+
Aa
-
like
comment

Tầm nhìn từ đề xuất 9.000 tỷ đồng để kéo miền Tây khỏi vùng trũng

LS Lê - 24/08/2022 15:04

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất thiên thời địa lợi, là vựa lúa cung cấp lương thực cho cả nước và mang về nguồn GDP khổng lồ. Tuy vậy, điểm yếu về cơ sở hạ tầng giao thông đã trở thành rào cản lớn khiến đồng bằng màu mỡ này vẫn là “vùng trũng” của cả nước. Để khắc phục vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất chi hơn 9.000 tỷ đồng làm hai cây cầu kết nối miền Tây.


Phối cảnh cầu Vàm Nao. Ảnh: Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận

Hiện nay có tới 80% khối lượng hàng hóa của ĐBSCL phải vận chuyển bằng đường bộ tới các cảng tại TP.HCM, Đồng Nai để xuất khẩu. Mạng lưới giao thông ở ĐBSCL chưa hoàn thiện không chỉ cản trở an ninh lương thực trên toàn quốc mà còn gây ra nhiều bất tiện cho người dân. Điển hình như hiện tượng ùn tắc thường xuyên xảy ra hai phà Tân Châu – Hồng Ngự và Thuận Giang.

Giao thông vốn dĩ được mệnh danh là “mạch máu” của nền kinh tế. Bởi giao thông phát triển tới đâu thì kinh tế – xã hội sẽ phát triển theo, đồng thời giao thông có chức năng đi trước mở đường cho nền kinh tế. Vì vậy, nếu tiếp tục kéo dài tình trạng thiếu thốn cơ sở hạ tầng ở khu vực trọng yếu là miền Tây thì không chỉ nền kinh tế quốc gia bị đe doạ mà ngay cả nguồn cung lương thực cho cả nước cũng sẽ bị hạn chế. Thêm vào đó, nếu khắc phục được điểm nghẽn này thì chi phí logistic sẽ giảm đi đáng kể, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung.

Chính vì thế, để xuất xây dựng hai cây cầu của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông Vận tải) là vô cùng hợp lý và kịp thời. Trong đó, cầu Tân Châu – Hồng Ngự dài 890 m, 4 làn xe, vận tốc 80 km/h, tổng chiều dài dự án hơn 17 km, kinh phí 6.200 tỷ đồng. Còn cầu Vàm Nao bắc qua sông cùng tên, nối huyện Chợ Mới và Phú Tân đều của tỉnh An Giang với, kinh phí dự kiến hơn 2.950 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng). Công trình cũng rút ngắn quãng đường đến cửa khẩu Quốc tế Vĩnh Xương đi Campuchia, thay thế phà Thuận Giang, thông suốt tuyến quốc lộ 80B. Giao thông được mở rộng liên tỉnh và tới các cửa khẩu cũng chính là cơ hội tiềm năng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên khu vực các tỉnh miền Nam cũng như tạo thêm cơ hội xuất khẩu gạo.

Thấu hiểu được câu nói “lộ thông, tài thông”, vùng ĐBSCL đang và sẽ được đẩy mạnh đầu tư để tháo “điểm nghẽn” về giao thông cho toàn vùng. Đây không chỉ là niềm mong mỏi của chính người dân, của chính quyền các địa phương, mà còn thể hiện tầm nhìn mang tính chiến lược, dài hạn trong việc phát triển cơ sở hạ tầng kết nối vùng miền của Chính phủ. Đặc biệt là mục tiêu bứt phát kết nối ở khu vực phía Đông.

LS Lê

Bài mới
Đọc nhiều