Tàn nhưng không phế – bài học cho thế hệ trẻ
Không hiểu sao khi nghĩ đến lòng kiên định, quyết tâm và lạc quan tích cực trong cuộc sống, tôi luôn nghĩ đến những người thương binh đã vào sinh ra tử chiến trường. Chiến tranh đã qua đi, đất nước đang trong thời kì đổi mới và tập trung phát triển kinh tế – xã hội. Những điều đó đều được gây dựng dựa trên nền tảng là những năm tháng chiến tranh gian khổ cùng sự hy sinh của nhiều chiến sĩ trong chiến đấu.
Khó khăn chẳng thể nào làm thay đổi bản lĩnh, ý chí của những người anh hùng cách mạng, bản lĩnh trong chiến đấu và bản lĩnh cả trong nghị lực sống sao cho ý nghĩa với xã hội. Tàn tật không có nghĩa là tàn phế. Thay vì sống trong quá khứ, không ngừng bị ám ảnh bởi bom đạn và cái chết mà dằn vặt, uất ức, các chiến sĩ thương binh đã chọn cách sống lạc quan, ngày nào còn sống trong cuộc đời là một ngày còn được sống cống hiến và lao động.
Thời chiến thì cống hiến cho cách mạng, quyết tử vì tổ quốc, thời bình thì tăng gia sản xuất, chăm chỉ lao động để đóng góp cho gia đình, xã hội. Các đồng chí thương binh cách mạng thực sự là tấm gương cho nhiều người trẻ hiện nay – Những người vì gặp áp lực trong cuộc sống, khó khăn thử thách nhất thời mà muốn từ bỏ.
Giá như chúng ta có thể dùng máy chiếu ngược dòng thời gian để có thể hiểu được, những anh hùng liệt sĩ đã trải qua giai đoạn khó khăn như thế nào. Đời sống sinh hoạt khó khăn, mưa bom bão đạn giăng trên đầu mà chỉ cần sơ suất chút một, có thể mất mạng như chơi. Nhưng chính vì hoàn cảnh khó khăn như vậy cũng là lúc cả nước đang cần họ, nhuệ khí chiến đấu của các anh tăng cao mà gần như không màng đến cái chết.
Sau chiến tranh, những người thương binh vẫn trở lại với nhịp sống, sinh hoạt như bao người bình thường mặc dù thân thể không còn lành lặn. Theo như lời động viên của chủ tịch Hồ Chí Minh, các anh em thương binh, bệnh binh cần phải hòa đồng với nhân dân, tôn trọng nhân dân, tránh phiền nhiễu đến nhân dân, cũng tránh tâm lý “công thần”, tránh thói xấu coi thường kỷ luật, coi thường lao động, cũng chớ chán nản, bi quan, luôn cố gắng và tùy điều kiện mà gia tăng sản xuất. Bác nhấn mạnh “Các chú tàn nhưng không phế” trong buổi đón giao thừa năm 1956 ở Trường Thương binh hỏng mắt Hà Nội. Đây là lời động viên, nhắc nhở, khuyến khích của Bác Hồ gửi đến các chiến sĩ thương binh luôn sống ý nghĩa và vươn lên cống hiến cho nhân dân, cho tổ quốc.
Ông tôi cũng là một thương binh đã ngoài 70 tuổi. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông đã bị trúng đạn, vết thương ở gần tim. Tai nạn này vẫn luôn trở ngại đến sức khỏe của ông trong việc hô hấp, nhất là những hôm trái gió dở trời. Ông là tấm gương cho tất cả con cháu trong gia đình noi theo về sự chăm chỉ lao động, yêu thích vận động và luôn lạc quan trong cuộc sống. Ông luôn nhìn ra những vấn đề hỏng hóc trong nhà cần phải sửa chữa, sửa lại chuồng gà cho bà, sửa ống nước bị hỏng, lắp lại bàn học cho cháu, cày cấy đất trồng ngô, nuôi gà nuôi ngỗng, trồng các loại hoa quả để bán cũng là để ăn trong nhà… và luôn luôn tập thể dục mỗi sáng. Chiều chiều ông lại dắt xe đạp chạy vòng vòng quanh làng để cho các khớp chân khớp tay không bị cứng lại. Ở tuổi của ông, nhiều người không còn minh mẫn hay có thể lao động được nữa, nhưng ông luôn làm việc khi còn có thể. Những năm tháng trong quân đội và chiến tranh đã rèn luyện ông trở nên một con người kỷ luật, kiên định và luôn lạc quan trong cuộc sống, truyền năng lượng tích cực đến các con cháu trong nhà.
Nhiều người trẻ chúng ta hiện nay không làm được như vậy. Khi công nghệ và mạng xã hội phát triển cũng là khi những nhu cầu về vật chất ngày càng tăng nhưng lại sống dựa dẫm vào bố mẹ, lười biếng thay vì lao động. Hoàn cảnh thuận lợi, được bao bọc, lớn lên không có nhiều khó khăn dẫn đến chúng ta có xu hướng đòi hỏi mà ít khi chịu cống hiến. Thường xuyên đổ lỗi cho bố mẹ, cho đất nước nghèo, không công bằng mà ít khi tự bản thân chịu cố gắng. Tâm lý thích “sang chảnh”, nhàn hạ, phù phiếm, chạy theo hình thức, đua đòi che giấu đi sự thiếu thốn, nghèo nàn về tâm hồn. Thích được phục vụ mà ít khi chịu phục vụ người khác.
Tôi lại nhớ đến câu chuyện trên báo chí mấy tháng vừa qua, về người mẹ sau đợt dịch bị nghỉ việc ở chỗ làm cũ và đã xin làm ở một vị trí dọn dẹp, rửa bát trong nhà hàng, bởi vì “nghề nào cũng là nghề miễn là kiếm tiền chân chính”. Còn người con của bà từ chối làm những công việc tay chân này vì không thích làm mấy công việc dọn dẹp thấp hèn, trong khi chẳng thể tự mình xin được những công việc “cao sang” khác, để mẹ phải nhọc nhằn kiếm tiền dù tuổi đã cao.
Nhiều người trẻ hiện nay không yêu thích lịch sử và cho rằng thế hệ xưa cổ hủ, không tân tiến hiện đại nhưng chưa chắc chúng ta đã thông minh và hiểu biết bằng người cao tuổi. Trong khi luôn trông chờ vào những điều có sẵn, tiện lợi mà không tạo ra giá trị thực sự, chúng ta đang tự biến mình trở thành những người tàn phế, hút chất dinh dưỡng của bố mẹ, của người khác để mang đến hạnh phúc cho mình.
So sánh giữa quá khứ và hiện tại, giữa chiến tranh và hòa bình có vẻ không cam cho lắm, nhưng dù ở bất cứ thời đại nào cũng luôn tồn tại khó khăn, và phải chiến đấu với chính bản thân mình, về sự hèn nhát và không dám đối đầu với thực tại. Nhưng nhìn từ góc độ của những chiến binh trong lịch sử, chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi được những phẩm chất đáng quý của họ. Khi đã đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết, điều gì có thể làm ta nhụt chí, là cơm áo gạo tiền ư, là cái nhìn của người khác về mình ư. Chỉ có những khó khăn buộc phải đối đầu mới giúp chúng ta khôn lớn và trưởng thành. Mong sao có thể học tập được sự lạc quan, yêu lao động của các chiến sĩ cách mạng, tàn mà không phế để không tự bao biện cho sự lười biếng của bản thân.
Han Cao
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả