+
Aa
-
like
comment

Tâm lý sính ngoại và cú lừa mang tên “quốc tế”

15/08/2019 09:00

Sau vụ việc bé lớp 1 tử vong nghi do bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường Gateway (Hà Nội) mới đây, nhiều người mới vỡ lẽ, ngoài hàng giả, hàng nhái, còn có cú lừa trong giáo dục mang tên “quốc tế”.

mtruongqucte-1565811152263

 

Trường Gateway với biển hiệu “Gateway International school” rõ nét trước cổng trường hay trên web nhà trường khiến hầu hết phụ huynh đều tin sái cổ vào “chất quốc tế”.

Mãi đến khi vụ việc đau lòng xảy ra, đứng giữa phòng họp báo, Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh trả lời khẳng định khiến tất thảy mọi người đều té ngửa, rằng trên địa bàn quận không có trường nào tên là trường “quốc tế” và tên “trường tiểu học quốc tế Gateway” là cách mà trường tự đặt để thu hút thêm học sinh”

Và Gateway cũng không phải trường hợp hi hữu. Thử một cú click chuột trên mạng, hàng loạt trường học mang danh quốc tế ở Hà Nội xuất hiện với những lời quảng cáo đến “cua trong lỗ cũng phải bò ra… nghe” nhưng đúng/sai các lời quảng cáo này tới đâu, chưa ai hay.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội quả quyết, Hà Nội hiện chỉ có 11 trường mang danh “quốc tế” đúng quy định.

Ô hay, hoá ra các trường khác hiện đang “treo đầu dê…”? Các trường tự đưa thêm chữ “quốc tế” gắn vào tên trường để thu hút học sinh, trong khi phụ huynh tù mù chẳng biết đâu mà lần.

Cách đây không lâu, một trường phổ thông ở Hà Nội bị “bóc mẽ” vì liên kết với “trường ma” và lập lờ trong đào tạo quốc tế. Một trường khác trên địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội) cũng mang danh “quốc tế” nhưng giảng dạy theo chương trình thuần Việt.

Sau này nhiều chuyên gia lý giải, do tâm lý sính ngoại của người Việt, một số trường mặc dù giấy phép kinh doanh đăng kí tên trường một đằng nhưng khi truyền thông, họ tự gắn thêm danh xưng “quốc tế” để “nâng cấp” (và nâng phí?) trong mắt phụ huynh.

Thoạt đầu có giật mình thảng thốt, nhưng ngẫm lại, chẳng phải riêng gì việc gắn mác “quốc tế” cho chương trình giáo dục, tâm lý sính ngoại vốn đã ăn vào máu của nhiều người.

Người tiêu dùng sính túi ngoại, xe ngoại, quần áo ngoại, uống rượu ngoại… Đành rằng mua được hàng chất lượng ngoại, xứng đáng với số tiền mình bỏ ra đã quá tốt nhưng khổ nỗi, trong số đó, không ít người bị ăn quả lừa đắng chát.

Thống kê từ Cục quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho thấy, mỗi năm cả nước phát hiện và xử lý hàng chục nghìn vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng nhái nhãn mác hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…

Mới đây nhất, một thương hiệu của Hàn Quốc bị bày tỏ nghi vấn mập mờ xuất xứ khiến dư luận ồn ào.

Câu chuyện một số hãng sữa ngoại quảng cáo mập mờ về các vi chất, có tác dụng làm tăng chiều cao và sự thông minh của trẻ em…, khiến nhiều gia đình không tiếc tiền mua, từng gây ồn ào dư luận một thời gian.

Hay câu chuyện, cái túi, đôi kính hàng nhái, có giá vài trăm nghìn, bỗng dưng một ngày được “nhảy” vào thế giới thượng lưu, nằm chễm chệ ở store, khi nó được gắn cho cái mác hàng hiệu.

Thế mới thấy, tâm lý sính ngoại và hàng hiệu, có ở mọi nơi, mọi lúc và với một bộ phận người tiêu dùng đã trở thành xu hướng thời thượng.

Một mặt, chúng thể hiện nhu cầu chính đáng, muốn sử dụng đồ tốt của người tiêu dùng nhưng mặt khác lại thể hiện sự ganh đua danh tiếng và muốn nổi bật của người sở hữu chúng.

Ngoại trừ một số lượng không nhiều người có khả năng tài chính dư dả để dùng đồ hiệu thật sự hay đủ chi phí để cho con được học trường danh giá thực chất, việc chạy theo giá trị ảo như hiện nay, đang tạo cơ hội để một số đơn vị biến thành mánh làm ăn, gây nên sự bát nháo, thật giả lẫn lộn trong xã hội…

Mỹ Hà

Bài mới
Đọc nhiều