+
Aa
-
like
comment

Tăng cường quản lý báo chí để các đối tượng núp danh “nhà báo” không còn đất diễn!

Bảo An - 20/04/2020 15:35

Gần đây, sau khi chỉ thị số 43-CT/TW ngày 8/4/2020, Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới được đưa ra, các “nhà báo dân chủ” và các hội nhóm núp danh đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền đã ngay lập tức khởi xướng làn sóng “tấn công báo Đảng”.

Nhiều luận điệu xuyên tạc được đưa ra

Quản lý báo chí là một trong những nhiệm vụ quan trọng để xây dựng môi trường thông tin trong sạch, lành mạnh, hiệu quả và bảo đảm báo chí phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng và quyền tự do, dân chủ của nhân dân. Tuy nhiên, nhiều đối tượng núp danh “nhà báo dân chủ”, “phóng viên độc lập” lại liên tục công kích, xuyên tạc nội dung và bản chất của chỉ thị. Thậm chí, các đối tượng này còn tiến hành chia tách, phân nhóm báo chí thành nhóm “báo Đảng” và “báo dân chủ”, từ đó chê bai, bỉ bôi, đả kích nhóm báo Đảng.

Trên các trang mạng xã hội như Việt Tân, Chân Trời Mới Media, RFA v.v… liên tục đăng tải các bài viết xuyên tạc bản chất của Chỉ thị số 43 và vu khống Việt Nam ngăn cản tự do báo chí, xâm phạm nhân quyền. Những bài viết mang đậm tính tiêu cực được đưa ra như; Lại tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, Phong trào học và làm theo báo Đảng v.v…

Nội dung của các bài viết trước hết tập trung đả kích, vu khống Đảng, Nhà nước Việt Nam lấy báo chí để làm công cụ ru ngủ, lừa lọc, huyễn hoặc nhân dân. Các đối tượng rêu rao luận điệu cho rằng Đảng đang cố ngăn cản người dân tiếp cận “thế giới văn minh”, xuyên tạc trắng trợn rằng “đảng không để người dân tự do chọn lựa cái gì nên đọc, cái gì nên làm, cái gì nên vứt bỏ để xã hội theo kịp trào lưu thế giới”, “Đảng muốn biến mọi người thành những con lừa sống chỉ biết làm theo mệnh lệnh đảng, dù mệnh lệnh ấy đưa đất nước trở về thời kỳ lạc hậu” v.v…

Để tạo ra sự tin cậy cho các nội dung mà mình dẫn dắt, các đối tượng dẫn lại bảng xếp hạng của Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF – một tổ chức núp bóng bảo vệ các nhà báo độc lập để thực hiện các hành vi chống phá), cho rằng “Việt Nam hạng 176 trên 180 nước về chà đạp tự do báo chí. Tức là Việt Nam khá hơn 4 nước và thua 175 nước về sự tôn trọng quyền tự do báo chí”, “Việt Nam là một trong 20 nước bị coi là “kẻ thù của tự do báo chí trên mạng””.

Cái đích cuối cùng mà các đối tượng hướng đến là vu khống Việt Nam không có tự do báo chí, người dân không được đảm bảo các quyền tự do, dân chủ, nhân quyền; từ đó đưa ra yêu sách đòi Việt Nam phải xoá bỏ các quy định liên quan đến quản lý báo chí.

Khi đánh giá về Chỉ thị số 43, có thể thấy Chỉ thị này là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Thực tế cho thấy thời gian vừa qua, môi trường báo chí ở nước ta đã xuất hiện những vấn đề tiêu cực. Đặc biệt, tình trạng đội ngũ phóng viên, nhà báo, cộng tác viên tại một số cơ quan báo chí đã thoái hoá về đạo đức, vi phạm quy định của pháp luật, có hành vi sử dụng sức mạnh của báo chí để cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp đang trở thành vấn đề nhức nhối. Cùng với đó, tình trạng thông tin thiếu kiểm chứng, sai sự thật được lan truyền trên mạng đã tạo ra những hệ luỵ tiêu cực, gây tâm lý hoang mang, dao động trong xã hội. Đồng thời, không ít người núp bóng nhà báo để tiến hành tuyên truyền các thông tin, luận điệu sai lệch; sử dụng báo chí như công cụ để hiện thực hoá chiến lược “diễn biến hoà bình”.

Tăng cường sự quản lý của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới là vấn đề cấp thiết để đảm bảo môi trường thông tin cũng như hoạt động của nền báo chí Việt Nam không bị chệch hướng.

Hãy tưởng tượng, nếu báo chí không có sự quản lý, hoạt động một cách tự do ngoài vòng pháp luật (như mục tiêu mà các đối tượng vấn hướng đến) thì môi trường thông tin sẽ ra sao? Nhìn vào một ví dụ nhỏ là đời sống thông tin trong cuộc chiến chống Covid – 19 hiện nay, vô số thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh đã được đưa ra, cơ quan chức năng đã xử lý nhiều trường hợp do tung tin giả, sai sự thật lên mạng xã hội. Nếu không có sự quản lý, những luồng thông tin sai lệch sẽ trôi nổi lan truyền trên mạng tác động tiêu cực đến tâm lý người dân và đời sống kinh tế xã hội.

Thực tế, việc các đối tượng tấn công Chỉ thị 43, tấn công “báo Đảng”, vu khống Việt Nam không có tự do báo chí là một trong các phương thức để chống đối chính quyền, phá hoại vai trò lãnh đạo của Đảng. Khi rêu rao các thông tin, lập luận như ở trên, các đối tượng tạo cớ để tiếp tục tuyên truyền xuyên tạc, hạ bệ uy tín của Đảng, Nhà nước Việt Nam; hình thành tư tưởng bất mãn, nghi kỵ trong quần chúng nhân dân. Và hơn hết, việc tăng cường quản lý báo chí, tăng cường quản lý hoạt đông của Hội Nhà báo sẽ khiến cho các đối tượng không thể có đất diễn, không thể vô pháp, vô thiên hoạt động tung tin giả nhằm chống phá chính quyền.

Bản chất của các đối tượng phản động, chống đối là thù hằn với chế độ. Tất cả những việc mà Đảng, Nhà nước Việt Nam thực hiện dù có tốt đến đâu cũng sẽ bị xuyên tạc trở thành tiêu cực. Vì vậy, chúng ta cần hết sức cảnh giác, tránh bị các đối tượng lợi dụng hướng lái.

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều