Tâm lý ham của rẻ “tiếp tay” cho vấn nạn hàng giả
Nạn hàng giả, hàng nhái hiện đang là một trong những vấn đề gây nhức nhối trong xã hội. Hình thức lừa đảo này chủ yếu đánh vào lòng tham, tâm lý ham của rẻ của người tiêu dùng với các chiêu trò ngày càng tinh vi và khó lường.
Theo khảo sát thì trong thời gian gần đây, vấn nạn hàng già, hàng nhái không chỉ dừng lại ở một số vùng nông thôn, vùng quê mà còn trực tiếp len lỏi vào các thành phố, đô thị lớn trên cả nước. Điển hình như vào ngày 22/11 vừa qua, Công an TP. Thái Bình đã ra quyết định khởi tố 4 bị can với tội danh “sản xuất, buôn bán hàng giả” theo Điều 192 Bộ luật Hình sự.
Các bị can này khai rằng họ tự sản xuất và điều chế ra các lọ nước hoa giá rẻ với mức giá chỉ 6.500 đồng/lọ. Sau đó cả nhóm bắt đầu tìm đặt mua tem mác, vỏ hộp, túi chống va đập, lọ và nước hoa giả qua mạng xã hội rồi về thuê người đóng gói giống hệt như sản phẩm thật. Tiếp theo, nhóm đối tượng này sẽ tiến hành móc nối với nhân viên bưu tá của một bưu cục trên địa bàn TP. Thái Bình để thu thập thông tin người dùng gồm bao gồm cả địa chỉ, số điện thoại.
Sau đó, nhóm đối tượng này sẽ thuê những lao động nữ giả danh là nhân viên chăm sóc khách hàng gọi điện trực tiếp cho người tiêu dùng. Chiêu bài mà nhóm đối tượng này thường sử dụng là dùng danh nghĩa “tri ân, cảm ơn khách hàng”m bán giảm giá một lọ nước hoa có “xuất xứ từ Pháp” với mức giá chỉ 99.000 đồng/lọ
Như vậy sau khi trừ đi các chi phí khác, nhóm đối tượng lừa đảo này có thể “bỏ túi” 40.000-50.000 đồng/sản phẩm. Theo đó tính đến trước thời điểm bị phát hiện và bắt giam, nhóm đối tượng lừa đảo này đã bỏ túi số tiền gần 8 tỷ đồng chỉ nhờ vào chiêu thức bán hàng giả như trên.
Trên thực tế cuối năm thường là thời điểm mà nhu cầu mua sắm hàng hóa của người tiêu dùng tăng cao. Kéo theo đó là sự xuất hiện của nhiều hàng giả, hàng nhái, trôi nổi tràn vào thị trường với đủ mọi chiêu thức tinh vi. Tại TP. Hà Nội, chỉ tính riêng trong tháng 10, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra hơn 900 vụ buôn lậu và hàng giả và xử lý gần 822 vụ với số tiền thu được từ hành vi vi phạm là 8,62 tỷ đồng. Số lượng hàng hóa vi phạm bị tiêu hủy, ước tính là hơn 10 tấn hàng, hầu hết đều là nhóm hàng thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm kém chất lượng.
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan là do người tiêu dùng có tâm lý ham của rẻ, dễ bị xiêu lòng trước những lời mời chào hấp dẫn của các đối tượng lừa đảo. Hầu hết người tiêu dùng thường có tâm lý chung là thích xài hàng ngoại, các sản phẩm từ nước ngoài nhưng phải rẻ và hợp với túi tiền. Thậm chí một số người tiêu dùng biết dù biết sản phẩm mình mua rất có thể là giả nhưng vẫn mua bởi giá rẻ mà lại được sở hữu thương hiệu nổi tiếng. Chính lòng tham và tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng đã phần nào dung dưỡng và tiếp tay cho vấn nạn hàng giả, hàng nhái phát triển mạnh mẽ ở nước ta.
Mặt khác, để đạt được mục đích lừa đảo, các đối tượng buôn hàng giả cũng nghiên cứu và cho ra nhiều chiêu bài tinh vi hơn để qua mặt người tiêu dùng. Chẳng hạn như giả mạo ngân hàng, móc nối với nhân viên bưu điện để lấy thông tin khách hàng, tổ chức các buổi hội thảo giới thiệu sản phẩm… Thậm chí, một số đối tượng còn lợi dụng cả mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử để bán hàng giả. Thực tế thì đây là những chiêu trò không quá mới nhưng vẫn có rất nhiều người tiêu dùng nhẹ dạ cả tin bị sập bẫy. Từ đó dẫn đến hệ quả là tiền mất tật mang đồng thời gián tiếp gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng nếu những hàng hóa đã mua chứa các chất độc hại.
Để ngăn chặn tình trạng này, hơn hết, mỗi người tiêu dùng cần nâng cao ý thức cảnh giác; đấu tranh loại bỏ tâm lý ham rẻ, chấp nhận dùng hàng giả thay cho hàng thật. Đồng thời nhanh chóng báo cho cơ quan chức năng khi phát hiện các đối tượng có dấu hiệu hoạt động phi pháp, bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Minh Thanh