Tâm lý sợ gánh trách nhiệm khi có dịch, lãnh đạo tỉnh sẽ “khóa cứng” địa phương
Việc chuyển đổi mô hình chống dịch thay đổi tư duy từ “Zero Covid-19” sang “sống chung với dịch”, TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng tâm lý sợ trách nhiệm khi có dịch COVID-19, lãnh đạo sẽ “khóa cứng” địa phương.
Sáng 27/9, đóng góp ý kiến tại Toạ đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế – xã hội, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, điều quan trọng hiện nay của nước ta là mô hình chống dịch. Mô hình chống dịch năm 2020 kéo dài, đây là nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng tới kinh tế – xã hội. Vừa qua, Thủ tướng nói chuyển từ không có COVID-19 sang thích ứng an toàn, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Theo ông Dũng, chúng ta đã áp đặt mô hình “zero COVID” kéo dài, mất quá nhiều thời gian phong toả cứng đất nước. Thực chất việc phong tỏa cứng thì dài nhất chỉ nên 7 ngày, cùng lắm 10 ngày.
“Không thể phong toả cứng đất nước nửa năm trời khiến đổ vỡ hết tất cả. Chính vì vậy, việc quan trọng nhất hiện nay là chuyển đổi mô hình chống dịch”, ông Dũng nêu ý kiến.
Mới đây, Thủ tướng nói về chuyển đổi mô hình chống dịch, tức là thích ứng an toàn với COVID-19. Dù Thủ tướng quan điểm như vậy nhưng các địa phương vẫn thực hiện khác nhau, mỗi nơi mỗi kiểu.
“Chúng ta áp đặt nếu để bùng dịch người đứng đầu chịu trách nhiệm thì người ta cứ có 1 – 2 ca là sẽ khóa cứng thôi. Như TP.HCM khóa cứng không cho chợ dân sinh, đầu mối… chỉ cho mỗi siêu thị hoạt động thì người nghèo họ không tiếp cận được, sẽ sống khốn khổ như thế nào?”, ông Dũng băn khoăn, và đề nghị cần xóa bỏ ngay quy định mỗi tỉnh mỗi kiểu, đòi hết giấy này giấy kia, tỉnh cho qua, tỉnh lại không, thì nền kinh tế không thể lưu thông được.
Theo thống kê gần đây, khoảng 29,3 triệu người không có việc làm. Khi chợ truyền thống đóng cửa, nhiều người dân buộc phải đi siêu thị để mua các nhu yếu phẩn. Người nghèo càng khó khăn. Bên cạnh đó, khi chợ truyền thống đóng cửa cũng kéo theo việc những người sản xuất nhỏ lẻ không thể tiếp cận được siêu thị. Số lượng người bị ảnh hưởng do đóng cửa chợ dân sinh, truyền thống là rất lớn.
“Nếu chuyển đổi mô hình thì phải cho mở cửa chợ truyền thống, đầu mối sẽ giảm bớt gánh nặng cho hàng triệu người. Phải có sự thống nhất chứ không thể như cách làm hiện nay, mỗi tỉnh mỗi kiểu thì đứt gãy hết chuỗi cung ứng”, ông Dũng nói.
Tháo gỡ khó khăn sau dịch
Liên quan đến đề xuất áp giá sàn vé máy bay, TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, quan điểm áp giá vé máy bay như vậy là không công bằng.
“Hãng 3 sao phải bán giá như 5 sao, vậy thì ai mua hãng 3 sao. Áp như vậy là giết chết hãng hàng không. Chính sách khi ban hành phải công bằng, tạo ra bình đẳng chứ không tạo ra bất hợp lý, khoản “tô” bất hợp lý cho nền kinh tế”, ông Dũng nêu quan điểm.
Cho rằng, phân cấp, phân quyền là quan trọng, nhưng theo ông Dũng, ở thời điểm này, phải cần mệnh lệnh từ Trung ương. “Còn mỗi tỉnh mỗi kiểu, tỉnh đòi loại giấy này, tỉnh đòi loại giấy khác; tỉnh cho qua, tỉnh không thì làm sao kinh tế không đổ vỡ được”, ông Dũng nêu ý kiến.
Về vấn đề việc làm, ông Nguyễn Sĩ Dũng nêu rõ, nghịch lý lao động hiện nay là nơi thiếu cứ thiếu, nơi thừa cứ thừa. Ở các khu công nghiệp TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai người ta phải chạy về, chưa biết bao giờ trở lại. Chuỗi cung ứng toàn cầu không thể đứt gãy. Trong khi cầu của thế giới đang quay lại, nếu không có chính sách để lôi kéo lao động trở lại sẽ khiến sản xuất chúng ta gặp nhiều khó khăn.
Một số vấn đề cần được đưa ra các phiên giải trình, theo ông Dũng là chính sách trong phòng chống dịch, sắp tới chuyển đổi thì chuyển đổi thế nào? Tiêm vaccine thế nào, giãn cách thế nào? Các Ủy ban phải phối hợp với các bộ, ngành chuyên môn giải trình chính sách mạch lạc.
Rất nhiều chính sách được ban hành, nhưng không được giải trình, chưa thể giải trình với công chúng thì hãy giải trình với Quốc hội. Quốc hội phải bảo đảm trách nhiệm giải trình, giải trình được mới minh bạch.
Mạnh An