Tân Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho rằng năm 2021 là khoảng thời gian nhiều thử thách, do đó ông nhấn mạnh đến việc tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh vừa được trao quyết định bổ nhiệm vào vị trí Trưởng ban Kinh tế Trung ương vào sáng 6/2. Ông nói rằng năm 2021 là năm đầu của giai đoạn mới, đất nước chứng kiến nhiều khó khăn do dịch Covid-19 gây ra và coi đây là khoảng thời gian “lửa thử vàng, thử ý chí”.
Tân Trưởng ban Kinh tế Trung ương cam kết đồng hành mạnh mẽ cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tái cơ cấu lại sản xuất, vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đó cũng là việc hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội XIII, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có nền công nghiệp hiện đại vào giữa thế kỷ này.
Cơ hội và thách thức trong giai đoạn mới
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nói nhiều đến cơ hội và thách thức của đất nước khi bước vào giai đoạn mới, khởi đầu nhiệm kỳ 5 năm 2021-2025 và hướng mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước.
“Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nhiều đến kinh tế, xã hội. Do đó, phải vừa ưu tiên chống dịch, vừa phục hồi kinh tế”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Người đứng đầu Ban Kinh tế Trung ương cho rằng từ thực tiễn thấy rằng dịch Covid-19 đang diễn biến không hề đơn giản, dù có những thành tựu ban đầu về vaccine nhưng tốc độ lây lan, sự biến chủng phức tạp gây ra những khó khăn cho công tác chống dịch. Ông cảnh báo chỉ lơ là, mất cảnh giác sẽ gây ra những nguy cơ rất lớn cho đất nước, cho nền kinh tế và doanh nghiệp.
Do đó, ưu tiên đầu tiên là việc phòng chống dịch bệnh phải làm chặt chẽ ở tất cả các khu vực, các cấp, các ngành, ở từng người dân và doanh nghiệp. Các hoạt động khôi phục phát triển kinh tế cũng phải dựa trên cơ sở đảm bảo kiểm soát dịch bệnh. Ông nhấn mạnh đây là nguyên tắc sống còn.
Tuy nhiên, vừa kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, đảm bảo an toàn cộng đồng, nhưng cũng phải chú ý đến nhiệm vụ khôi phục nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường, có động năng mới trong trạng thái bình thường mới. Ông cho rằng nhiệm vụ ngày hôm nay sẽ giúp xây dựng nền tảng cho sự phát triển của đất nước trong 5-10 năm tới, là mục tiêu xuyên suốt và cấp bách.
Chỉ lơ là, mất cảnh giác với dịch sẽ gây ra những nguy cơ rất lớn cho đất nước, cho nền kinh tế và doanh nghiệp
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh
Tuy nhiên, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng nhắc đến những cơ hội trong giai đoạn hiện nay.
Ông cho rằng Việt Nam có sự ổn định về kinh tế vĩ mô được vun đắp nhiều năm qua, tạo ra một sức chống chịu nhất định với những biến động bên ngoài. Trong khi đó, Việt Nam có chính trị ổn định, là môi trường đầu tư hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trên thế giới.
Trong khi đó, trên thế giới đang có những cơ hội mới, trào lưu mới, đó là làn sóng dịch chuyển luồng đầu tư, luồng công nghệ, luồng nhân lực sẽ tạo ra các xu thế hợp tác mới, cơ hội mới cho Việt Nam. Ngoài ra, cơ hội từ Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số cũng là điều đáng ý trong thời gian tới.
Việt Nam cũng đang tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) tạo ra các cơ hội mới, giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể nâng cao giá trị, vươn tầm khu vực và thế giới.
“Thử thách ý chí”
Trong cuộc trao đổi với PV, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh dành nhiều thời gian để nói về việc tháo gỡ khó khăn và khích lệ cộng đồng doanh nghiệp trong nước vươn lên.
Ông nhấn mạnh dịch Covid-19 tác động trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp và người lao động, do đó thời gian tới cần có những biện phá kịp thời hơn nữa để hỗ trợ. Đảng, Nhà nước, Chính phủ sẽ luôn quan tâm đến các biện pháp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đặc biệt là việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư kinh doanh.
“Chúng ta cần tiếp tục thực hiện các cải cách sâu và rộng hơn nữa, đồng bộ và toàn diện, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thể chế hoàn thiện, giúp các chủ thể có thể tiếp cận và khai thác các nguồn lực cho phát triển”, ông chia sẻ.
Người đứng đầu Ban Kinh tế Trung ương cũng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp khai thác thật tốt FTA thế hệ mới. Ông nhấn mạnh chưa bao giờ Việt Nam có các FTA đồng bộ và toàn diện như vậy. Do đó, doanh nghiệp phải biết khai thác, biến các FTA thành “động năng” phát triển mới cho đất nước và nền kinh tế.
2021 là năm lửa thử vàng, thử ý chí, thử quyết tâm, thử ý thức trách nhiệm, thử tri thức
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh
Ông cũng nhận định 2021, Việt Nam tiếp tục chứng kiến sự phức tạp trong các tranh chấp thương mại, xung đột thương mại, không chỉ giữa các siêu cường mà còn các tác động liên khu vực, ở các nhóm quốc gia, các khối thương mại.
Chính vì vậy, hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp Việt Nam phải định vị lại cơ hội mới, nhanh chóng tiếp cận những cơ hội và dòng chảy thương mại, sớm cơ cấu lại lại hoạt động đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
“Thực thi các FTA đòi hỏi sự chủ động, đồng hành chặt chẽ giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Do đó, phải có sự nỗ lực của cả Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Đó cũng sẽ là những ưu tiên của năm 2021”, ông chia sẻ.
Cuối cùng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh năm 2021 là khoảng thời gian “lửa thử vàng, thử ý chí, thử quyết tâm, thử ý thức trách nhiệm, thử tri thức”. Ông cho rằng nếu sẽ có sự quyết tâm, thực hiện theo đường lối đúng đắn mà Đảng đã vạch ra, nhất định sẽ vượt qua được những thách thức sắp tới.
Ông Trần Tuấn Anh sinh ngày 6/4/1964, quê quán xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Ông Trần Tuấn Anh bắt đầu sự nghiệp khi làm chuyên viên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từ năm 1988 đến năm 1994. Sau đó ông chuyển về Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm chuyên viên Vụ Kinh tế đối ngoại.
Năm 1999, ông được bổ nhiệm làm Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách công nghiệp (Bộ Công nghiệp). Sau đó từ năm 2000 đến năm 2009, ông được bổ nhiệm làm Phó vụ trưởng, rồi Quyền Vụ trưởng, sau đó làm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế, Giám đốc Quỹ Ngoại giao phục vụ kinh tế, Bộ Ngoại giao; Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco (Mỹ).
Giữa năm 2008, ông được điều động về làm Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ. Đến năm 2010, ông được bổ nhiệm là Thứ trưởng Bộ Công Thương, kiêm Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Từ tháng 4/2016, ông Trần Tuấn Anh được Quốc hội bầu trở thành Bộ trưởng Bộ Công Thương. Tại Đại hội Đảng XIII, ông được bầu là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII từ tháng 1/2021.
Hiếu Công/ ZF