Tân Bí thư thứ nhất Cuba Miguel Diaz-Canel: ‘Không từ bỏ các nguyên tắc cách mạng và CNXH’
Cuba ngày 19-4 đánh dấu sự chuyển giao quyền lực từ hai anh em Fidel và Raul Castro sau 60 năm nắm quyền sang tân lãnh đạo dân sự đầu tiên, ông Miguel Diaz-Canel.
Hãng tin Reuters đánh giá quá trình chuyển giao quyền lực mang tính biểu tượng cao và ít có khả năng dẫn đến những thay đổi chính sách mạnh mẽ ở quốc gia này.
Ông Diaz-Canel cho biết nhà lãnh đạo sắp mãn nhiệm Raul Castro, 89 tuổi, vẫn sẽ được tham vấn về “các quyết định chiến lược”.
Ông Castro sẽ tiếp tục đưa ra “chỉ đạo và cảnh báo về bất kỳ sai sót nào, sẵn sàng đối đầu với chủ nghĩa đế quốc như lần đầu tiên ông làm với khẩu súng trường của mình”, tân lãnh đạo Cuba nói.
Ông Diaz-Canel làm chủ tịch Cuba từ năm 2018 và hiện trở thành bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba (PCC).
Việc chuyển giao quyền lực đánh dấu khép lại Đại hội của PCC kéo dài 4 ngày (16 tới 19-4) ở Havana. Đây cũng được xem là bước ngoặt đối với đất nước 11,2 triệu dân, khi họ có lãnh đạo đầu tiên không phải là người mang họ Castro.
Ông Fidel Castro, người vẫn được tôn kính là vị cứu tinh của đất nước, lãnh đạo Cuba từ năm 1959 tới năm 2006. Khi đó ông lâm bệnh và em trai ông lên thay.
Ông Diaz-Canel được sinh ra sau cuộc cách mạnh do 2 anh em nhà Castro lãnh đạo vào những năm 1950, dẫn đến việc lật đổ nhà độc tài Fulgencio Batista vào năm 1959.
Ông Diaz-Canel là một người hâm mộ nhóm nhạc Beatles, am hiểu công nghệ và là một người trung thành với đảng. Các nhà phân tích cho rằng khó có thể có bất kỳ sự thay đổi ý thức hệ nào khi ông Diaz-Canel nắm quyền.
Tân lãnh đạo nắm quyền khi Cuba phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong 30 năm, lạm phát cao và tình trạng thiếu lương thực.
Theo Reuters, Cuba hiện đang phải nhập khẩu tới 80% những gì họ tiêu thụ.
Về mối quan hệ với Mỹ, trong bài phát biểu cuối cùng trước bữa tiệc hôm thứ sáu tuần trước (16-4), ông Castro khẳng định “sẵn sàng tiến hành một cuộc đối thoại tôn trọng và xây dựng quan hệ kiểu mới với Mỹ”.
Nhưng ông Castro nhấn mạnh Cuba không từ bỏ các nguyên tắc cách mạng và chủ nghĩa xã hội.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki nói Mỹ không có kế hoạch thay đổi chính sách của họ với Cuba, mà sẽ tiếp tục tập trung vào “ủng hộ dân chủ và nhân quyền”.
Mối quan hệ Cuba – Mỹ được xoa dịu dưới thời cựu tổng thống Barack Obama từ năm 2014 đến năm 2016, rồi trở nên tồi tệ hơn dưới thời ông Donald Trump khi ông Trump tăng cường các lệnh trừng phạt.
Minh Ngọc