Tân Tổng lãnh sự Mỹ: Cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều có cảm tình với Việt Nam
Từng giữ vai trò trưởng phòng lãnh sự tại TP.HCM từ năm 2002 – 2004, bà Marie C. Damour quay trở lại Việt Nam sau 15 năm trong cương vị mới: tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM.
“Cách mối quan hệ này thay đổi thật đáng kinh ngạc”, bà Damour nói về những tiến bộ trong quan hệ Việt – Mỹ kể từ khi hai nước bình thường hóa năm 1995.
Những thay đổi đó, theo bà, có thể kể đến sự xuất hiện ngày càng nhiều của doanh nghiệp Mỹ đầu tư và làm ăn tại Việt Nam. Số người Mỹ sinh sống tại Việt Nam cũng tăng lên, trong khi du học sinh Việt đến Mỹ ngày càng nhiều.
Đưa SMEs Việt vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Bà Damour chia sẻ với báo giới ở TP.HCM rằng các mục tiêu chính trong nhiệm kỳ này của bà vẫn xoay quanh ba trụ cột chính, bao gồm quan hệ thương mại và đầu tư, chính trị và quốc phòng, cũng như ngoại giao nhân dân.
Về lĩnh vực giáo dục, điểm sáng đáng tự hào trong quan hệ Việt – Mỹ có thể kể đến sự thành lập Trường ĐH Fulbright Việt Nam. Bà Damour cho rằng đây là ngôi trường đặc biệt độc đáo trên thế giới, và nhất là tại Việt Nam: “Đây là ngôi trường tư nhân phi lợi nhuận đầu tiên áp dụng mô hình giáo dục khai phóng của Mỹ, kết hợp với văn hóa và truyền thống của Việt Nam”.
Ngoài ra, tân tổng lãnh sự cho biết bà đặc biệt quan tâm tới vấn đề buôn lậu và duy trì hệ thống pháp quyền không chỉ tại Việt Nam, mà còn trên toàn thế giới.
Trong lĩnh vực thương mại đầu tư, bà Damour cho biết mục tiêu của bà và Lãnh sự quán là xây dựng các mối nối kinh tế, đặc biệt trong những lĩnh vực mà doanh nghiệp Mỹ quan tâm như đô thị thông minh, công nghệ, năng lượng sạch, hàng không và cơ sở hạ tầng.
Trả lời Tuổi Trẻ về những lợi ích doanh nghiệp Việt có thể gặt hái từ quan hệ hai nước, bà nhấn mạnh: “Ở Việt Nam cũng như ở Mỹ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) thực sự tạo ra nhiều việc làm hơn các doanh nghiệp lớn. Điều rất thú vị trong lĩnh vực này là Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) của chúng tôi đang hợp tác với Việt Nam nhằm đảm bảo doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam là một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Cũng theo bà, tỉ lệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ hợp tác cùng các công ty lớn thực sự còn khá thấp tại Việt Nam. Vì vậy, Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Việt Nam đã kết hợp cùng USAID nhằm tổ chức các sự kiện giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ liên kết với các nhà sản xuất lớn. Bà Damour cho rằng đây là cách để doanh nghiệp Mỹ hỗ trợ Việt Nam phát triển và tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn.
Khi được hỏi về các thách thức sắp tới, bà Damour cho rằng doanh nghiệp Mỹ vẫn chưa hiểu môi trường đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam. Theo bà, trong khi một số công ty đã quen thuộc với TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai, nhiều doanh nghiệp Mỹ vẫn chưa nắm rõ cơ hội và môi trường làm ăn ở những địa phương khác tại Việt Nam.
Cam kết tại Biển Đông
Theo bà Damour, Đông Nam Á là khu vực vô cùng quan trọng đối với thương mại quốc tế. Bà cho biết khoảng 40% hoạt động thương mại toàn cầu đều đi qua vùng biển tại khu vực. Ngoài ra, Đông Nam Á còn đóng vai trò lớn trong vấn đề an ninh năng lượng của nhiều nước. Bằng chứng là các chuyến dầu mỏ và khí tự nhiên hóa lỏng thường phải băng qua các vùng nước và quốc gia tại Đông Nam Á.
Theo tân tổng lãnh sự Mỹ, sự cam kết của Mỹ tại Biển Đông vốn là một phần quan trọng trong quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, cũng như các quốc gia ASEAN khác. Bà ví dụ: “Mỹ có Sáng kiến an ninh hàng hải. Chúng tôi cố gắng giúp đỡ các quốc gia trong khu vực xây dựng năng lực để tự bảo vệ lợi ích, cũng như nắm rõ về diễn biến trong vùng đặc quyền kinh tế của mình”.
Theo bà Damour, đó là lý do Việt Nam trở thành đối tác quan trọng của Mỹ trong vấn đề này, nhất là trong bối cảnh Việt Nam sẽ trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và chủ tịch luân phiên ASEAN trong năm sau.
Bên cạnh đó, bà Damour khẳng định chính sách của Mỹ đối với Việt Nam vẫn nhất quán, ngay cả khi cuộc bầu cử 2020 dẫn đến sự thay đổi chính quyền tại Washington. Bà nhấn mạnh đa số thành viên cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Mỹ đều có cảm tình tốt với Việt Nam.
NGUYÊN HẠNH/Tuổi Trẻ