Tân tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên thệ nhậm chức
Tổng thống đắc cử Joe Biden và phó tướng Kamala Harris nhậm chức trong buổi lễ tại Đồi Capitol vào trưa 20/1.
Ông Joe Biden trở thành người cao tuổi nhất từng nhậm chức tổng thống Mỹ (79 tuổi), phá vỡ kỷ lục của chính người tiền nhiệm Donald Trump. Ông Trump nhậm chức vào năm 2017 khi 71 tuổi.
Ông Biden: “Hôm nay là ngày của nước Mỹ, ngày của nền dân chủ”
Ông Biden có bài phát biểu đầu tiên trên cương vị tổng thống Mỹ.
Tổng thống Biden nhắc lại vụ tấn công Điện Capitol hôm 6/1, tuyên bố vụ việc càng nhấn mạnh giá trị của nền dân chủ Mỹ.
“Chúng ta một lần nữa học được rằng nền dân chủ mong manh và quý giá. Vào thời khắc này, thưa các bạn, nền dân chủ đã chiến thắng”, Tổng thống Biden nói.
Ông Biden: Tôi sẽ là tổng thống của toàn dân
Biden nói ngày hôm nay là sự kiện tôn vinh nền dân chủ, và “ý chí của người dân đã được lắng nghe”.
“Hôm nay là ngày của nền dân chủ, là ngày của lịch sử và niềm hy vọng, sự đổi mới và quyết tâm”, ông Biden nói.
“Nước Mỹ đã trải qua một cuộc thử nghiệm, và nước Mỹ đã vượt qua thử thách này”, ông Biden nói.
Ông Biden kêu gọi kết thúc “nội chiến”
“Khi tôi nói về sự đoàn kết, nghe có vẻ như một ảo tưởng trong những ngày này. Tôi biết nhiều thế lực đang chia rẽ chúng ta sâu sắc, đó là điều có thật. Tôi cũng biết đó không phải chuyện mới xảy ra. Nhưng chắc chắn rằng sự đoàn kết chính là con đường để tiến về phía trước”, ông Biden nói.
Ông Biden kêu gọi “sự khởi đầu mới cho nước Mỹ”
Ông Biden lên án những người gây ra vụ bạo loạn ở Điện Capitol. “Chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra nữa, không phải hôm nay, ngày mai, về sau”, ông Biden nói.
Ông cam kết trở thành tổng thống của toàn bộ người dân Mỹ, “kể cả những người không ủng hộ tôi”.
Ông kêu gọi đất nước sẵn sàng cho một “sự khởi đầu mới” kể từ ngày hôm nay.
“Lịch sử của chúng ta là một cuộc đấu tranh liên tục giữa lý tưởng của người Mỹ rằng chúng ta sinh ra đều bình đẳng, và thực tế khắc nghiệt rằng nạn phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa bài ngoại, nỗi sợ, và nạn mê tín dị đoan đã gây ra sự chia rẽ sâu sắc”, ông Biden nói trong bài phát biểu.
Biden tuyên thệ nhậm chức
“Tôi trịnh trọng tuyên thệ rằng tôi sẽ đảm đương vị trí tổng thống Mỹ một cách trung thành và sẽ làm hết khả năng để giữ gìn, duy trì và bảo vệ Hiến pháp Mỹ. Vì vậy xin Chúa hãy giúp tôi!”, Tổng thống đắc cử Joe Biden tuyên thệ trước sự chứng kiến của Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ John Roberts.
Harris tuyên thệ nhậm chức Phó tổng thống Mỹ
“Tôi trịnh trọng tuyên thệ rằng tôi sẽ ủng hộ và bảo vệ Hiến pháp Mỹ chống lại tất cả mọi kẻ thù, bên ngoài và trong nước, rằng tôi sẽ giữ vững lòng tin và trung thành, rằng tôi nhận bổn phận này một cách tự nguyện, không hề đắn đo hay có ý tránh né và rằng tôi sẽ hoàn thành tốt và trung thực các bổn phận của vị trí tôi sắp đảm nhiệm. Vì vậy xin Chúa hãy giúp tôi”, bà nói.
Harris tuyên thệ trước Sonia Sotomayor, thẩm phán người Latinh đầu tiên trong Tòa án Tối cao Mỹ.
Doug Emhoff, phu quân của Harris, giữ cuốn Kinh thánh trong lúc bà đọc lời tuyên thệ.
Lễ nhậm chức của Biden diễn ra trong trời nắng
Lễ nhậm chức của Biden dường như là ngày nhậm chức có nắng rực rỡ đầu tiên trong gần 30 năm qua. Thời tiết ngày 20/1 được dự báo se lạnh, nắng hanh và lộng gió, ít khả năng xuất hiện mưa.
Hai buổi lễ nhậm chức trước đó của Tổng thống Donald Trump và Barack Obama đều xuất hiện nhiều mây, âm u và có lúc mưa nhỏ.
Ông Biden dẫn vợ ra lễ đài ở Điện Capitol
Nghị sĩ Mỹ ổn định chỗ ngồi trong lễ nhậm chức
Các nghị sĩ Mỹ đã dần ổn định vị trí trước khi buổi lễ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden bắt đầu. Các nghệ sĩ biểu diễn trong lễ nhậm chức cũng bắt đầu nổi nhạc.
Chỉ có khoảng 1.000 người dự lễ nhậm chức năm nay của Biden, thay vì đám đông hàng trăm nghìn người như các sự kiện trước đây. Thông thường, người ủng hộ sẽ tập trung tại công viên quốc gia National Mall, song năm nay do đại dịch Covid-19, 200.000 lá cờ đã được cắm tại đây thay vì tụ tập đông người
Biden đăng tweet về phu nhân
Ngay sau khi tới Đồi Capitol để dự lễ nhậm chức, tài khoản Twitter Joe Biden đăng lời nhắn gửi Jill Biden, người sắp trở thành đệ nhất phu nhân Mỹ.
“Anh yêu em, Jilly, và anh không thể biết ơn hơn nữa khi có em đồng hành trong hành trình phía trước”, đoạn tweet được đăng trên tài khoản Joe Biden kèm video phu nhân Jill nắm tay ông.
Tòa án Tối cao Mỹ được sơ tán
Quan chức am hiểu vấn đề cho biết Tòa án Tối cao Mỹ đang được sơ tán sau khi xuất hiện mối đe dọa đánh bom. Phóng viên Alex Marquardt của CNN cho biết lực lượng Vệ binh Quốc gia đã được tăng cường.
Cựu tổng thống Obama và Clinton tới Đồi Capitol
Cựu tổng thống Barack Obama, Bill Clinton cùng các phu nhân đã tới tòa nhà quốc hội Mỹ để dự lễ nhậm chức của Joe Biden và Kamala Harris.
Biden đến nhà thờ
Ngay khi Tổng thống Trump và Đệ nhất phu nhân lên máy bay Không lực Một trong lễ chia tay ở căn cứ không quân Andrews, Tổng thống đắc cử Joe Biden được thấy rời nhà khách Blair, nhà khách dành cho tổng thống đắc cử đối diện Nhà Trắng, cùng với vợ Jill Biden.
Đoàn xe chở họ đến nhà thờ St. Matthew ở thủ đô Washington, nơi ông dự lễ buổi sáng cùng với gia đình mình và gia đình phó tổng thống đắc cử Kamal Harris, các lãnh đạo lưỡng đảng tại quốc hội.
Nhiều tổng thống Mỹ trước đây chọn tham gia lễ ở nhà thờ St. John’s Episcopal, đôi khi còn được gọi là “nhà thờ của các tổng thống” trước khi tới lễ nhậm chức.
Các tân tổng thống thường dự lễ nhà thờ vào buổi sáng nhậm chức và chọn nhà thờ St. John, hay “nhà thờ của các tổng thống” ở quảng trường Lafayette đối diện Nhà Trắng. Kể từ năm 1933, 7 tổng thống gồm Franklin D. Roosevelt, Truman, Reagan, George H.W. Bush, George W. Bush, Barack Obama và Trump đều dự lễ tại nhà thờ này.
Lịch trình lễ nhậm chức
Lễ nhậm chức dự kiến bắt đầu vào khoảng 11h30 ngày 20/1 (23h30 giờ Hà Nội). Phó tổng thống đắc cử Kamala Harris sẽ là người tuyên thệ đầu tiên trước sự chứng kiến của thẩm phán Tòa án Tối cao Sonia Sotomayor.
Sau đó, Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ được Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ John Roberts chứng nhận tuyên thệ vào đúng 12h trưa như truyền thống.
Sẽ có khoảng 1.000 người tham dự buổi lễ, phần đa là nghị sĩ quốc hội và khách mời của họ. Trong các lễ nhậm chức trước đây, tổng cộng 200.000 vé mời được phát cho các thành viên quốc hội, nhưng năm nay, mỗi nghị sĩ chỉ nhận được một vé khách mời. Sự kiện sẽ được Ủy ban Nhậm chức Tổng thống phát trực tuyến, công chúng Mỹ được khuyến cáo ở nhà, không tới Washington chứng kiến lễ nhậm chức do lo ngại về Covid-19 và vấn đề an ninh.
(Theo Reuters)