Tầm nhìn của 4 vị tư lệnh ngành về phục hồi và phát triển nền kinh tế
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Rất hiếm khi cả 4 tư lệnh kinh tế là Bộ trưởng KHĐT, Tài chính, GTVT và Thống đốc NHNN được yêu cầu cùng trả lời chất vấn ở Quốc hội như lần này.
Điều đó cho thấy, Chủ tịch Vương Đình Huệ thấy rõ, yêu cầu của nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân đã kiệt quệ sau đại dịch Covid-19 là khẩn thiết, nóng bỏng như thế nào đối với 4 vị tư lệnh.
Có một điểm chung, cả 4 tư lệnh đều trả lời rất trôi chảy, cẩn trọng và cân bằng giữa kế hoạch phục hồi kinh tế đang được thiết kế với trị giá lên đến 10% GDP, như các vị chuyên gia đề xuất, trong tương quan với bóng ma lạm phát, bất ổn vĩ mô đang lởn vởn.
Kích cầu không đủ liều lượng thì nền kinh tế và doanh nghiệp không gượng dậy được; còn nếu kích cầu quá đi và thiếu hiệu quả, thì chỉ nhóm lợi ích tận dụng được ưu đãi trong khi lạm phát, bất ổn vĩ mô sẽ sầm sập kéo đến, mà hệ lụy còn kinh khủng hơn nhiều so với có gói kích thích.
Không thể không cứu giúp nền kinh tế
Tư duy của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng là phải có: “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc nới bội chi và nới nợ công trong một khoảng mà chúng ta có thể kiểm soát được. Nếu không nới thì rất khó có điều kiện để chúng ta tăng trưởng, mà không tăng trưởng được thì không đạt được mục tiêu, không thực hiện được các mục tiêu của kế hoạch 5 năm hay chiến lược 10 năm hay các mốc khát vọng của chúng ta đến 2030-2045 về đất nước phát triển thu nhập trung bình cao.
Nếu như thế thì chúng ta lại bỏ hết các cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từ thời kỳ dân số vàng, từ các hiệp định Thương mại tự do đã ký kết và những chuyển dịch mới, những cấu trúc mới đang hình thành, chúng ta lại lỡ nhịp cuộc chơi, lại tụt hậu”.
Ông Dũng nói thêm: “Nếu bây giờ cứ dứt khoát không nới bội chi, không nới nợ công thì chúng ta không có đầu tư và không có đầu tư sẽ không có phát triển, không có phát triển thì sẽ là một vòng luẩn quẩn bội chi và nợ công lúc nào cũng ở mức cao, trong khi đó chúng ta bỏ lỡ hết các cơ hội cho phát triển”.
Quan điểm của ông Dũng, người đang chủ trì xây dựng kế hoạch phục hồi, là rất rõ ràng và mạch lạc trong bối cảnh nền kinh tế và doanh nghiệp rất khó khăn sau nhiều tháng đóng băng vì đại dịch.
Tuy nhiên, ông tỏ ra thận trọng: “Nhưng chúng tôi đồng tình với ý kiến của các đại biểu, đây là một vấn đề hết sức quan trọng để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, cũng như các cân đối lớn, nên khi tính toán phải hết sức thận trọng để làm sao đảm bảo được phục hồi và phát triển cho nền kinh tế. Để tận dụng các cơ hội đảm bảo được các mục tiêu trong dài hạn, chúng ta phải cân nhắc đến vấn đề an toàn, ổn định kinh tế vĩ mô”.
“Nhưng nếu chúng ta nới cao quá và kiểm soát không được hiệu quả, không đảm bảo sẽ dẫn đến hệ lụy lâu dài cho nền kinh tế, gây mất ổn định kinh tế vĩ mô, mất các cân đối lớn thì còn nguy hiểm hơn. Bây giờ nới bao nhiêu, 1% hay 2% GDP hay bao nhiêu, nới ra rồi huy động bằng cách nào, huy động được rồi thì sử dụng vào đâu để cho hiệu quả”.
Trong bối cảnh thông tin về gói kích thích kinh tế đang được giới đầu tư chứng khoán và buôn bán bất động sản săn lùng, Bộ trưởng Dũng chia sê: “Các bộ ngành vẫn đang trong thời kỳ tính toán và cũng chưa dám đưa ra một kịch bản cụ thể. Chúng tôi xây dựng các kịch bản ở đây rồi, nhưng xin phép chưa báo cáo dịp này, còn phải tính toán cho thận trọng, kỹ lưỡng và phải báo cáo với các cấp có thẩm quyền trước khi báo cáo với Quốc hội”.
Tiền tệ khó dang tay
Được yêu cầu bổ sung ý kiến về khả năng giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tỏ ra do dự.
Bà có lý do rất chính đáng: Ngân hàng Nhà nước phải giữ được giá trị VNĐ trong bối cảnh trong năm 2022 rủi ro lạm phát đang có một áp lực “rất lớn”. NHNN đảm bảo an toàn hệ thống và khả năng chi trả cho người dân; và chỉ góp phần hỗ trợ tăng trưởng.
Hơn nữa, bà trích dẫn, giá nhiều mặt hàng đã tăng rất cao như giá xăng dầu trong tháng 9 đã tăng 55,2% so với cuối năm trước; lạm phát đã tăng lên ở mức cao nhất trong lịch sử ở các nước phát triển, ví dụ ở Mỹ tăng 5,3% trong tháng 9 vừa qua; các ngân hàng trung ương trên thế giới đã dừng nới lỏng chính sách tiền tệ và có tới 65 lượt tăng lãi suất trên thế giới.
“Có thể nói rằng áp lực lạm phát cũng như áp lực đối với điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới rất lớn”, bà cho hay.
Trong khi đó, nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đang gia tăng, nếu để tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng bị suy giảm thì lúc đó sẽ ảnh hưởng đến khả năng chi trả và an toàn của hệ thống.
“Đây là bài học kinh nghiệm rất lớn từ thời gian trước đây, khi tăng trưởng tín dụng cao và khi chúng ta thực hiện các gói hỗ trợ lãi suất trong năm 2008, nếu như không tính toán cẩn thận cũng đã có rủi ro là lạm phát quay trở lại trong năm 2011, có thời điểm lên đến 18%”.
Bà Hồng cam kết sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành, như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tính toán những gói hỗ trợ lãi suất, làm sao với quy mô, phạm vi, liều lượng hợp lý và trên cơ sở vẫn phải đảm bảo các ổn định kinh tế vĩ mô cũng như phòng ngừa những rủi ro lạm phát và cũng phòng ngừa rủi ro đối với an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Tài khóa ra tay
Gói hỗ trợ lãi suất được Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc kiên trì đề cập ở Quốc hội. Một lần nữa, ông cho biết, nếu bỏ ra mỗi năm 20.000 tỷ đồng, tức là 40.000 tỷ đồng trong năm 2022-2023 thì với lãi suất hỗ trợ 4%, sẽ có 1 triệu tỷ đồng để bỏ vào nền kinh tế mà không làm tăng bội chi ngân sách, cũng không làm tăng nợ công. Nguồn này sẽ được lấy từ nguồn đầu tư chưa phân bổ trong giai đoạn 2021-2025.
Ông cho biết, còn một số gói nữa như phát hành trái phiếu chính phủ hoặc phát hành công trái hoặc trái phiếu bằng ngoại tệ để “huy động tiền trong dân”. Gói này khoảng 180.000 tỷ đồng trong 2 năm, làm tăng bội chi ngân sách 1% mỗi năm.
“Tuy nhiên, một điều chúng tôi hết sức băn khoăn là khi chúng ta có tiền rồi thì nền kinh tế có hấp thụ được không và hấp thụ ở trong những lĩnh vực nào? Chúng tôi nghĩ tiền này chỉ nên tiêu ở các dự án đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư, các dự án, công trình trọng điểm, những lĩnh vực kinh tế tạo nên đột phá lớn để tăng trưởng”, ông nói.
Về chính sách nợ, ông giải thích, nếu tính theo GDP cũ (6,3 triệu tỷ đồng), năm nay chỉ tính 44 tỉnh thì gói nợ công đã là 56,8%, vượt ngưỡng cảnh báo là 55%.
Trích dẫn dư nợ Chính phủ là 51,5%, tính theo GDP cũ hay 40,5% theo GDP mới (9,1 triệu tỷ đồng); năm nay, nợ công khoảng 3.750.000 tỷ đồng và nợ Chính phủ khoảng 3.397.000 tỷ đồng. Bộ trưởng Tài chính ủng hộ các gói kích cầu để phát triển kinh tế, để tăng thu ngân sách và đồng thời giữ được bội chi.
Liên quan đến chi ngân sách, ông cho biết, sẽ tiếp tục cắt giảm 10% so với định mức mà Thường vụ Quốc hội ban hành. Trong quá trình điều hành sẽ tiếp tục cắt giảm khoảng 10% nữa và tiết kiệm 5% chi tiếp khách, chi công tác phí trong nước và ngoài nước.
Đầu tư công cần tăng tốc
Còn lĩnh vực đầu tư công mà Chính phủ hy vọng đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình để bơm tiền ra thì không ăn thua lắm. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể lý giải, vì sao các công trình trọng điểm quốc gia còn chậm tiến độ.
Đặc biệt, sân bay quốc tế Long Thành tỷ lệ giải ngân của cả năm 2021 và lũy kế rất thấp. Còn dự án đường bộ cao tốc phía Đông, ba gói đầu tư theo hình thức PPP đã ký hợp đồng từ lâu rồi nhưng không thu xếp được vốn và đang còn ách tắc.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giải trình, đến hết tháng 9, bình quân giải ngân toàn quốc là 47,8%, nhưng riêng ngành GTVT 61,2%. Điều này thể hiện sự quyết tâm của Bộ GTVT. Tuy nhiên, so với yêu cầu, 2 dự án trọng điểm quốc gia nêu trên được triển khai chậm vì nhiều nguyên nhân như khó khăn trong đấu thầu, giải phóng mặt bằng, thiếu hụt tín dụng,…
Liên quan đến đầu tư công chậm được giải ngân, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đáp thẳng thắn khi được các đại biểu chất vấn: “Tôi xin nói lại một lần nữa cho thật rõ vấn đề này để xem nó nằm ở đâu và trách nhiệm thuộc về ai.
Hôm nay tôi có danh sách của 63 tỉnh, thành về tỷ lệ giải ngân, trong đó có khoảng 30 tỉnh, thành đến hết tháng 10 giải ngân dưới 60%. Nếu đại biểu nào cần làm rõ hơn, tại sao ở các địa phương lại chưa giải ngân được thì các vị đại biể trả lời giúp cho chúng tôi những vấn đề đó, thật sự là nó nằm ở địa phương”.
Qua trả lời chất vấn, 4 vị tư lệnh kinh tế đã thể hiện vai trò, trách nhiệm và bản lĩnh của mình như thế nào, nhất là khi nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân hậu Covid đang mong mỏi họ hơn bao giờ hết.
Mỗi người giữ vị trí và nhiệm vụ khác nhau, nhưng họ cần chia sẻ, thống nhất một điểm chung: phải có gói kích cầu để hỗ trợ kinh tế nhưng tránh làm rủi ro vĩ mô và lạm phát, trong khi cần song hành với cải cách thể chế trong lĩnh vực phụ trách.
Tư Giang