+
Aa
-
like
comment

Tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phải đương đầu với những thách thức nào?

05/04/2021 10:20

Theo đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau), trên cương vị công tác mới, tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có nhiều lợi thế, gần như không có thách thức gì.

Sáng nay (5/4), tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên thệ nhậm chức sau khi được Quốc hội bầu. PV có trao đổi với đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân để nhìn nhận về việc người từng đứng đầu Chính phủ nay trở thành nguyên thủ quốc gia.

Tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có những lợi thế nào khi đảm nhiệm trong trách mới? - Ảnh 1.
Tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (trái).

Thưa ông, là đại biểu Quốc hội, ông thấy tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có những lợi thế gì khi đảm nhiệm cương vị mới?

– Tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có nhiều lợi thế để thực hiện trọng trách mới. Lợi thế thứ nhất, ông vừa trải qua một nhiệm kỳ làm Thủ tướng Chính phủ, trước đó ông đã kinh qua nhiều chức vụ công tác, từ cấp cơ sở cho tới cấp cao.

Có thể nói, tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trải nghiệm qua rất nhiều chức vụ trong hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước.

Trong lịch sử Nhà nước kiểu mới của chúng ta tính từ Cách mạng Tháng Tám tới nay thì đây là lần đầu tiên một người từng giữ chức Thủ tướng rồi được bầu làm Chủ tịch nước.

Từ vai trò người đứng đầu cơ quan hành chính cao nhất của đất nước, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Phúc đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm trong quản lý điều hành, đó là tầm nhìn chính sách, tư duy chiến lược về chính sách. Bởi người đứng đầu Chính phủ phải thường xuyên xem xét lại các văn bản pháp lý để kiến nghị với Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới.

Lợi thế này không chỉ được tích lũy ở giai đoạn ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng mà đã tích lũy ở những vị trí công tác trước đó như Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Phó Tổng Thanh tra Chính phủ; Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Quá trình trải qua nhiều chức vụ như vậy, càng về sau này thì tầm nhìn càng cao hơn, bao quát hơn, mang tính phạm vi cả nước.

Tân Chủ tịch nước đã trải nghiệm qua cương vị Thủ tướng Chính phủ nên khả năng tầm soát hệ thống rất tốt. Đó là điều thuận lợi khi ông đảm nhiệm cương vị Chủ tịch nước với những chức năng, nhiệm vụ rất quan trọng, đó là chức năng đối nội, đối ngoại; thống lĩnh các lực lượng vũ trang; quyền hạn về tư pháp.

Tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham gia nhiều khóa Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị nên tố chất chính trị trong con người ông đã được trải nghiệm qua rất nhiều cung bậc của các chức vụ Đảng mà ông đảm nhiệm. Điều này sẽ được ông phát huy trong vai trò mới là nguyên thủ quốc gia.

Có thể nói khi ông Nguyễn Xuân Phúc đã trải qua chức vụ Thủ tướng Chính phủ, chức vụ này cũng gần như chức vụ nguyên thủ. Nói cách khác ông đã có quá trình tập dượt kỹ lưỡng qua vai trò Thủ tướng Chính phủ. Khi ông trở thành Chủ tịch nước, tôi cho rằng gần không có thách thức gì với ông, sẽ rất thuận lợi trong triển khai công tác.

Tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có những lợi thế nào khi đảm nhiệm trong trách mới? - Ảnh 2.
ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau).

Chủ tịch nước có trò rất quan trọng trong cải cách tư pháp, là ĐBQH ông kỳ vọng gì về tân Chủ tịch nước trên lĩnh vực này?

– Như tôi đã phân tích ở trên, tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từng có thời gian làm Phó Tổng Thanh tra Chính phủ; Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách nhiều lĩnh vực trong đó có nội chính, sau đó ông đứng đầu Chính phủ.

Trên cơ sở đó ông rất am hiểu hệ thống tư pháp của chúng ta có điểm mạnh, điểm yếu thế nào. Với cương vị là nguyên thủ quốc gia, trực tiếp theo dõi hệ thống tư pháp và cải cách tư pháp, tân Chủ tịch nước sẽ nhận diện ra những mặt tích cực, mặt hạn chế của hệ thống, để có những đóng góp tích cực cùng với Quốc hội nâng cao vai trò của hệ thống tư pháp có chất lượng và hoạt động hiệu quả hơn.

Hiến pháp quy định Chủ tịch nước có nhiều quyền hạn, theo ông những quy định đó có cần được cụ thể hóa thành luật để phát huy vai trò của Chủ tịch nước trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo?

Thực ra vai trò, vị trí của Chủ tịch nước đã được quy định một cách trang trọng, thành một chương trong Hiến pháp cùng với các thiết chế khác như Quốc hội, Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát. Chủ tịch nước là một thiết chế độc lập. Tôi cho rằng Hiến pháp quy định về Chủ tịch nước đã rất rõ ràng, rành mạch.

Vừa qua có ý kiến cho rằng cần phải ban hành Luật về Chủ tịch nước, tôi thấy không cần thiết. Như tôi đã nói, vị trí, vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước đã được ghi khá cụ thể trong Hiến pháp, vấn đề là tổ chức thực thi như thế nào.

Cần phải thấy, Chủ tịch nước của chúng ta không chỉ là nhân vật pháp lý mà còn là nhân vật chính trị, đó là người lãnh đạo của Đảng, lãnh đạo của Nhà nước cho nên trong thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của Chủ tịch nước có sự phối hợp, kết hợp hài hòa giữa nhân vật chính trị và nhân vật pháp lý. Khi sử dụng quyền hạn của mình Chủ tịch nước chắc chắn sẽ phát huy được lợi thế đã được quy định trong Hiến pháp.

Xin cảm ơn ông (!)

Bài mới
Đọc nhiều