng nói, thách thức lớn nhất của chúng ta hiện nay không phải là thoát bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ lớn nhất của chúng ta không phải là tụt hậu về kinh tế; mà thách thức lớn nhất của chúng ta chính là thiếu ý chí vươn lên và nguy cơ lớn nhất là thiếu quyết tâm hành động”, Thủ tướng nói.

Tầng lớp trung lưu Việt Nam xấp xỉ dân số một số 'con hổ Châu Á' cộng lại
Phiên chất vấn của Quốc hội sáng 10/11

Phải nỗ lực rất nhiều bằng cả trái tim và khối óc

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng lưu ý, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, không để dịch lây lan, bùng phát trở lại; tập trung phục hồi, phát triển các hoạt động KTXH.

Nhắc đến đợt lũ lụt lịch sử vừa qua, Thủ tướng cho hay, Chính phủ sẽ đánh giá nghiêm túc nguyên nhân khách quan và chủ quan về thiên tai, lũ lụt vừa qua, kể cả xem xét tình hình quy hoạch, quản lý rừng và hồ đập thủy điện để có các biện pháp chấn chỉnh. Người đứng đầu Chính phủ nêu hàng loạt giải pháp, trong đó sẽ ban hành chiến lược ứng phó thiên tai vào cuối năm nay.

“Ngay từ đầu nhiệm kỳ, tôi đã yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên và chúng ta cần tiếp tục nhất quán với quan điểm đó. Độ che phủ rừng hiện nay của chúng ta đã tăng trở lại, song so với nhiều nước thì vẫn còn thấp”, Thủ tướng đề xuất sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới, trong đó có các khu đô thị.

Thủ tướng nhìn nhận, trong thực tế, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước có nơi còn chưa cao, tình trạng bố trí cán bộ bất hợp lý, hiện tượng nhũng nhiễu tiêu cực, không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ còn chưa được giải quyết, xử lý triệt để.

Vì vậy, Chính phủ chỉ đạo các ngành cần chú trọng hơn công tác xây dựng chính sách, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu lực công tác thực thi, hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra;  đề xuất cấp có thẩm quyền về cơ chế tiền lương, đánh giá, đề bạt cán bộ phù hợp…

Người đứng đầu Chính phủ cũng cam kết, phấn đấu đến 2030 cả nước có khoảng 5000 km đường bộ cao tốc, trong đó đến 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông.

Cùng với giao thông, hạ tầng viễn thông cũng sẽ được bao phủ và nâng cấp hơn nữa, trước mắt là mạng 5G. Người dân sẽ ngày càng tiếp cận với internet tốc độ cao, kể cả ở những vùng nông thôn. Nhanh chóng thúc đẩy toàn diện quá trình chuyển đổi số quốc gia đưa một số ngành, lĩnh vực của Việt Nam đi tắt, đón đầu và vượt lên so với các nước trong khu vực.

Thủ tướng kêu gọi, chúng ta hãy cùng nhau hướng đến xây dựng một nền kinh tế đa dạng, phát triển bền vững, hài hòa các mục tiêu kinh tế xã hội – môi trường, ở đó mọi người dân đều có cơ hội chung tay đóng góp vào sự phồn vinh của đất nước, tất cả trẻ em Việt Nam đều được giáo dục tốt và đạt được giấc mơ Việt Nam; người già ai ai cũng được chăm sóc sức khỏe, sống trường thọ hơn và hạnh phúc bên con cháu; thanh niên ai cũng có việc làm, thu nhập cao và luôn thăng tiến trong sự nghiệp.

“Để đạt được điều này, Chính phủ và toàn hệ thống chính trị chúng ta sẽ phải nỗ lực rất nhiều bằng cả trái tim và khối óc. Chúng ta có trách nhiệm làm cho Việt Nam trở nên hùng cường, biến những ước mơ, khát vọng trở thành hiện thực”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trả lời về vấn đề chọn được những người có đạo đức, có tài, có tầm, Thủ tướng cho biết Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng đề án vị trí việc làm, xác định tiêu chí, điều kiện cụ thể về phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn.

Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ để quy định chi tiết chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng. Người có tài nhất phải được sử dụng, đề bạt.

Về chất vấn liên quan đến văn hóa từ chức, Thủ tướng cho biết, việc từ chức đã được quy định tại Luật Cán bộ, công chức.

Cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý không đủ sức khỏe; không đủ năng lực, uy tín; theo yêu cầu nhiệm vụ hoặc vì lý do khác thì được thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm. Quyết định 1847 của Thủ tướng nêu cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo chủ động xin thôi giữ chức vụ khi thấy bản thân còn hạn chế về năng lực và uy tín.

Để có văn hóa từ chức thì mỗi cán bộ, công chức cần phát huy vai trò, trách nhiệm và tinh thần nêu gương, gương mẫu trước nhân dân, Đảng và Nhà nước.

Thu Hằng, Trần Thường/VNN

Bài mới
Đọc nhiều