+
Aa
-
like
comment

Tấn công tiềm thức, vũ khí khủng khiếp của Trung Quốc ngày đêm tấn công Việt Nam

18/10/2019 17:31

Chủ quyền biển đảo nước ta lại một lần nữa bị xâm phạm một cách trắng trợn. Nhưng sự xâm phạm lần này lại xảy ra ở một nơi tưởng chừng như “an toàn”: phim hoạt hình thiếu nhi. Bộ phim ‘Everest: Người tuyết bé nhỏ’ vừa được công chiếu rầm rộ trên khắp các phòng vé cả nước bị phát hiện cài cắm đường ‘lưỡi bò’. Ngay lập tức, các hãng phim đồng loạt thông báo hủy tất cả các suất chiếu của phim ‘Everest’.

Tấn công tiềm thức, vũ khí khủng khiếp của Trung Quốc ngày đêm tấn công Việt Nam
Tấn công tiềm thức, vũ khí khủng khiếp của Trung Quốc ngày đêm tấn công Việt Nam

Sự việc tưởng chừng chỉ dừng lại khi Cục Điện ảnh, tuy muộn màng nhưng cũng đã ‘sửa chữa’ sai sót của mình, bằng việc rút bộ phim này ra khỏi thị trường. Thế nhưng, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, thành viên Hội đồng thẩm định Quốc gia, lại đưa ra phát ngôn gây ‘sốc’: “Có mấy giây thôi, mọi người cứ làm quá lên.”

Nhưng ‘mấy giây’ ngắn ngủi đang phơi bày một một thứ “vũ khí” của Trung Quốc còn đáng sợ hơn bất kỳ bom đạn hay tàu chiến nào: Thông điệp tiềm thức.

Thông điệp tiềm thức là gì?

Theo Nick Kolenda, một nhà nghiên cứu về tri giác và hành vi con người, tác động tiềm thức là những kích thích giác quan trong ngưỡng nhận thức của con người. Tuy có thể nhận biết được chúng bằng các giác quan như nghe, nhìn, chúng ta lại không thể nhận biết được tác động của chúng đến hành vi của mình.

Việc tác động lâu dài và liên tục những thông tin sai lệch dù là nhỏ nhất cũng gây ảnh hưởng đến trí não, từ đó làm ảnh hưởng đến nhận thức của đối tượng bị tấn công.
Việc tác động lâu dài và liên tục những thông tin sai lệch dù là nhỏ nhất cũng gây ảnh hưởng đến trí não, từ đó làm ảnh hưởng đến nhận thức của đối tượng bị tấn công.

Hay nói cách khác, đó là những thông điệp ‘ngầm’ chi phối hành động của con người mà chúng ta không hay biết.

Một nghiên cứu do nhà tâm lý học Adrian North tiến hành tại một cửa hàng bán rượu cho thấy, nếu ngày hôm đó cửa tiệm phát nhạc tiếng Đức, doanh số bán hàng của các nhãn rượu nước Đức sẽ vượt hơn hẳn rượu Pháp. Và ngược lại, nếu nhạc tiếng Pháp được phát, doanh số rượu Pháp sẽ tăng vọt. Khách hàng không hề nhận ra rằng mình đã bị những bản nhạc đó điều khiển. Họ đã bị chúng “tẩy não” một cách vô thức.

Thật không may, chính quyền Trung Quốc đã sớm nhận ra sức mạnh đáng sợ của thứ ‘công cụ’ này và trên thực tế đang vận dụng nó một cách triệt để suốt nhiều năm qua. Không ai khác, giới trẻ Việt Nam chính là “con mồi” dễ dàng nhất cho công cuộc “tẩy não”.

Trò “tẩy não” tiềm thức của Trung Quốc qua phim ảnh

Bộ phim ‘Everest: Người tuyết bé nhỏ’ không phải lần đầu tiên Trung Quốc cài cắm những thông điệp tiềm thức. Còn nhớ vào năm 2018, ‘Điệp vụ Biển Đỏ’ cũng được lồng ghép vào một phân cảnh về lực lượng hải quân Trung Quốc truy đuổi, vây bắt một chiếc tàu nước ngoài. Tuy không mô tả cụ thể, dễ dàng nhận thấy cảnh quay đang ám chỉ Biển Đông và những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Những đạo diễn hàng đầu khẳng định phân đoạn chẳng liên quan gì đến nội dung bộ phim, sự xuất hiện của nó đơn thuần là tuyên truyền cho giấc mộng bá chủ Biển Đông.

Hình ảnh trong phim Everest Người tuyết bé nhỏ có hình bản đồ với đường lưỡi bò mà khán giả lan truyền
Hình ảnh trong phim Everest Người tuyết bé nhỏ có hình bản đồ với đường lưỡi bò mà khán giả lan truyền

Còn giới trẻ Việt Nam hiện nay lại đang say mê những bộ phim thần tượng Hoa ngữ. Điển hình trong số đó là “Cá Mực Hầm Mật”, xoay quanh một ‘nam thần’ theo đuổi sự nghiệp game thủ, và mối tình của anh ta với một cô sinh viên ‘nữ thần’. Một đề tài không thể hấp dẫn hơn khi bắt đúng hai thị hiếu của các cô cậu học sinh tuổi mới lớn: tình yêu và… game. Sẽ không có gì đáng bàn nếu chàng ‘nam thần’ mỗi khi giành chiến thắng trong các cuộc thi không hô vang “中国霸权!” (“Trung Quốc bá chủ!”). Và cứ thế, sau vài tập phim, các ‘fan cuồng’ tuổi học trò lại đều đặn được nghe thấy hai từ: Trung Quốc – bá chủ.

Những bộ phim thần tượng Hoa ngữ như ‘Cá Mực Hầm Mật’ hầu hết đều không được các nhà đài mua bản quyền để lên sóng, và được phổ biến vào nước ta qua các nhóm dịch phim online. Một “thiên đường” cho công cuộc truyền bá thông điệp tiềm thức của Trung Quốc: không kiểm duyệt. Chỉ cần nguồn và các ‘mạnh thường quân’ dịch phim, những nhân tố nếu có sự hậu thuẫn, chỉ là chuyện “dễ như trở bàn tay”.

Ngoài ‘Cá Mực Hầm Mật’, còn bao nhiêu bộ phim Hoa ngữ đang được cái cắm những thông điệp ngầm? Những bộ phim quy tụ những thanh nam mỹ nữ Trung Quốc khiến giới trẻ mê mệt đang luồn lách kiểm duyệt có bị cài cắm thông điệp tiềm thức hay không? Thật khó tìm được câu trả lời, bởi chính bản chất khó nhận biết của tác động tiềm thức, và bởi sự khó kiểm soát của môi trường lý tưởng mang tên mạng xã hội.

Chỉ cần vài phút lướt mạng xã hội, người ta dễ dàng tìm thấy những trang, nhóm mang tên “Hài Trung Quốc”, “Hài Tik Tok”, “Hài China”, “China Funny” với hằng ha sa số những đoạn tiểu phẩm hài kiểu “cây nhà lá vườn” của Trung Quốc, hầu hết được đóng mác ‘Tik Tok’, sản phẩm của công ty giải trí từ Trung Quốc. Nhắc đến Tik Tok, người ta nghĩ ngay vô vàn tiểu phẩm hài với sự góp mặt của hàng vạn mỹ nữ, trên những con phố hào nhoáng, hiện đại. Chẳng có gì lạ lùng nếu bạn bất chợ nghe ai đó thốt lên: “Trung Quốc phát triển quá!”

Tik Tok chính là thứ vũ khí tấn công vào tiềm thức hết sức nguy hiểm, đang lan truyền một cách vô tư thiếu cảnh giác trên các trang mạng xã hội.
Tik Tok chính là thứ vũ khí tấn công vào tiềm thức hết sức nguy hiểm, đang lan truyền một cách vô tư thiếu cảnh giác trên các trang mạng xã hội.

Với độ “phủ sóng” dày đặc, những tác phẩm ‘hài Trung Quốc’ đang góp phần truyền bá, xây dựng hình ảnh đất nước Trung Quốc phồn hoa, thịnh vượng. Và các fan page trên đang làm cánh tay đắc lực truyền bá cho chính quyền Trung Quốc. Âm thầm và lặng lẽ, những tiểu phẩm “vô hại” này đang tô vẽ một đất nước Trung Quốc siêu cường, một dân tộc thượng đẳng.

Cảnh giác trước các thông điệp tiềm thức: Cuộc chiến muôn vàn khó khăn

Với những nguy cơ tiềm ẩn như vậy, tác động tiềm thức vẫn là một khái niệm mới mẻ và mơ hồ với hầu hết người Việt Nam. Điều đó khiến việc nhận thức và ngăn chặn những tác động của chúng đến thế hệ trẻ, vốn đã muôn vàn khó khăn, lại càng thêm phức tạp.

Sẽ ra sao nếu giới trẻ Việt Nam vẫn tiếp tục ngày ngày xem phim truyền hình Hoa Ngữ, lấy các ‘nam thần’, ‘nữ thần’ người Trung Quốc tung hô “Trung Quốc bá chủ” làm hình tượng để noi theo? Đến lúc này, ngay cả các cháu thiếu nhi, những đầu óc non nớt nhất, dễ bị tác động nhất, cũng bị đem làm ‘con mồi’ cho chiêu bài tác động tiềm thức thâm hiểm, hệ lụy có thể nói là quá vô lường.

Trẻ nhỏ, những đối tượng chưa có năng lực mạnh mẽ về nhận thức chính là đối tượng tấn công tiềm năng mà chính quyền Trung Quốc đang ngày đêm hướng tới.
Trẻ nhỏ, những đối tượng chưa có năng lực mạnh mẽ về nhận thức chính là đối tượng tấn công tiềm năng mà chính quyền Trung Quốc đang ngày đêm hướng tới.

Thực tế, rất khó mà ngăn các bạn trẻ xem phim Trung Quốc, thần tượng diễn viên Hoa ngữ, cũng không thể triệt tiêu sự hiện diện như nấm mọc sau mưa của các tiểu phẩm Trung Quốc rẻ tiền trên mạng xã hội. Nhưng nếu ngay cả những thông điệp ‘sờ sờ trước mắt’ như ‘Everest: Người tuyết bé nhỏ’ mà chúng ta cũng không ngăn chặn được, thì thật đáng trách.

Vì vậy, đừng nói là “mấy giây”, đến một khung hình cũng không được để lọt.

Thành Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều