Tầm nhìn “Hổ châu Á” thông qua trang sử mới mang tên Đối tác chiến lược toàn diện
Hôm qua (10-9), quan hệ Việt – Mỹ đã bước sang một chương mới mang tính lịch sử khi chính thức được nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện, đánh dấu chuyến thăm thành công của Tổng thống Joe Biden tới Việt Nam.
Trang sử mới trong quan hệ Việt – Mỹ
Khuôn khổ hợp tác “Đối tác chiến lược toàn diện” sẽ đặt Mỹ vào vị trí ngang với các đối tác tin cậy của Việt Nam như Nga hay Trung Quốc.
Trong thực tế, nó làm tăng niềm tin từ hai nước rằng họ có thể hợp tác ở các chủ đề có mối quan tâm và lợi ích chung.
Đến nay, khi Mỹ là nhà nhập khẩu lớn nhất đối với Việt Nam, tạo ra thặng dư thương mại 100 tỉ USD cho Việt Nam, việc củng cố mối quan hệ hợp tác này là điều rất có ý nghĩa.
Chẳng hạn, nếu Việt Nam muốn cải thiện an ninh mạng, Việt Nam có thể cần một trung tâm điện toán đám mây nội địa và đây có thể là sự hợp tác giữa hai nước, bao gồm việc đào tạo các nhà khoa học máy tính.
Thực tế Việt Nam có cơ hội tốt để thành “hổ châu Á” so với một số nước khác trong ASEAN. Tuy nhiên, Việt Nam cần thúc đẩy lĩnh vực tư nhân, trình độ kỹ thuật trung và cao cấp, cũng như tiếp tục cải cách.
Mỹ có thể hỗ trợ về mặt giáo dục, đầu tư công nghệ cao và các dự án chung trong lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo. Ngoài ra, các khoản vay cho tài chính xanh cũng có thể là một động lực.
Đối với Mỹ, Việt Nam chắc chắn nằm trong danh sách “bạn bè” và có vị thế tốt để thay thế một phần trong xuất khẩu của các nước trong khu vực. Điều này được phản ánh qua các khoản đầu tư của Foxconn và Pegatrong, một nhà cung cấp lớn của Apple.
Điều quan trọng là Việt Nam có thể gia tăng giá trị trong nước, vì điều này giúp tránh khỏi các cáo buộc nói Việt Nam chỉ nhập khẩu đầu vào và lắp ráp để xuất khẩu. Tăng giá trị trong nước cũng sẽ giúp Việt Nam xử lý vấn đề robot hiện đại, những robot vốn sẽ cạnh tranh với lực lượng lao động trong tương lai.
Một thỏa thuận thương mại Việt – Mỹ nếu được nâng cấp sẽ làm tăng niềm tin rằng các quy định không bị thay đổi đột ngột, đồng thời hỗ trợ đầu tư cả ở các công ty trong nước lẫn vốn trực tiếp nước ngoài (FDI).
Quan hệ thương mại Việt – Mỹ không phải không có vấn đề cần vượt qua. Tuy nhiên, Việt Nam không có lỗi khi thường là nơi sản xuất tốt nhất sau Trung Quốc.
Trong trường hợp xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng chậm hơn trong tương lai, việc gia tăng giá trị bằng cách tự sản xuất các linh kiện nhập khẩu hiện nay sẽ hỗ trợ tăng trưởng GDP nhiều hơn mà không làm tăng thâm hụt song phương.
Một lần nữa, cần lưu ý rằng điều này sẽ diễn ra khi doanh nghiệp tư nhân trong nước kết nối tốt hơn với các nhà xuất khẩu FDI.
Tác động từ chuyến thăm của Tổng thống Biden lên các công ty Mỹ sẽ phải từ từ mới cảm nhận được. Các công ty lớn có kế hoạch được điều chỉnh tùy lúc chứ không phải ngay lập tức.
Cũng có thể sẽ có một giai đoạn tăng trưởng chậm ở Mỹ do chính sách tiền tệ thắt chặt hơn. Tuy nhiên, với Việt Nam, việc có một quốc gia thân thiện và an toàn với năng lực ngày càng tăng sẽ giúp thu hút đầu tư và không chỉ đầu tư từ Mỹ.
Việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện là thành quả từ sự phát triển trên nhiều mặt trong quan hệ Việt – Mỹ sau 10 năm của khuôn khổ Đối tác toàn diện. Sự kiện này cũng đại diện cho những cam kết cũng như mong muốn chung của hai nước về việc tìm kiếm phương thức hợp tác mới giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu bước sang giai đoạn có nhiều chuyển biến quan trọng.
Việc nâng cấp quan hệ với Việt Nam đã được Nhà Trắng ưu tiên, xét trên thực tế lịch trình của ông Biden sẽ rất bận rộn vào cuối năm, đặc biệt khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 đang gần kề.
Thời điểm hoàn hảo
Hầu hết các chuyên gia về khu vực đều cho rằng chuyến thăm và việc nâng cấp quan hệ lần này thể hiện Mỹ đang đánh giá cao Việt Nam. TS Sascha-Dominik Dov Bachmann (Trường luật Canberra, Úc) cho rằng đây là chuyến đi mang ý nghĩa lớn, nêu bật tầm quan trọng của Việt Nam trong tổng thể chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, đặc biệt trong giai đoạn hiện tại, khi hai nước chia sẻ nhiều lợi ích và mối quan tâm chung.
“Đặt trong những căng thẳng leo thang ở khu vực gần đây, một mối quan hệ đối tác được nâng cấp với Việt Nam là hợp lý và phục vụ lợi ích cho cả hai nước”, nhà nghiên cứu chính sách khu vực này nói với Tuổi Trẻ.
Khi bàn về tính thời điểm, TS Lê Hồng Hiệp (Viện nghiên cứu Đông Nam Á – ISEAS – Yusof Ishak Institute, Singapore) nhận định ngoài việc trùng khớp kỷ niệm tròn 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện, việc nâng cấp nếu tiến hành sớm sẽ giúp giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh Mỹ sẽ tiến hành bầu cử tổng thống vào cuối năm sau.
“Một mặt, trong năm bầu cử chính quyền Mỹ sẽ rất bận rộn, khiến Mỹ khó có thể quan tâm đầy đủ tới các quan hệ ngoại giao nói chung và quan hệ Việt – Mỹ nói riêng. Mặt khác, không loại trừ khả năng có sự thay đổi trong chính quyền Mỹ sau bầu cử, đi theo đó là những điều chỉnh trong chính sách và ưu tiên đối ngoại của Mỹ”, ông nói.
Là người nghiên cứu lâu năm về Việt Nam và chính trị Đông Nam Á, TS Zach Abuza (Học viện Chiến tranh, Mỹ) cho biết việc nâng cấp quan hệ sẽ giúp các bộ, ngành Việt Nam dễ tương tác với phía Mỹ hơn ở một cấp độ chính trị cao nhất. Theo ông, việc nâng cấp quan hệ với Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện không phản ánh một thay đổi căn bản trong chính sách đối ngoại đa phương và độc lập của Việt Nam.
Về mặt kinh tế, các chuyên gia cũng cảnh báo việc nâng cấp quan hệ không tự động thúc đẩy tăng trưởng và đầu tư, mà chỉ tạo thêm thời cơ và động lực hợp tác.
Ông Stephen Olson, chuyên gia kinh tế tại Quỹ Hinrich, cũng đánh giá việc nâng cấp quan hệ “phần lớn mang tính biểu tượng” vì điều này không đi kèm bất kỳ cam kết tiếp cận thị trường cụ thể hay việc cắt giảm các hạn chế thương mại và đầu tư nào.
“Tuy nhiên, việc nâng cấp quan hệ vẫn là dấu hiệu quan trọng cho thấy giá trị chiến lược mà chính quyền ông Biden đặt vào Việt Nam, cũng như vai trò quan trọng của Việt Nam khi Mỹ tiếp tục nỗ lực giảm thiểu rủi ro trong các mối quan hệ kinh tế…”, ông Olson nói.
Ông cho rằng rất ít doanh nghiệp đưa ra quyết định kinh doanh dựa trên nhận xét của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen hay thậm chí Tổng thống Biden. “Họ sẽ đánh giá thực tế thương mại và kinh tế, đưa ra quyết định dựa trên những yếu tố đó. Tuy nhiên, tôi nghĩ việc kỳ vọng Việt Nam đóng vai trò lớn hơn trong chuỗi cung ứng và chiến lược “friend-shoring” của Mỹ là hợp lý, xuất phát từ cả suy tính kinh tế mạnh mẽ có lợi cho Việt Nam hay mong muốn đa dạng hóa thương mại của họ…”, ông Olson phân tích.
Bảo Trâm