Tận thấy những tư dinh gỗ xa hoa của quan chức
Rừng Tây Nguyên “chảy máu” không ngừng dường như tỷ lệ thuận với những tư dinh, biệt phủ gỗ của nhiều quan chức trên địa bàn. Phóng viên Tiền Phong đã vào tận những nơi này để xem sự lãng phí của những người có trách nhiệm “nêu gương”….
Những tư dinh gỗ xa hoa
Giới chơi gỗ sành điệu, đều phải thán phục trước biệt phủ làm bằng gỗ quý “dát” từ cổng vào đến nhà của ông Trần Ngọc Quang, gần kênh chính Tây (thị trấn Ea Súp-Đắk Lắk). Căn nhà của ông Quang sử dụng đến gần 136 m3 gỗ quy tròn, nhưng đều là gỗ “bất hợp pháp”. Nhìn từ cổng vào trong, không biết cơ man nào là gỗ, từ mái tới cột, đem lại cảm giác xa hoa và hoành tráng. Dưới mỗi cột gỗ đều có một hòn đá kê được làm khá tinh xảo.
Ngắm tư dinh này từ xa, người viết bài thực sự choáng ngợp. Cũng không phải cảm nhận bằng giác quan, kết luận của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Đắk Lắk nêu, ông Trần Ngọc Quang với vai trò là Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ea Súp có khuyết điểm: “Sử dụng 84,81 m3 gỗ thành phẩm (quy gỗ tròn bằng 135,696 m3) làm các công trình tại thửa đất 819, tờ bản đồ số 1a, tại thôn 9, thị trấn Ea Súp không có hồ sơ chứng minh hợp pháp. Mức vi phạm này đã vượt qua mức quy định tối đa về xử phạt vi phạm hành chính, được xem xét để truy cứu trách nhiệm hình sự” – lược trích Kết luận của UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk.
Ông Quang còn bị đánh giá thiếu ý thức chấp hành quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, xây dựng; Không gương mẫu, không tự rèn luyện bản thân, tinh thần tự phê bình chưa cao… Sai phạm, khuyết điểm của ông Quang thuộc hành vi cố ý, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm mất uy tín của bản thân, tổ chức, cơ quan nơi ông Quang sinh hoạt và công tác; Gây dư luận xấu, bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk đã thi hành kỷ luật ông Quang bằng hình thức cảnh cáo.
Còn tư dinh của ông Nguyễn Văn Quyến (nguyên Phó giám đốc Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Cư M’lan) sở hữu 2 căn nhà gỗ khổng lồ ở trung tâm thị trấn huyện Ea Súp (Đắk Lắk) không thua kém gì ông “quan” trên, cũng nức tiếng khắp vùng. Ông Quyến từng bị kỷ luật cảnh cáo vì vi phạm trong công tác quản lý và bảo vệ rừng. Dưới thời ông Quyến, Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Cư M’Lan đã để mất hơn 10.500 ha rừng và đất rừng; Lập hơn 2.600 biên bản vi phạm với diện tích rừng bị phá hơn 4.000 ha mà không có giá trị pháp lý…
Sau khi hết “án” kỷ luật, ông Quyến lại được UBND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định ủy quyền làm đại diện phần vốn của Nhà nước tại Công ty Chế biến thực phẩm và Lâm nghiệp Đắk Lắk từ 1/1/2019, với chức danh Phó Tổng giám đốc, trực tiếp phụ trách quản lý và bảo vệ rừng. Gỗ trong nhà ông này được cơ quan chức năng thẩm định gồm: Gõ, căm xe, cà chít, kiền kiền, bằng lăng..
Trao đổi qua điện thoại (ngày 30/3), đại tá Phạm Minh Thắng, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT-Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, đã có kết quả xử lý từ lâu rồi. Còn phía Văn phòng UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, đang kiểm tra và sẽ thông tin lại. Không biết đến bao giờ, cơ quan chức năng tỉnh này mới công khai xử lý trách nhiệm ông “quan” có tư dinh khủng mà Tiền Phong đã hơn một lần đề cập.
Trong khi, những “công bộc” trên vi phạm như vậy, cơ quan chức năng vẫn ỡm ờ công bố xử lý về mặt pháp luật, thì năm 2018, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Đắk Lắk) kiểm tra kho xưởng của ông Nguyễn Quang Tiệp-môt thường dân ở địa phương, phát hiện hơn 27,4 m3 gỗ quy tròn không có hồ sơ pháp lý. Ông Tiệp sau đó, bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Sắp tới đây, TAND tỉnh Đắk Lắk xét xử vụ án này, ông Tiệp sẽ đối mặt với tù tội.
Nhà giám đốc sở chỉ là gỗ tạp?
Dân chơi gỗ ở phố núi Pleiku (Gia Lai) không khỏi trầm trồ khen ngợi khối tàn sản“khủng” của gia đình ông Hồ Phước Thành – Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Gia Lai nằm ở vị trí đắc địa ở đường Sư Vạn Hạnh (thành phố Pleiku). Căn nhà 2 tầng của vị giám đốc Sở KHĐT được thiết kế sang trọng, cổng chính sơn màu vàng, in hình trống đồng với nét chạm khắc tinh xảo. Nhưng, nổi bật nhất vẫn là căn nhà rường làm bằng gỗ tự nhiên, bên trong bày loạt tượng gỗ.
Khi được PV hỏi về việc này, ông Thành nói: “Nhà đây anh xây lâu rồi, đúng là có nhà gỗ, mà gỗ tạp thôi, chứ không phải nhà rường đâu. Cách đây mười mấy năm, anh đã có vậy rồi, chứ không có gì mới. Nhà vườn hồi anh còn làm rẫy trong Đức Cơ (Gia Lai) đem về rồi làm sạch sẽ lại thôi. Gỗ dầu ý mà, chứ không phải gỗ nhóm I đâu…Nội thất bên trong cũng không có gì, lâu lâu mình chạm (chạm trổ – PV) cái gì mình để lên”.
Đặc biệt, người dân phố núi Pleiku còn xôn xao việc ông Hồ Phước Thành có miếng đất vừa mua ở phường Thắng Lợi (thành phố Pleiku) rộng hàng nghìn m2 đang được thiết kế bắt mắt từ phần cổng đến nội thất. Điểm nhấn là hồ cá với phía trên dựng căn nhà gỗ tự nhiên, có cầu gỗ bắc qua…Trả lời về ngôi nhà này, ông Thành giải thích, đây là nhà của “bố mình” từ hồi giải phóng (năm 1975 – PV) đến giờ, không phải mới đây. Ông Thành nói rằng, gia đình có 8 anh em, ai cũng thành đạt. Một người làm xây dựng nên đã xây hàng rào, làm nhà gỗ đó. Gia đình cũng có người làm công ty điện mặt trời cho người ta ở Gia Lai nên họ “giúp” xây căn nhà đó. Giá căn nhà “cỡ 200 đến 300 triệu thôi”.
Một biệt phủ tầm cỡ khác ngự ở gần cuối đường Phạm Ngọc Thạch (phường Yên Thế, thành phố Pleiku) cũng của vợ chồng “quan bà” và “quan ông”, không gian khoảng 1ha, tường rào xây cao hơn 2m với thép gai dày đặc bên trên. Biệt phủ với 3 phần chính, đẹp nhất là căn nhà bằng gỗ hai tầng, tới nhà tiếp khách được dựng bằng các trụ gỗ với thiết kế thoáng mát lợp mái ngói đen.
Cuối cùng là nhà chòi trên ao cá rộng khoảng 1 nghìn mét được dựng bằng loạt trụ gỗ bào tròn, lợp mái ngói màu vàng. Một người trong căn biệt phủ nói rằng “Cô Hà ít khi về, ở đây có 2 người giúp việc”, nói xong người này đóng cửa sắt, chốt khoá. Người dân xung quanh khẳng định đây là căn biệt phủ của vợ chồng bà Huỳnh Nữ Thu Hà (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai) và ông Lê Xuân Hòa (nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai.
Để xác minh độ chính xác của thông tin, PV Tiền Phong liên hệ với bà Hà, tuy nhiên vị này từ chối trao đổi qua điện thoại về biệt phủ này, đồng thời đề nghị không đưa nội dung cuộc hội thoại lên báo. Khi PV đề nghị gặp trực tiếp để làm việc, bà Hà từ chối với lý do “Hiện giờ bận chống dịch”.
Ngày 1/4, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Xuân Hoà xác nhận, căn nhà ở cuối đường Phạm Ngọc Thạch là của gia đình ông. Theo đó, năm 2019, gia đình ông bắt đầu làm các hạng mục trên tổng diện tích gần 1ha. Nhà gỗ lớn nhất do một người bạn ở huyện Mang Yang (Gia Lai) “cho”. Ông cho biết, căn nhà mái màu đen có 10 cột gỗ mua có “hơn trăm triệu” bằng “gỗ tạp”. “Lúc đầu anh bàn làm mấy hạng mục ở đây vợ (bà Hà) ngăn cản dữ lắm. Nhưng anh nghĩ, mình làm vài cái nhà lồng để trồng rau sạch nên không sao. Vậy nên anh xin giấy phép chỗ huyện Ia Grai làm trại vườn”, ông Hoà nói.
Trong khi đó, Tổ trưởng Tổ dân phố 17 (phường Yên Thế) cho biết: “Nhà gỗ này của 2 vợ chồng bà Huỳnh Nữ Thu Hà và ông Lê Xuân Hòa. Đoạn phía trên giáp mặt đường thuộc phường Yên Thế, đoạn dưới khoảng 30m thuộc đất ruộng của xã Ia Der (huyện Ia Grai, Gia Lai). Vợ chồng ông bà này cho người làm lâu rồi. Có một lần họ đổ đất lấp hồ, tôi điện nhắc họ phải tưới nước vào đường, không bụi bặm ảnh hưởng đến bà con”.
Cách đây không lâu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành nhiều quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Một trong những quy định mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành là Quy định số 08 (QĐ/TW) trong đó yêu cầu: Phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết không để vợ (chồng), bố, mẹ, con, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi; Để vợ (chồng), con đẻ, con nuôi sống xa hoa, phô trương, lãng phí hoặc sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật.
Nhóm PV Tây Nguyên/TP