Tân Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: ‘Sẽ thừa kế nền tảng sẵn có để tăng cường đổi mới’
Là Bộ trưởng thứ 14 của Bộ Tài chính, ông Hồ Đức Phớc cho biết sẽ thừa kế nền tảng sẵn có để tăng cường đổi mới, hoàn thiện chính sách nhằm thu kết quả tốt nhất.
Tại hội nghị tổng kết công tác tài chính nhiệm kỳ 2016-2020 và bàn giao công việc chiều 13/4, tân Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc có những chia sẻ đầu tiên sau khi nhậm chức.
Ông nói, Bộ Tài chính là bộ đa ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển từ thị trường tiền tệ, bảo hiểm, chứng khoán, thu hút đầu tư cho đến tăng nguồn thu cũng như đảm bảo nguồn chi ngân sách. Do đó, mọi lĩnh vực đời sống đều có hình bóng của Bộ Tài chính.
Là bộ trưởng thứ 14 của Bộ Tài chính, nguyên Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, sẽ trân trọng và thừa kế nền tảng sẵn có của ngành để tăng cường đổi mới, hoàn thiện chính sách nhằm thu được kết quả tốt nhất.
Ông bắt đầu là một kế toán trưởng xí nghiệp xây dựng tại Nghệ An, sau đó lần lượt giữ các vị trí tại Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An. Tới 2013, ông Phớc làm Bí thư tỉnh uỷ Nghệ An và năm 2016 giữ chức Tổng Kiểm toán Nhà nước. 5 năm đảm trách cương vị này với nhiều kinh nghiệm lãnh đạo trực tiếp kiểm toán việc sử dụng, quản lý tài chính, tài sản công mang lại thuận lợi cho ông ở cương vị đứng đầu Bộ Tài chính.
Tại buổi bàn giao công việc, nguyên Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng với tư cách là người đi trước cũng có những chia sẻ về chín năm làm việc trong ngành. Đó là quãng đường hơn một năm làm Tổng kiểm toán Nhà nước và gần tám năm làm Bộ trưởng Tài chính, mà theo ông Dũng là cả một thời gian gắn bó khá dài.
Bộ Tài chính vốn là bộ kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, chuyên môn nghiệp vụ rất rộng và chuyên sâu. Khối lượng công vệc của ngành này rất lớn với lực lượng biên chế trải dài từ trung ương đến tỉnh, huyện, biển đảo. Ông Dũng nhớ lại lúc nhận nhiệm vụ, công việc của Bộ lúc đó rất khó khăn. Năm 2013-2014, Ngân sách Nhà nước khó thu, khó huy động khiến bội chi trên GDP ở mức cao.
Tới giai đoạn 2016-2020, ngành tài chính đã để lại nhiều dấu ấn và thay đổi căn bản. Tổng thu ngân sách có quy mô thu bình quân đạt khoảng 25,2% GDP trong khi giai đoạn 5 năm trước chỉ khoảng 23,6% GDP. Quy mô chi ngân sách được quản lý trong phạm vi thu ngân sách và giảm dần bội chi. Tỷ trọng chi đầu tư phát triển bình quân giai đoạn 2016-2020 trên 28% GDP (mục tiêu là 25-26%), giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 64%. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã cơ cấu lại nợ công theo hướng bền vững hơn.
“May mắn của tôi khi lãnh đạo bộ tuy với lực lượng đông, nhưng lại có truyền thống đoàn kết”, ông nói. Ông cũng chia sẻ dù lúc vào làm Bộ trưởng, ông thuộc diện ít tuổi nhất nhưng đã nhanh chóng hoà đồng văn hoá và phương thức làm việc của ngành nhờ tính tình thẳng thắn, đơn giản và rõ ràng.
Ông Dũng nhấn mạnh nguyên tắc: “nếu muốn công việc tốt hơn và thuận lợi hơn, lãnh đạo cần mở lòng mở dạ để hoà đồng sớm với anh em”.
Cũng bởi vậy, dù trong quá trình công tác có nhiều lần trao đổi và ý kiến ngược xuôi nhưng sau đó đều thống nhất từ dưới lên trên và thống nhất là tập trung làm, ông chia sẻ.
Giờ khi bước chân khỏi ngành tài chính, nguyên Bộ trưởng nói rằng “thấy đầu óc nhẹ nhõm” vì công việc không xấu đi mà có phần tốt lên. Hơn hết, ngành tài chính đã có thành quả trong suốt thời gian dài phấn đấu.
Có nhiều thứ để nói về những năm qua, nhưng ông Dũng chọn cụm từ “quyết tâm đổi mới” để nói về ngành tài chính, từ thể chế, phương thức quản lý cho đến công nghệ thông tin. Tuy nhiên, không phải tốt hơn mặt bằng mà tự hài lòng, ông Đinh Tiến Dũng cho rằng vẫn còn nhiều dư địa cũng như còn nhiều bất cập mà ngành tài chính phải giải quyết khi bước sang giai đoạn mới.
Theo ông, trong thu ngân sách, đối tượng quản lý thuế tăng gấp mấy lần trong những năm qua nhưng số người đóng thuế giảm. Đó là những chủ trương quan trọng cần quyết tâm theo đuổi. Thành quả của ngành tài chính hiện nay là tiền đề quan trọng cho những yêu cầu và thử thách cao hơn cho giai đoạn tới.
Tùng Lâm