+
Aa
-
like
comment

Tận dụng cơ hội vàng để kinh tế bứt phá

11/05/2020 21:16

PGS.TS Trần Hoàng Ngân – viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ – nhận định về những cơ hội vàng và khả năng tận dụng để khôi phục kinh tế Việt Nam. 

Tận dụng cơ hội vàng để kinh tế bứt phá - Ảnh 1.
Công nhân làm việc tại Công ty Vexos (100% vốn nước ngoài) trong Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7, TP.HCM).

Ông Ngân nói:

– Đến nay Việt Nam đã giành thắng lợi trên mặt trận y tế trước COVID-19. Doanh nhân cần chinh phục cơ hội vàng khi các nước còn lâm trận chống COVID-19 thì chúng ta đã đẩy lùi. Đây là cơ hội để nắm bắt thị trường mới, tận dụng thị trường nội địa, tận dụng những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN).

Nhiều cơ hội hé ra từ đại dịch

* Kinh tế Việt Nam nói chung và các DN Việt nói riêng đang đứng trước những cơ hội vàng nào, thưa ông?

– Những tác động của dịch COVID-19 đã giúp chúng ta có cơ hội nhìn lại thị trường trong nước. Lâu nay chúng ta hướng ngoại.

Qua dịch, chúng ta thấy thương hiệu Việt, uy tín của Việt Nam, khả năng điều hành, quản trị của Việt Nam, nhất là nền y tế Việt đã tạo được dấu ấn trong mắt bạn bè quốc tế. Phải biến cái “nguy” thành “cơ”, xem đây là cơ hội để phát triển thương hiệu Việt, sản phẩm Việt đi ra toàn cầu.

Đặc biệt cơ hội vàng mà chúng ta cần nhận diện và tận dụng nhanh là đón đầu những nhà đầu tư lớn trên thế giới mà xưa nay chúng ta mong muốn như Apple. Do chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, do COVID-19, đã có hàng ngàn DN đang muốn rút khỏi Trung Quốc và Việt Nam là điểm đến lý tưởng.

* Làn sóng FDI đang có xu hướng rời khỏi Trung Quốc, nhưng để đón được không đơn giản?

– Ấn Độ hiện đang có chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, đón đầu làn sóng những DN rời khỏi Trung Quốc, thậm chí các quốc gia cũng có chính sách hỗ trợ DN nước họ rời khỏi Trung Quốc.

Trước đây chúng ta cũng chủ động đến với các nhà đầu tư, mời gọi họ bằng những chính sách ưu đãi, nhưng trong thời điểm dịch này cần phải làm xúc tiến qua Internet. Cần phải tiếp cận ngay những nhà đầu tư lớn ở Trung Quốc đang “rục rịch”, xem trạng thái của các DN ra sao, đưa những gói ưu đãi để thu hút.

Chúng ta cần đến mời gọi họ, ưu đãi họ nhưng có chọn lọc để đưa về Việt Nam những DN số hóa, ít thâm dụng lao động, chuyển giao tốt công nghệ, đào tạo tốt cho Việt Nam.

Tận dụng cơ hội vàng để kinh tế bứt phá - Ảnh 2.
Ông Trần Hoàng Ngân

* Trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu chính của chúng ta vẫn đang còn lo chống dịch, việc đẩy mạnh thị trường nội địa được xem là giải pháp trước mắt, nhưng làm sao để tận dụng được thị trường trong nước?

– Người Việt Nam luôn thể hiện tinh thần tương thân tương ái, nhất là trong đại dịch. Cần phải vận động người Việt dùng hàng Việt nhiều hơn nữa.

Những DN làm hàng thay thế nhập khẩu phải có thuế ưu đãi, lãi suất vay có sự hỗ trợ của Nhà nước để giúp DN phát triển, kích cầu đầu tư vào lĩnh vực này. Cần phải tăng sức tiêu thụ của người dân đối với hàng nội địa và để làm được điều này cần phải tăng mức sống của người dân.

Tới đây Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân. Với những người đóng thuế thu nhập cá nhân nhiều năm đến nay thất nghiệp, ngoài bảo hiểm thất nghiệp, tôi cho rằng cần phải có sự hỗ trợ thêm, hoàn lại tiền đóng thuế để kích cầu.

Cần “cú đấm” chính sách

* Theo ông, đâu là “cú đấm” chính sách để vực dậy nền kinh tế?

– DN hiện nay “bung lò xo” nhưng không thể bung như trước đây. Chúng ta xuất khẩu tương đương 100% GDP nhưng các thị trường lớn ở châu Âu, Mỹ… vẫn đang loay hoay trong dịch. Do đó, Việt Nam phải hướng đến bài toán thị trường nội địa để khôi phục kinh tế, các chính sách phải hướng đến phát triển nội địa từ xúc tiến, kết nối vùng, kết nối tỉnh, DN với DN trong nước, DN nước ngoài ở Việt Nam.

Bộ Công thương đã đề xuất những thị trường mới, việc tiếp theo là Chính phủ phải hỗ trợ nghiên cứu những thị trường này. Chúng ta có lợi thế kiểm soát dịch sớm, phục hồi trước nên có điều kiện nghiên cứu thị trường này để nắm bắt ngay cơ hội.

Ngoài ra, cần tiếp tục các chính sách về tài khóa như gia hạn, giãn thuế, tiền thuê đất và giảm các loại phí, thuế; đẩy nhanh giải ngân đầu tư công với số vốn 700.000 tỉ đồng…

Tới đây, Quốc hội sẽ thảo luận về nghị quyết hỗ trợ DN, trong đó Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ DN. Sẽ có gói mới mạnh hơn theo hướng tiếp tục gia hạn, kéo dài tiền thuê đất, mạnh hơn nữa là giảm các chi phí, tiền thuê đất, giảm phí.

Ngân hàng Nhà nước cũng giảm lãi suất chiết khấu tái cấp vốn, tôi cho rằng đó là những “cú đấm” cần thiết.

* Bộ Tài chính đang dự thảo nghị quyết giảm thuế cho các DN nhỏ, siêu nhỏ… Cái này cần nhưng chưa đủ?

– Các DN hiện nay đang khó khăn nên những tác động của chính sách giảm thuế này chỉ mang tính chất động viên trước mắt. Tiền thuê đất, các loại phí cần phải tiếp tục giảm. Cần đẩy mạnh Chính phủ điện tử, minh bạch hóa các dịch vụ công… bởi các DN than các loại phí phi chính thức vẫn còn cao.

Nhiều tín hiệu tích cực

Vừa qua, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, số DN tạm ngừng hoạt động tăng mạnh song số DN phá sản trên cả nước lẫn ở TP.HCM đều rất ít và giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Các DN chỉ tạm thời “ngủ đông” vượt qua giai đoạn khó khăn để chờ bứt phá trong thời gian tới bởi họ vẫn kỳ vọng lớn vào tăng trưởng kinh tế.

Các tổ chức tài chính quốc tế đều đưa ra kịch bản tăng trưởng Việt Nam cao hơn các nước khi WB dự báo mức 4,9%, ADB dự báo mức 4,8%, chỉ có IMF dự báo mức 2,7%, trong khi trên thế giới đều tăng trưởng âm. DN Việt Nam hiện nay cũng kỳ vọng vào sự tăng trưởng đó và luôn đồng hành, kỳ vọng vào Chính phủ. DN kỳ vọng vào sự minh bạch trong chính sách, tiếp cận các gói hỗ trợ không sự phân biệt, cần sự hợp tác để phát triển thị trường.

Ông Trần Tuấn Anh (bộ trưởng Bộ Công thương):

Khai thác lợi ích từ cam kết hội nhập

tuan anh

Thông điệp của Thủ tướng đưa ra tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 9-5 không chỉ nhằm để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt mà còn nhằm tạo nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng cho dài hạn.

Do đó Bộ Công thương tập trung giải pháp, trước hết là khơi thông và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, khai thác triệt để các lợi ích và cơ hội có được từ các cam kết hội nhập.

Cụ thể tập trung tháo gỡ các thị trường truyền thống, đặc biệt Trung Quốc, đẩy nhanh quá trình giao thương hàng hóa, đàm phán sớm cho phép một số mặt hàng nông sản, trái cây của Việt Nam được chính thức xuất sang.

Ngoài ra thị trường EU cũng có ý nghĩa lớn, đặc biệt khi thi hành Hiệp định thương mại tự do EVFTA. Bộ Công thương đang khẩn trương hoàn tất các nội dung để báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9, làm cơ sở doanh nghiệp tận dụng, khai thác các ưu đãi.

Với các thị trường khác, bộ đã có chỉ đạo hệ thống thương vụ Việt Nam ở các nước để rà soát, nắm chắc tình hình và lên phương án nhằm thúc đẩy xuất khẩu ngay khi dịch bệnh kết thúc.

Về dài hạn, bộ đang xây dựng một kế hoạch tổng thể để tái cơ cấu các thị trường xuất nhập khẩu trong bối cảnh mới với giải pháp từng thị trường, nhóm hàng.

NGỌC HIỂN/ TTO

Bài mới
Đọc nhiều