+
Aa
-
like
comment

Tâm sự của một “ông hội đồng” sau khi thăm tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên

Đặng Trường - 26/11/2019 10:46

Ông Đặng Văn Khoa được biết là một cử nhân Sư phạm Địa lý và đã trở thành đại biểu HĐND TP.HCM khóa VI, là người có biệt danh “ông hội đồng” với những ý kiến đóng góp hết lòng vì dân vì nước. Mới đây, ông đã có những dòng văn trải lòng, chia sẻ tâm tư của mình sau khi đi thăm tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên. Sau đây, chúng tôi xin trích lại để rộng đường dư luận:

cutri
Nguyên đại biểu HĐND TP.HCM khóa VI Đặng Văn Khoa

Đi thăm tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên, vui nhiều mà buồn cũng nhiều . Khởi động 2007, dự kiến khai thác 2018 nhưng nay lùi đến 2021. Một trong các nguyên nhân ngưng trệ là ngân sách thành phố nợ các bên thi công. Buồn cho thành phố thu ngân sách 400.000 tỷ đồng/năm (gần 1/3 ngân sách cả nước). Hiện nay, tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM chỉ giữ lại 18%. Trong khi đó, mười mấy năm qua, TP.HCM càng đông dân càng thu nhiều thì tỷ lệ được giữ lại càng ít: Từ 33% giảm xuống 29%, 26%, 23% rồi nay chỉ còn 18%. Thu được 100 đồng thì nộp về Trung ương 82 đồng, còn 18 đồng lo các việc của thành phố, lo cho 10 triệu người dân.

Có thể nói, tỷ lệ nhỏ bé này trong suốt mấy chục năm qua là một trong những nguyên nhân chính khiến TP.HCM chậm phát triển nhiều mặt. Vật chất và tinh thần sa sút, quá tải và có đôi phần nhếch nhác: kẹt xe, ngập nước, bệnh viện, trường học, cơ sở văn hóa, ô nhiễm môi trường, công viên, cây xanh… làm cuộc sống ngột ngạt, căng thẳng nói chi đến mơ ước về một thành phố văn minh, hiện đại tầm cỡ trong khu vực.

ketxetp
Kẹt xe đã trở thành nỗi ám ảnh kinh của người dân TP.HCM.

Chúng ta hiểu và biết việc điều tiết ngân sách về Trung ương là chuyện bình thường và cần thiết để chia sẻ công việc chung cả nước, chia sẻ khó khăn của các tỉnh còn nghèo khó khắp Bắc Trung Nam nhưng tỷ lệ 18% để lại cho TP.HCM là quá thấp. Nên chăng, Quốc hội cần xem xét, tạo điều kiện để người dân thành phố có thể có được cuộc sống được cải thiện hơn, bớt đi những khó khăn thường ngày, để có sức khỏe, niềm vui sống, năng lượng làm việc, tạo nhiều của cải hơn và góp nhiều hơn, góp bền lâu vào cái chung của quê hương đất nước. Mọi chủ trương nên phù hợp với quy luật phát triển tự nhiên, phát triển kinh tế – xã hội, đại đô thị, quản trị công, quy luật phát triển sinh học – sinh thái học, quy luật phát triển tâm – sinh lý con người và cả đạo lý.

Hiện nay, Hà Nội đã có 9 tuyến cao tốc, dài 700km, kết nối các tỉnh. Trong khi, TP.HCM và cả Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ chỉ có 2 tuyến cao tốc , dài 100km. Các tỉnh còn khó khăn đang phải nhận hỗ trợ ngân sách nên quản lý việc chi tiêu công chặt chẽ , hiệu quả hơn. TP.HCM hiện chỉ có khoảng 2km đường/km2 đất . Với tốc độ đầu tư này thì 200 năm nữa thành phố mới đạt chuẩn về đường xá 10 – 13 km / km2. Nói ra để thấy những khó khăn mà thành phố đang gặp phải, để chúng ta cùng suy nghĩ về tỷ lệ điều tiết ngân sách, trên thế giới cũng không có một thành phố lớn nào có tỷ lệ để lạingân sách giữ lại thấp như vậy (thấp nhất cũng khoảng 30%).

ngapnuoc
Mưa lớn, triều cường dâng TP.HCM ngập trong biển nước.

Trước đó đã có nhiều lãnh đạo thành phố từng lên tiếng về tỷ lệ để lại quá thấp này, trong đó có Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân: “TP.HCM có tỉ lệ nộp thu ngân sách về trung ương cao nhất nhưng lại có mức chi quá thấp, không đủ tái đầu tư phát triển và cũng không đảm bảo phát triển nhanh, bền vững”.

Và hôm nay, tôi – cử tri Đặng văn Khoa viết bài để góp ý về tỷ lệ giữ lại ngân sách cho TP.HCM và gửi về Trung ương để Quốc hội sẽ quyết tỷ lệ điều tiết mới từ 2020. Giữ nguyên 18% , tăng lên hay giảm xuống nữa? Kính mong các đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân thành phố và các chuyên gia sẽ nghiên cứu kỹ càng hơn để đưa ra phương án hợp lý.

Theo Đặng Văn Khoa

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều