+
Aa
-
like
comment

Tâm sự của nữ điều dưỡng tăng cường chống dịch tại Đà Nẵng

03/09/2020 10:05

Điều dưỡng Hoàng Minh Hoàn cũng như nhiều đồng nghiệp khác cũng rất căng thẳng, trăn trở khi trực tiếp điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang – nơi có đông bệnh nhân mắc COVID-19.

Điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức Tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) Hoàng Minh Hoàn. (Ảnh: Lê Bảo-Minh Thùy)

“Ngày 28/7 khi đang trực tại Bệnh viện Bạch Mai thì bất ngờ nhận lệnh của lãnh đạo chi viện cho Đà Nẵng. Lúc đầu tôi nghĩ chắc sẽ chỉ vào 1-2 ngày thì quay trở lại công việc thường nhật. Ngay ngày hôm sau đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai đã có mặt tại 3 bệnh viện tại Quảng Nam, rồi đi giảng, truyền kinh nghiệm chống dịch cho các bệnh viện tại Đà Nẵng.

Tuy nhiên, tình hình dịch những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8 tại tâm dịch Đà Nẵng càng trở nên căng thẳng, trong khi đó về chuyên môn hồi sức của điều dưỡng tại các bệnh viện còn nhiều thứ cần thiết phải sắp xếp lại, nên tôi quyết định ở lại cùng đội ngũ thầy thuốc tại các các bệnh viện tiếp tục chiến đấu.”

Chị Hoàng Minh Hoàn, Điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức Tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) kể về thời kỳ được tăng cường vào thành phố Đà Nẵng để chống dịch COVID-19. Tại đây, chị đã ở lại Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang để trợ giúp những người đồng nghiệp của mình trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19 đầy cam go.

Hoàn kể rằng chị đã đề xuất với cấp trên xin ở lại tâm dịch để cùng chiến đấu bởi nhận thấy Đà Nẵng cần những người như mình khi một bệnh viện dã chiến như Hòa Vang không phải có tất cả mọi thứ.

Bản thân điều dưỡng Hoàn cũng như bao thầy thuốc tại Bệnh viện Bạch Mai đã trải qua những ngày chống dịch COVID-19 khi thời điểm bệnh viện bị phong tỏa.

“Khi ấy, nghe thông tin Bệnh viện Bạch Mai bị phong tỏa, 6 giờ sáng tôi đã xung phong đi vào Bệnh viện ngay, chồng cũng là người làm ngành y nên rất thông cảm, thành ra dịp ấy cả 2 vợ chồng đều chống dịch trong bệnh viện suốt 14 ngày,” chị Hoàn kể lại.

Với chị, việc chống dịch tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang lại có 2 tâm trạng khác nhau. Ở Bệnh viện dã chiến Hòa Vang bản thân chị đánh giá rất căng thẳng, còn ở Bệnh viện Bạch Mai cảm thấy rất an toàn bởi không có bệnh nhân điều trị COVID-19.

Trong suốt quá trình ở Đà Nẵng điều dưỡng Hoàng Minh Hoàn cũng như nhiều đồng nghiệp khác cũng rất căng thẳng, trăn trở khi trực tiếp điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang – nơi có đông bệnh nhân mắc COVID-19 nhất cả nước trong đợt hai.

Đợt 1 không có bệnh nhân tử vong, đợt dịch tại Đà Nẵng có một số bệnh nhân tử vong, nên sự đánh giá của dư luận khiến bản thân chị cũng rất lo.

Chị bộc bạch: “Có lẽ người dân cũng chưa thực sự hiểu hết là mình làm gì hay ngành y làm gì được cho bệnh nhân. Nhưng thực ra, đoàn chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy… đã cố gắng hết sức. Bộ Y tế đã chỉ đạo phải cố cứu bệnh nhân bằng mọi cách.”

Chị Hoàn tâm sự bình thường bệnh nhân nằm viện đã khổ, nếu mắc COVID-19 thì gia đình không được tiếp xúc và chỉ có nhân viên y tế, đặc biệt những người điều dưỡng tiếp xúc với bệnh nhân hàng ngày. Chị và những người đồng nghiệp ngoài việc chăm sóc điều trị cho bệnh nhân còn chăm sóc về tinh thần, đưa bệnh nhân đi lại trong phòng, xúc cơm, động viên để người bệnh có thể ăn được nhiều hơn…

Suốt 1 tháng chống dịch tại tâm dịch Đà Nẵng, điều dưỡng Hoàn cho hay chị không bao giờ quên khoảnh khắc chứng kiến một nam đồng nghiệp bất ngờ bị mắc COVID-19.

Chị kể: “Nam bác sỹ ấy có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 khiến tôi và nhiều người rất bất ngờ và sốc, bởi không hiểu anh ấy bị nhiễm ở đâu. Chúng tôi tự đặt câu hỏi, mình đã cố gắng làm hết sức cho người ta không bị lây nhiễm hay chưa? Nhưng mặt khác bản thân tôi rất tự tin khi anh ấy chính là người nhắc nhở tôi đeo khẩu trang sao cho đúng.”

Sau khi phát hiện nam đồng nghiệp mắc COVID-19, đoàn tiến hành các biện pháp tự cách ly, giảm thiểu tiếp xúc với người khác bằng cách mang cơm lên phòng nghỉ ăn thay vì ăn tập trung, không họp nhóm. Nhưng khi tất cả mọi người có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, thì riêng chị lại chưa có.

“Hôm đó, phải đến 2 giờ đêm tôi vẫn không ngủ được vì cứ lo không biết mình có dương tính hay không. Đến chiều hôm sau, tôi xác định dương hay âm thì cũng là mình rồi. Mà nếu dương thì CDC sẽ đến mời đi ngay. Cho nên nếu chưa mời mình có nghĩa là âm tính. Chiều hôm đấy có kết quả âm tính tôi thở phào nhẹ nhõm,” chị Hoàn nhớ lại.

Rồi chị bảo, vì đam mê nghề nghiệp nên vất vả đến mấy mà thấy sức khỏe bệnh nhân tốt lên, ngày ngày đỡ sốt, đang phù mà rút cân đi, có thể vận động được hoặc người bệnh nhìn thấy mình là nở nụ cười thì những người điều dưỡng như chị cũng ấm lòng, thêm sức mạnh để tiếp tục gắn bó với nghề.

Ngọc Long/Vietnam+

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều