+
Aa
-
like
comment

Tăng giá bán khẩu trang: Vì sao người Việt ngày càng “chủ nghĩa cơ hội”?

Diệu Hương - 05/02/2020 19:48

Như một thói quen cố hữu làm ăn mùa vụ, nhiều nhà thuốc nắm bắt cơ hội này để “thổi” giá khẩu trang nhằm thu lợi. Một hộp khẩu trang y tế lúc bình thường chỉ có giá từ 25.000 đến 30.000 đồng. Vậy mà chỉ sau mấy ngày Tết Nguyên đán khi dịch viêm đường hô hấp cấp được các cơ quan chuyên môn cảnh báo mạnh mẽ, thì ngay lập tực, khẩu trang được đẩy lên giá cao hơn gấp 5 đến 7 lần, thậm chí hàng chục lần ở không ít nhà thuốc.

Khi các cơ quan chức năng vào cuộc, nhiều nhà thuốc có thái độ “biểu tình” bằng cách không bán, hoặc đề biển “Không bán khẩu trang. Đừng hỏi”… dẫn đến việc khan hiếm khẩu trang như hiện nay.

Khi cơ quan quản lý thị trường một số địa phương vào cuộc, đặc biệt sau khi Chính phủ yêu cầu xử lý ngay lập tức và nghiêm khắc đối với một số cá nhân, đơn vị bán khẩu trang vượt mức giá niêm yết, thì không ít cửa hàng treo biển hết khẩu trang. Tệ hại hơn, một số người còn tung lên mạng lời kêu gọi không nhập, không bán khẩu trang và nước rửa tay để Nhà nước lo, nhằm phản ứng việc xử lý của các cơ quan chức năng.

Công bằng mà nói, chiếc khẩu trang hay chiếc máy bay, phàm khi đã trở thành hàng hóa lưu thông trên thị trường đều chịu sự tác động của quy luật “cung-cầu”. Quy luật này giản đơn và phổ biến đến mức ai cũng thuộc lòng, đó là khi nhu cầu tăng mà cung không tương ứng đạt đến mức độ nhất định thì giá cả tăng theo – và ngược lại.

Ngày 11/9/2001, khi nước Mỹ hoảng loạn sau vụ khủng bố nhằm vào tòa tháp đôi tại NewYork, họ cần động lực tinh thần để đứng dậy, nắm bắt cơ hội này các doanh nhân Trung Quốc đã sản xuất hàng loạt lá cờ Mỹ kích thước nhỏ để bán khắp thành phố NewYork. Đó là đẳng cấp kinh doanh.

Khi cơn sóng thần đổ vào Nhật Bản năm 2016, cuốn đi tất cả sự giàu có sung túc, người dân nhiều tỉnh rơi vào nạn đói cục bộ. Vậy nhưng không một cửa hàng nào tăng giá thực phẩm, nước uống. Thậm chí họ còn xếp hàng dài trật tự để nhận cứu trợ. Đó là cốt cách của một dân tộc lớn.

Còn người Việt thì sao? Ngay trước cổng ngôi đền thiêng lớn nhất nước, trong ngày lễ hội, hàng chòi quán mọc lên, bãi giữ xe xuất hiện, mặc sức hét giá “chặt chém” khách hành hương. Họ xem đó là cơ hội làm ăn. Và trong cơn đại dịch corona, hành vi tăng giá bán khẩu trang rõ ràng những hành vi nêu trên đã làm trái các quy định của pháp luật về kinh doanh khi đất nước có thiên tai, địch họa và trong những tình huống khẩn cấp là biểu hiện thiếu lương tâm nghề nghiệp, vi phạm chuẩn mực đạo đức đối với những ngành nghề mà họ được cấp giấy phép kinh doanh.

Bán hay không bán hàng hóa là quyền cá nhân không chế tài nào quy phạm được, đó thuộc về kỷ cương. Nhưng trong tình huống chống dịch như chống giặc hiện nay thì việc nâng giá vô tội vạ để thu lời, trục lợi chỉ có thể là những gian thương, nhỏ nhen và ích kỷ.
Không có một nhà nước nào mạnh đến mức đủ sức giải quyết mọi biến cố mà không có sự chung tay đồng lòng của nhân dân và đạo đức, lương tâm là phạm trù mà luật pháp đôi khi chẳng với tới.

Bình ổn giá không nên và không bao giờ là công việc của niềm tin đạo đức, mà nó thuộc về lý tính của các nhà lập pháp, các nhà quản trị, điều hành nền kinh tế.

Vì sao người Việt ngày càng “chủ nghĩa cơ hội”? Phải chăng niềm tin vào luật pháp chưa đủ lớn để dặn lòng công bằng sẽ phủ bóng khắp nơi? Bởi vì đâu đó vẫn thấy luật pháp chỗ “dày” nơi “mỏng”, tội nặng án nhẹ, tội vu vơ lại trả giá đắt.

Và hành vi nâng giá khẩu trang những ngày này, và cả những đối tượng đã lợi dụng thiên tai, bão lũ, dịch bệnh để trục lợi trên nỗi khốn khó của đồng bào trở nên nhỏ nhen, thấp hèn và đáng bị lên án hơn bao giờ hết.

Diệu Hương

Bài mới
Đọc nhiều