+
Aa
-
like
comment

Tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và 3 lần tranh luận với ông Đinh Tiến Dũng về truy thu thuế

08/04/2021 21:12

Một trong những dấu ấn đậm nét nhất của Tân bộ trưởng Bộ tài chính Hồ Đức Phớc thời điểm còn làm Tổng Kiểm toán Nhà nước là câu chuyện truy thu thuế doanh nghiệp với 3 lần tranh luận với nguyên Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng.

Hôm nay, ngày 8/4, Quốc hội đã bỏ phiếu và công bố kết quả phê chuẩn việc bổ nhiệm 2 Phó Thủ tướng Chính phủ và 12 Bộ trưởng, Trưởng ngành. Theo đó, ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán nhà nước đã được bầu giữ chức Bộ trưởng Bộ tài chính khoá XIV.

Dấu ấn ông Hồ Đức Phớc ở Kiểm toán nhà nước

Dưới sự chèo lái của ông Hồ Đức Phớc – Tổng Kiểm toán Nhà nước, trong nhiệm kỳ vừa qua đơn vị này đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng hoàn thiện cơ chế chính sách, phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí và siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Theo đó, trong nhiệm kỳ, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 353.733 tỉ đồng; chuyển 20 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật, 2 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý; cung cấp 498 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền.

Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 786 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia.

Tân bộ trưởng Bộ tài chính Hồ Đức Phớc và câu chuyện truy thu thuế DN - Ảnh 1.
Tân Bộ trưởng Bộ tài Chính Hồ Đức Phớc

Về kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán, nhiệm kỳ 2016-2021, số kiến nghị về xử lý tài chính của Kiểm toán Nhà nước đã được các đơn vị thực hiện là 237.578 tỉ đồng, đạt 73,6% tổng số kiến nghị…

Tuy nhiên, một trong những dấu ấn đậm nét nhất của Tân bộ trưởng Hồ Đức Phớc thời điểm còn làm Tổng Kiểm toán Nhà nước là câu chuyện truy thu thuế doanh nghiệp với 3 lần tranh luận với cựu Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng.

Ba lần tranh luận với nguyên Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng về truy thu thuế

Cụ thể, kỳ họp thứ 6 (tháng 10 và 11/2018), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, cơ quan thuế thực hiện nghiêm túc kết luận của kiểm toán. Nhưng do kiểm toán thực hiện đối chiếu sai, nên doanh nghiệp kiện, liên luỵ tới cơ quan thuế.

Tổng kiểm toán Hồ Đức Phớc: “Không thể kiểm toán Nhà máy nước mặt sông Đuống”Đọc ngay

Không đồng tình với phát biểu trên, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc giơ biển tranh luận lại và khẳng định 3 năm qua chưa có trường hợp nào như thế.

Tiếp đến, tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 21/2/2019, khi giải trình tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến Dự án Luật Quản lý thuế sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, từ năm 2013 – 2018, đã phát sinh 14 vụ kiện của doanh nghiệp theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước.

Trong đó, xử 10 vụ thì cơ quan thuế thua cả 10, còn 3 vụ đang tiếp tục thụ lý và 1 vụ tạm dừng vì có tình tiết mới.

Ông Đinh Tiến Dũng cũng đưa ra ví dụ 2 vụ việc Chính phủ đang giao Bộ Tài chính và các bộ, ngành xử lý hiện nay, trong đó có vụ Unilever.

Đến phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 11/3/2019, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc đã lên tiếng tranh luận lại phát biểu của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng.

Ông Phớc khẳng định, “Kiểm toán Nhà nước kết luận đúng và đầy đủ bằng chứng tại thời điểm kiểm toán chứ không có gì sai”.

Mới đây nhất, tại kỳ họp 7, Quốc hội khóa XIV ngày 24/5/2019, tại buổi thảo luận của Quốc hội về dự thảo luật Quản lý thuế (sửa đổi), trong phần phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã nêu lại sự bất hợp lý của việc Kiểm toán Nhà nước kiến nghị truy thu thuế của doanh nghiệp. Nhưng cuối cùng, cơ quan quan lại bị doanh nghiệp kiện.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói: “Luật Kiểm toán Nhà nước quy định báo cáo kiểm toán bắt buộc phải thực hiện, nhưng báo cáo này không phải là quyết định hành chính. Thực tiễn khi cơ quan thuế chấp hành kết luận của Kiểm toán nhà nước đã xảy ra trường hợp bị doanh nghiệp kiện ra tòa”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính dẫn chứng vụ việc Kiểm toán Nhà nước kiến nghị truy thu của Unilever 870 tỷ đồng, sau đó lại thống nhất truy thu hơn 500 tỷ và cuối cùng lại đồng ý chỉ thu có hơn 300 tỷ. Và giờ, các cơ quan thống nhất sẽ báo cáo Thủ tướng việc này, đồng ý chỉ thu hơn 300 tỷ.

“Nếu chúng tôi quyết định ngay truy thu hơn 870 tỷ thì doanh nghiệp sẽ kiện cơ quan thuế ra tòa. Cơ quan thuế phải giải trình trước Tòa”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói và cho rằng đây là điểm cần phải tính toán lại.

Tân bộ trưởng Bộ tài chính Hồ Đức Phớc và câu chuyện truy thu thuế DN - Ảnh 2.
Ông Hồ Đức Phớc và 3 lần tranh luận với nguyên Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng về truy thu thuế DN

Ngay lập tức, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc giơ biển tranh luận. “Tôi giải trình rõ thêm ý kiến của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng về vụ Unilever để Quốc hội hiểu, kẻo lại nghĩ là kiểm toán Nhà nước kết luận không đúng”, Tổng Kiểm toán nói.

Theo Tổng Kiểm toán, Unilever đã bị Thanh tra Cục thuế TP. Hồ Chí Minh kiến nghị truy thu 383 tỷ đồng và họ đã nộp. Sau đó Kiểm toán Nhà nước vào kiểm tra hồ sơ và kết luận cần truy thu thêm 882 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu đoàn thanh tra Cục thuế TP. Hồ Chí Minh giải trình tại sao lại truy thu có 383 tỷ thì được giải trình do điều kiện cuối năm nên đoàn chỉ căn cứ vào số liệu do Công ty tự tính toán để kiến nghị truy thu chứ chưa kiểm tra, rà soát các hồ sơ tài liệu liên quan của doanh nghiệp.

“Việc chúng tôi kiến nghị 882 tỷ đồng là đúng và thanh tra thuế làm không đúng”, ông Hồ Đức Phớc nói.

Tuy nhiên, 8 tháng sau, Unilever có khiếu nại nên Kiểm toán Nhà nước đã mời Tổng cục Thuế và Cục thuế TP. Hồ Chí Minh làm việc với doanh nghiệp.

Ông Hồ Đức Phớc cho biết, doanh nghiệp đã cung cấp thêm hồ sơ mở rộng, chưa được giám định. Chỉ căn cứ vào hồ sơ họ cung cấp thì kết luận là phải truy thu 575 tỷ đồng. Sau đó, Phó Tổng giám đốc của Unilever làm việc với Kiểm toán Nhà nước, Tổng cục thuế, Cục thuế TP Hồ Chí Minh tại Kiểm toán Nhà nước và họ chấp nhận nộp 384 tỷ đồng, kiến nghị không phạt chậm nộp.

“Chúng tôi bàn với các cơ quan là Unilever chấp nhận số tiền đó thì để họ nộp, còn hồ sơ mở rộng bổ sung sau, chứ không phải do Kiểm toán làm không chính xác”, ông Hồ Đức Phớc cho biết.

Quang Dân

Bài mới
Đọc nhiều