+
Aa
-
like
comment

Tập đoàn Tân Hoàng Minh: Nổi tiếng đi cùng tai tiếng

11/04/2022 09:13

Tập đoàn Tân Hoàng Minh đang kinh doanh những gì? Doanh nghiệp lấy đâu ra tiền để chi trả cho các trái chủ sau vụ hủy phát hành? Các công ty con thuộc Tập đoàn này làm ăn lãi lời ra sao?

Trụ sở Tân Hoàng Minh tại phố Quang Trung, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Những ngày qua, cái tên Tân Hoàng Minh trở thành một trong những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên các trang mạng.

Liên tiếp các thông tin bất lợi xoay quanh Tập đoàn này khi Chủ tịch Đỗ Anh Dũng bị khởi tố để điều tra về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trước đó là vụ hủy 9 đợt phát hành trái phiếu của các công ty con thuộc tập đoàn và vụ bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm hồi đầu năm.

Hàng loạt các câu hỏi được giới đầu tư đặt ra như: Tập đoàn Tân Hoàng Minh đang kinh doanh những gì? Doanh nghiệp lấy đâu ra tiền để chi trả cho các trái chủ sau vụ hủy phát hành? Các công ty con thuộc Tập đoàn này làm ăn lãi lời ra sao?

Bài viết dưới đây với những thông tin chi tiết được tổng hợp từ website chính thức của Tập đoàn Tân Hoàng Minh có thể sẽ giúp bạn đọc phần nào trả lời được những câu hỏi trên.

Từ kinh doanh vận tải đến đại gia bất động sản

Trước khi nổi danh với những dự án bất động sản “sang chảnh, đẳng cấp” tọa lạc tại các khu đất vàng ở nhiều thành phố lớn, tập đoàn Tân Hoàng Minh hoạt động trong nhiều lĩnh vực, bao gồm sản xuất và xuất khẩu mây tre đan, vận tải hành khách bằng taxi, kinh doanh khách sạn, kinh doanh phát triển nhà, xây dựng…

Thành lập từ tháng 6/1993 tại Tp. Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh) bắt đầu kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe taxi với thương hiệu “Taxi V20”. Hãng taxi này đạt được số lượng gần 1.000 xe và chiếm đến 25% thị phần tại Tp. Hồ Chí Minh, Nha Trang và Hà Nội sau 8 năm.

Tân Hoàng Minh bắt đầu kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe taxi với thương hiệu “Taxi V20”

Song song với kinh doanh vận tải, năm 1998, Tập đoàn Tân Hoàng Minh còn đầu tư sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm mây, tre đan với thương hiệu Ratex. Thương hiệu Ratex được xuất khẩu sang hơn 10 quốc gia trên thế giới như Pháp, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy, Mỹ…

Bước ngoặt đánh dấu mốc đặt chân vào lĩnh vực bất động sản của Tân Hoàng Minh là năm 2006. Chủ tịch Đỗ Anh Dũng định hướng phát triển Tập đoàn theo phân khúc bất động sản cao cấp với hàng loạt dự án siêu sang.

Hiện nay, cùng với mảng kinh doanh cốt lõi là bất động sản, Tân Hoàng Minh còn hoạt động trong lĩnh vực quản lý tòa nhà, trung tâm thương mại giải trí, sản xuất nội thất, bê tông, vật liệu xây dựng. Chưa dừng ở đó, Tập đoàn Tân Hoàng Minh còn lấn sân sang mảng đầu tư tài chính với nhiều hoạt động tư vấn đầu tư và quản lý dự án, đồng thời hợp tác với các tập đoàn, tổng công ty lớn trong và ngoài nước.

Nổi tiếng nhưng cũng lắm tai tiếng

Tân Hoàng Minh nổi danh là chủ đầu tư của nhiều dự án hạng sang và những cái tên quý tộc cổ điển châu Âu như D’. Palais Louis – Nguyễn Văn Huyên, D’. Le Roi Soleil – Quảng An, D’. Le Pont D’or – Hoàng Cầu, D’. El Dorado – Phú Thanh, Phú Thượng, D’. Capitale – Trần Duy Hưng… Nhưng Tập đoàn này cũng từng dính không ít lùm xùm, tai tiếng.

Tân Hoàng Minh nổi danh là chủ đầu tư của nhiều dự án hạng sang và những cái tên quý tộc cổ điển châu Âu.

Mới đây nhất phải kể tới vụ bỏ cọc đất Thủ Thiêm ở Tp. Hồ Chí Minh hồi tháng 1 vừa qua. Lô đất này được Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh trúng đấu giá với giá lên tới gần 2,4 tỷ đồng/m2. Doanh nghiệp đã đặt cọc khoảng 600 tỷ đồng, trên tổng số tiền trúng đấu giá là 24.500 tỷ đồng.

Trước đó, Tân Hoàng Minh cũng được giới đầu tư nhắc tên ở các dự án chậm tiến độ. Đáng chú ý nhất là dự án căn hộ siêu sang D’. Palais De Louis (số 6 Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Được khởi công xây dựng vào cuối năm 2009 và dự kiến hoàn thành vào năm 2013 nhưng cho đến nay dự án này vẫn chưa hoàn thiện.

D’. Palais De Louis được rao bán với mức giá lên tới 145 triệu đồng/m2, tương đương khoảng 13 tỷ đồng đến 27 tỷ đồng (1,3 triệu USD) một căn.

Điều đáng nói, đây được coi là dự án có mức giá siêu đắt. Căn hộ D’. Palais De Louis được rao bán với mức giá lên tới 145 triệu đồng/m2, tương đương khoảng 13 tỷ đồng đến 27 tỷ đồng (1,3 triệu USD) một căn. Tuy nhiên do chậm tiến độ, chủ đầu tư đã phải trả lại toàn bộ tiền đặt cọc cho khách hàng.

Năm 2017, Thanh tra Bộ xây dựng từng ban hành kết luận thanh tra 3 dự án vi phạm trong quá trình triển khai xây dựng của Tập đoàn Tân Hoàng Minh tại Hà Nội gồm D’ Le Pont Hoàng Cầu, D’. Palais Louis và D’. Le Roi Soleil Quảng An.

Tại dự án D’.Palais Louis, một số gói thầu thi công đã hết hiệu lực, hồ sơ quản lý chất lượng không có biên bản nghiệm thu thiết bị thi công, 8 nhà thầu không mua bảo hiểm theo cam kết của hợp đồng.

Một dự án của Tân Hoàng Minh.

Còn hai dự án D’ Le Pont Hoàng Cầu, D’. Le Roi Soleil Quảng An có nhiều vấn đề như chủ đầu tư thẩm định công tác thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng công trình chưa đúng mẫu quy định trước khi phê duyệt; một số gói thầu, cán bộ tư vấn giám sát không thực hiện giám sát theo đề cương đã được chủ đầu tư chấp thuận và quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng…

Tại Hà Nội, lô đất ở số 22 – 24 Hàng Bài, Q.Hoàn Kiếm, được mệnh danh là lô đất “kim cương” khi sở hữu vị trí đắc địa nhiều mặt tiền cũng là một trong những dự án đầy tai tiếng của Tân Hoàng Minh. Khu đất dự án này có giá đền bù thuộc hàng cao nhất Hà Nội, một số vị trí lên tới 1 tỷ đồng/m2. Các căn hộ ở đây được rao bán với giá từ 7-35 tỷ đồng, sở hữu sổ đỏ vĩnh viễn.

Tập đoàn Tân Hoàng Minh dành 7 năm để có thể nhận được giấy phép quy hoạch cho dự án. Cuối cùng, Tân Hoàng Minh sang tay cho Masterise Homes để triển khai dự án bất động sản “hàng hiệu”.

Tại Tp. Hồ Chí Minh, tháng 6/2015, Tân Hoàng Minh từng trúng thầu khu đất vàng 3.000 m2 tại số 23 Lê Duẩn, quận 1 với mức giá cao nhất 1.430 tỷ đồng (cao gấp 2,6 lần giá khởi điểm) rồi sau đó đề nghị hủy kết quả vì cho rằng đơn vị tổ chức có sai phạm về bước giá. Đến tháng 6/2016, doanh nghiệp lại đề nghị được tiếp tục mua lô đất trên.

Ngoài số tiền trúng đấu giá, Tân Hoàng Minh phải nộp thêm 260 tỷ đồng tiền phạt. Khi đó, Tập đoàn này cho hay đến quý III/2017 sẽ khởi công xây khu phức hợp văn phòng, trung tâm thương mại dịch vụ. Nhưng đến năm 2019, mảnh đất này đã được chuyển nhượng cho Techcombank.

Hệ số nợ đáng báo động

Nhìn vào kết quả kinh doanh của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt, một trong các công ty con của Tân Hoàng Minh, có thể thấy giai đoạn 2016 – 2017, công ty này không ghi nhận doanh thu. Năm 2018, doanh thu đạt 80,3 triệu đồng. Năm 2019, doanh thu đột ngột tăng lên 10.036 tỷ đồng, trước khi giảm hơn 9.000 tỷ đồng, về ngưỡng 783,5 tỷ đồng trong năm 2020, tương ứng mức sụt giảm gần 13 lần so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, ngoại trừ mức lãi kỷ lục 271,5 tỷ đồng trong năm 2019 khi doanh thu nhảy vọt thì có tới 4 trong 5 năm gần nhất, Ngôi Sao Việt đều ghi nhận lợi nhuận âm, lần lượt -1,8 tỷ năm 2016; -4,2 tỷ năm 2017; -10 tỷ đồng năm 2018 và -1.003 tỷ đồng năm 2020.

Như vậy, lũy kế 5 năm gần nhất, Ngôi Sao Việt thu về gần 11.000 tỷ đồng, song lại báo lỗ lũy kế hơn 700 tỷ đồng.

Việc thua lỗ kéo dài khiến vốn chủ sở hữu Ngôi Sao Việt tính đến cuối năm 2020 chỉ còn 803,9 tỷ đồng, giảm khá nhiều so với con số 1.817 tỷ đồng một năm trước đó. Tính đến ngày 31/12/2020, nợ phải trả của Ngôi Sao Việt còn 6.801 tỷ đồng.

Như vậy, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu Ngôi Sao Việt đạt 8,4 lần, một chỉ số đáng báo động cho các nhà đầu tư.

Một dự án khác của Tân Hoàng Minh.

Trong khi đó, hệ số này tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil cũng lên tới hơn 21 lần. Cụ thể, tổng tài sản cuối năm 2020 của công ty đạt 6.255 tỷ đồng, song nợ phải trả hơn 5.974 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu 281,1 tỷ đồng. Lũy kế 5 năm gần nhất Khách sạn Soleil thu về hơn 2.900 tỷ đồng, đồng thời báo lỗ sau thuế hơn 128 tỷ đồng.

Một cái tên khác cũng được nhắc đến nhiều trong thời gian qua là Công ty Cổ phần Cung điện Mùa Đông. Đây là doanh nghiệp có nhiều nét tương đồng với Ngôi Sao Việt trong kinh doanh. Tổng tài sản tính đến hết năm 2020 của Cung điện Mùa Đông là 2.177 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 297,8 tỷ đồng, nợ phải trả 1.879 tỷ đồng. Như vậy hệ số nợ phải trả/vốn chủ ở mức 6,3 lần.

Liên quan đến việc thanh toán tiền trái phiếu đã bị hủy giao dịch tới các nhà đầu tư, thông tin mới nhất đăng trên trang CafeBiz cho biết Tập đoàn Tân Hoàng Minh sẽ gửi lộ trình thanh toán tiền cho khách hàng đã mua trái phiếu trong 9 đợt phát hành từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 sau 5 ngày làm việc.

Thông tin trên được đưa ra sau khi nhiều nhà đầu tư đã đến trụ sở doanh nghiệp tại phố Quang Trung (Hai Bà Trưng, Hà Nội) để hỏi về kế hoạch trả tiền.

Trước đó, ngày 4/4, Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho biết đã ban hành quyết định số 181/QĐ-UBCK hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng của 3 Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Cung Điện Mùa Đông, Công ty Soleil thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Quyết định này đã gây xôn xao dư luận và tác động rất lớn tới tâm lý của các nhà đầu tư đang nắm giữ trái phiếu do 3 công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh phát hành.

Lê Phương

Bài mới
Đọc nhiều