+
Aa
-
like
comment

Tăng học phí phải có lộ trình

08/06/2020 10:29

Theo luật, các trường đại học được tự xác định mức thu học phí trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo nếu đáp ứng đủ các điều kiện để được tự chủ.

Tự xác định mức thu

Theo đó, có trường chỉ tăng trên dưới 1 triệu đồng/năm nhưng cũng có trường công bố mức học phí tăng “phi mã”, thậm chí gấp 5 lần so với những năm trước. Cụ thể là khối các trường y dược phía Nam.

ĐHQG Hà Nội cho hay học phí dự kiến với sinh viên (SV) chính quy các chương trình đào tạo chuẩn là từ 9,8 – 14,3 triệu đồng/năm/SV và từ 30-60 triệu đồng/năm/SV đối với các chương trình đào tạo đặc thù, chương trình đào tạo chất lượng cao.

Trong khi đó, Trường ĐH Y Dược TP HCM thu học phí theo cơ chế tự chủ xác định trong Luật Giáo dục ĐH sửa đổi. Cụ thể, ngành y khoa là 68 triệu đồng/năm/SV; ngành răng – hàm – mặt 70 triệu đồng, dược học 50 triệu đồng. Mức học phí này tăng từ 2-5 lần so với mức cũ, cao hơn cả mức trần học phí theo quy định trong Nghị định 86/2015 đối với các trường tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên. Bên cạnh đó, dự kiến học phí mỗi năm tiếp theo sẽ được trường này tăng 10%.

Khoa Y ĐHQG TP HCM cũng áp dụng mức học phí rất cao cho chương trình đào tạo chất lượng cao ngành y khoa (60 triệu đồng/năm/SV), dược học (88 triệu đồng/năm/SV)…

Trước những băn khoăn về mức học phí “phi mã” của nhiều trường, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho rằng Nghị định 86/2015 đã quy định mức thu học phí, dịch vụ tuyển sinh, các khoản dịch vụ khác. Đối với các trường ĐH thực hiện thí điểm tự chủ, nhà nước sẽ quy định mức học phí cho mỗi trường.

Tuy nhiên, theo Luật Giáo dục ĐH sửa đổi và nghị định hướng dẫn thực hiện luật này (có hiệu lực từ tháng 7-2019), các cơ sở giáo dục ĐH công lập sẽ thực hiện thu học phí theo điều 65 của luật. Theo đó, các trường ĐH đáp ứng được khoản 2 điều 32 Luật Giáo dục ĐH sửa đổi về các điều kiện để được tự chủ, đồng thời tự bảo đảm được kinh phí chi thường xuyên thì sẽ được tự xác định mức thu học phí trên cở sở tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo.

Tăng học phí phải có lộ trình - Ảnh 1.
Học phí các trường ngành y dược tăng cao sẽ khiến nhiều sinh viên gặp khó khăn

Tăng là khó tránh khỏi

Theo PGS-TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, khi nhà nước không cấp chi thường xuyên nữa thì học phí cũng sẽ bù vào đó một phần. Vì vậy, tăng học phí là không tránh khỏi. Nhưng phải có lộ trình và phù hợp với khả năng chi trả, tiếp cận của người học ở các vùng khác nhau. Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng SV khi học ở những trường danh tiếng thì cơ hội việc làm sẽ tốt hơn. Học phí mà SV đóng hiện nay chưa phải là toàn bộ chi phí đào tạo mà chỉ là phần lớn, phần còn lại vẫn được đầu tư từ các nguồn khác.

Đại diện Bộ Y tế cho biết dù Trường ĐH Y Dược TP HCM là trường tự chủ nhưng do dư luận phản ánh về mức học phí quá cao, bộ đã yêu cầu nhà trường giải trình, trong đó có căn cứ việc xây dựng mức học phí này.

Hiện các cơ sở giáo dục xây dựng học phí theo Thông tư 14 của Bộ GD-ĐT quy định chi tiết định mức kinh tế – kỹ thuật và phương pháp xây dựng giá dịch vụ đào tạo. Theo đó, các trường sử dụng ngân sách nhà nước sẽ áp theo định mức kỹ thuật do Bộ GD-ĐT ban hành. Trên cơ sở đó, các trường xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị nhưng không được vượt quá mức trần. Trong khi đó, các trường thực hiện tự chủ chi thường xuyên sẽ tự xây dựng mức giá trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật do trường ban hành.

Theo Thông tư 14, chi phí đào tạo trực tiếp chiếm 62%. Trong đó, tiền lương chiếm 33%; chi phí quản lý, chi phí gián tiếp 25%; còn lại là chi phí cho thu nhập tăng thêm, phúc lợi lễ Tết, các quỹ…

Phản hồi băn khoăn này, Bộ GD-ĐT cho rằng về mặt nguyên tắc, với trường tự chủ tài chính, khi xây dựng học phí thì phải căn cứ vào định mức kinh tế – kỹ thuật. Nghĩa là trường phải chứng minh chi phí của mình bỏ ra là như thế nào, mức thu bao nhiêu nhằm bù lại chi phí bỏ ra.

Theo một đại diện của Bộ GD-ĐT, hiện bộ này và Bộ Tài chính đang phối hợp ban hành hướng dẫn về việc xây dựng học phí với những trường tự chủ tài chính theo chỉ đạo của Chính phủ.

Cần có định mức

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH – Bộ GD-ĐT, cho biết nhiều trường ĐH quốc tế tính học phí dựa trên nguyên tắc phù hợp với thu nhập trung bình của người dân. Theo đó, các trường tính chi phí đào tạo một SV, sau đó mới tính đến nguồn thu để bù đắp chi phí này và nguồn thu ở đây không phải chỉ riêng học phí. Thông thường, trường sẽ có 3 nguồn thu là học phí, nguồn hỗ trợ của nhà nước đối với các hoạt động chuyên môn, nghiên cứu theo cơ chế đặt hàng và nguồn do xã hội hiến tặng hay do nhà trường huy động được. Khi đã công bố được các cam kết chuẩn đầu ra và tổng nguồn thu, nhà trường mới cân đối để đưa ra mức học phí phù hợp.

Ông Khuyến cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cần có quy định về định mức kinh tế – kỹ thuật, giá các dịch vụ chi phí đào tạo để các trường trên cơ sở đó tính đúng, tính đủ, làm căn cứ đưa ra quyết định về mức học phí.

Yến Anh/NLD

Bài mới
Đọc nhiều