Tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí đến hết năm 2020
Đây là một trong những nhóm giải pháp vừa được Bộ Lao động – thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) trình Thủ tướng xem xét ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Trao đổi với PV ngày 20-3, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết trong tháng 2-2020 có khoảng 10% doanh nghiệp (DN) phải cắt giảm quy mô sản xuất.
Đặc biệt, chỉ qua nửa đầu tháng 3 khi dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp, số lượng DN phải cắt giảm quy mô sản xuất tăng rõ rệt, lên trên 15%. Từ đó, hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn lao động bị ảnh hưởng, mất việc hoặc giảm giờ làm, nghỉ không lương…
“Chúng tôi ước tính sẽ có khoảng 1,5 – 3 triệu người và 150.000-200.000 doanh nghiệp được hưởng lợi từ chính sách này, với số tiền dừng đóng và miễn lãi đóng khoảng từ 25.000 – 49.000 tỉ đồng.
* Các DN và người lao động đã, đang và sẽ rất khó khăn. Với vai trò của mình, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất với Chính phủ những gì để giảm bớt khó khăn cho DN, người lao động?
– Để phòng chống dịch COVID-19, với trách nhiệm của mình, bộ đã có đề án toàn diện, đồng bộ xung quanh vấn đề chăm lo, tạo điều kiện cho DN cũng như người lao động ổn định sản xuất, đời sống, đồng thời tạo điều kiện để phát triển thị trường lao động.
Đi liền là giải quyết vấn đề liên quan đến chính sách nhằm hỗ trợ DN khi gặp khó khăn, ngừng việc hoặc giãn việc, mất việc, đặc biệt là giải quyết chính sách cho người lao động.
Ngày 18-3, bộ đã trình Thủ tướng đề án trong đó đề xuất 6 nhóm giải pháp lớn nhằm hỗ trợ DN, người lao động.
* Việc tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí, tử tuất, bảo hiểm thất nghiệp sẽ có lộ trình thế nào, nguồn kinh phí lấy từ đâu?
– Trước mắt tập trung hai nhóm đối tượng cụ thể. Đối tượng thứ nhất là người lao động bị ảnh hưởng, ngừng việc, thôi việc, không bố trí được việc làm.
Đối tượng thứ hai là DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, có trên 50% người lao động bị ảnh hưởng do tác động của dịch và DN bị thiệt hại 50% do ảnh hưởng của dịch. Với con số này, chúng ta hoàn toàn chủ động được trong điều kiện hiện nay.
Tuy nhiên, theo chúng tôi thì chưa đủ. Vì vậy bộ đã và đang trình với Chính phủ và xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội là nâng cao hơn nữa, tập trung mở rộng đối tượng, bao gồm tất cả DN bị ảnh hưởng do dịch có thể tạm dừng và không khống chế 50%, thậm chí 10% người lao động của DN bị ảnh hưởng thì đều được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội đến tháng 12-2020.
Với đề xuất như vậy, chúng tôi ước tính sẽ có khoảng 1,5-3 triệu người và 150.000-200.000 DN được hưởng lợi từ chính sách này, với số tiền dừng đóng và miễn lãi đóng khoảng từ 25.000-49.000 tỉ đồng.
Quan điểm của bộ là tạo điều kiện cho tất cả các DN, người lao động được tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 3 đến hết tháng 12-2020.
Đây là chủ trương rất lớn, chúng ta có khoảng 10,4 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, như vậy số tiền tạm ngừng đóng là 12.800 tỉ đồng.
* Với DN vừa và nhỏ, chính sách hỗ trợ là thế nào thưa bộ trưởng?
– Đề án đề nghị cho các loại hình DN này được vay vốn với lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo, tức vào khoảng 3,96%, thời hạn vay tối đa 12 tháng.
Dự kiến khoảng 350.000 lao động trong nhóm này sẽ được hỗ trợ (với mức vay bình quân 30 triệu đồng/lao động) và 20.000 cơ sở sản xuất kinh doanh (mức vay bình quân 500 triệu đồng/cơ sở) thì số tiền huy động cần 20.000 tỉ đồng. Kinh phí cấp bù lãi suất khoảng 800 tỉ đồng.
Bộ LĐ-TB&XH dự báo nếu dịch COVID-19 được khống chế trong tháng 3-2020 và kinh tế bình ổn trở lại thì số lao động bị giảm giờ làm hoặc mất việc làm khoảng 132.000-220.000 người.
Nếu dịch tiếp tục diễn biến như hiện nay thì số lao động bị giảm giờ làm hoặc mất việc làm khoảng 440.000-880.000 người. Nếu dịch bùng phát, số lao động bị giảm giờ làm hoặc bị mất việc làm khoảng 880.000-1,32 triệu người.
Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, vận tải và kho bãi, du lịch sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất, với số người chịu ảnh hưởng chiếm 75-85% tổng số bị ảnh hưởng theo các ước tính ở trên
ĐỨC BÌNH/TTO