+
Aa
-
like
comment

Tăng giá điện: EVN cần minh bạch để dân tin và đồng thuận

Diệu Hương - 24/06/2020 06:29

Những ngày vừa qua, khá nhiều ý kiến băn khoăn về việc tiền điện sinh hoạt của nhiều gia đình tháng 4 tăng vọt và có sự hoài nghi chủ yếu xoay quanh tính minh bạch về biểu giá mà EVN xây dựng.

Một số gia đình tỏ ra bức xúc, bởi tiền điện phải trả trong tháng này của họ tăng gấp 4, gấp 5 lần dù vẫn đang trong thời gian được “hỗ trợ Covid-19”.  Như bản thân gia đình người viết, tiền điện tháng 6 tăng đột biến gấp gần 5 lần. Nếu số tiền thanh toán tháng 4 chưa đến 1 triệu đồng thì con số phải trả cho tiền điện tháng 5 là hơn 5 triệu đồng…

Người viết chắc rằng, câu trả lời này cũng là mẫu số chung cho những mối băn khoăn tương tự của người tiêu dùng cả nước. Với giá điện bậc thang, dùng càng nhiều, tiền càng lớn.

Vấn đề là mối nghi ngờ vẫn không hề dừng lại. Nhiều người dân thậm chí còn lo có sự khuất tất trong khâu tính toán, đo lường, mà cụ thể là độ chính xác của công tơ.

Phía EVN khẳng định, công tơ điện tử được thu thập chỉ số tiêu thụ điện hoàn toàn tự động và thực hiện từ xa, khách hàng sử dụng điện có quyền giám sát việc ghi chỉ số công tơ điện.

Lý thuyết thì đúng là như vậy, nhưng trên thực tế thì hiện nay, công tơ điện vẫn hầu hết là loại cơ, lại thường được tập trung một nơi trên các cột điện treo trên tường, việc kiểm tra số điện chỉ có nhân viên EVN mới có thể thực hiện, vì vậy con số trên công tơ điện báo như thế nào cũng chỉ có nhân viên ngành điện biết, người dân muốn so sánh rất khó. Trong khi đó việc thông báo lượng điện tiêu thụ và số tiền phải đóng chỉ giúp các hộ gia đình có thể nắm được số lượng điện tiêu thụ từng tháng để so sánh. Còn chỉ số trên công tơ người dân vẫn rất khó kiểm tra, vì vậy nếu xảy ra tiêu cực cũng không phát hiện được.

Ngoài ra, dư luận vẫn còn nghi ngờ vì không biết giá điện có “gánh” các khoản thua lỗ đầu tư ngoài ngành hay không? Khi mà bức tranh tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không được cập nhật hằng năm, mà chỉ vài số liệu được thông tin từ các cuộc họp tổng kết, đánh giá hoạt động của tập đoàn. Báo cáo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2018 của EVN cho biết doanh thu toàn tập đoàn là 340.500 tỉ đồng (riêng doanh thu từ bán điện là 333.000 tỉ đồng, chiếm gần 98%). Nhưng những con số được mong chờ nhất là khoản lỗ/lãi trong đầu tư, mức giá bán điện bình quân cho khách hàng lại không được công bố cụ thể. EVN chỉ cho biết: “Lợi nhuận công ty mẹ EVN vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao; các tổng công ty trực thuộc đều có lợi nhuận đạt kế hoạch”. Năm 2013, trong một báo cáo được Thanh tra Chính phủ công bố, đến hết năm 2011 EVN đã đầu tư vốn ra ngoài lên đến trên 121.000 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ có 77.000 tỉ đồng. Khoản lỗ mà tập đoàn này phải gánh từ hoạt động đầu tư lên tới 2.195 tỉ đồng, trong đó có nhiều lĩnh vực rủi ro như ngân hàng, bảo hiểm, tài chính, chứng khoán.

Điện, xăng dầu là những mặt hàng thuộc diện phải “công khai minh bạch” trong hoạt động quản lý của ngành công thương, với các thông tin có thể tìm thấy trên trang web chính thức của Bộ Công thương và Cổng thông tin doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhiên, các dữ liệu đều khá cũ. Bức tranh đầy đủ về tình hình tài chính, hiệu quả hoạt động sản xuất, đầu tư kinh doanh của ngành điện vẫn đầy

Đến đây, người viết chợt nhớ, từ nhiều năm trước, cùng với việc ban hành Chỉ thị số 11/CT-BCT về tăng cường công khai, minh bạch đối với hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu, một chuyên trang cũng đã được ra mắt với lời hứa sẽ đăng tải đầy đủ mọi vấn đề liên quan đến quy định chính sách, cơ cấu giá thành, chi phí… hai ngành này. Đặc biệt là công khai cả tình hình tài chính, tình hình sản xuất kinh doanh, kể cả về thu nhập của cán bộ công nhân viên.

Tuy nhiên, có vẻ như trong thời gian gần đây, những thông tin trên chuyên trang này đang không còn được cập nhật liên tục và kịp thời như trước. Người đọc cũng không dễ dàng gì để tìm hiểu được các vấn đề đã được cơ quan điều hành đề cập đến như tuyên bố ban đầu.

Trên thực tế, người dân không phản đối việc tăng giá điện nếu giá bán lẻ hiện nay thấp hơn giá thành sản xuất. Vấn đề của ngành điện là sự minh bạch trong hiệu quả đầu tư và chừng nào chưa có câu trả lời thuyết phục, thỏa đáng về sự minh bạch trong hoạt động thì chừng đó việc tăng giá điện vẫn sẽ còn những hoài nghi và bức xúc.

Cho nên, chủ trương là một nhẽ, làm được đến đâu trong thực tế mới là yếu tố quyết định và  mới mang tính thuyết phục!

Diệu Hương

*Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều