+
Aa
-
like
comment

Tạm đình chỉ phát hành từ điển chính tả ‘sai chính tả’

11/06/2020 22:26

Bà Nguyễn Thị Hồng Nga – phó giám đốc Nhà xuất bản Đại Học Quốc Gia Hà Nội – cho biết nhà xuất bản này đã có văn bản tạm đình chỉ cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt đang ‘nổi tiếng’ trên truyền thông vì có người cho là ‘sai chính tả’.

Tạm đình chỉ phát hành từ điển chính tả ‘sai chính tả’ - Ảnh 1.
Nhà xuất bản Đại Học Quốc Gia Hà Nội đã tạm đình chỉ phát hành cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt – Ảnh: HỒNG NGA

Không phải nhà xuất bản không thấy những từ sai chính tả

Cuối chiều hôm nay, 11-6, phó giám đốc Nhà xuất bản Đại Học Quốc Gia Hà Nội Nguyễn Thị Hồng Nga đã có chia sẻ với Tuổi Trẻ Online về việc xử lý của nhà xuất bản này với cuốn từ điển chính tả đang được sự quan tâm bàn luận của công chúng và giới chuyên môn vì có tới vài chục lỗi… chính tả.

Bà Hồng Nga cho biết cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt của PGS.TS Hà Quang Năng (chủ biên) và thạc sĩ Hà Thị Quế Hương, do Nhà xuất bản Đại Học Quốc Gia Hà Nội xuất bản năm 2017 vừa chính thức được nhà xuất bản này quyết định tạm đình chỉ phát hành vào hôm qua, 10-6.

Lý do tạm đình chỉ phát hành là cuốn sách “đang có nhiều tranh cãi chưa ngã ngũ từ độc giả, có nhiều vấn đề cần mổ xẻ”, nhà xuất bản tạm đình chỉ phát hành để có thêm những trao đổi với các tác giả và tham vấn thêm ý kiến của các nhà chuyên môn khác, “chứ không phải chỉ chạy theo dư luận”.

Bà Hồng Nga cho biết khi biên tập cuốn sách này, “nhà xuất bản đã có sự làm việc nghiêm túc, cẩn trọng”, cũng đã nhìn thấy những từ không chuẩn chính tả được đưa vào trong sách như ông Hoàng Tuấn Công chỉ ra trên báo chí những ngày qua, “chứ không phải không nhìn thấy”.

Tuy nhiên, các tác giả của cuốn từ điển khẳng định việc đưa vào từ điển cả những dạng chính tả không chuẩn nhưng vẫn được sử dụng trong thực tế chính là sự tính toán có chủ ý của tác giả nhằm cho thấy chính tả tiếng Việt hiện còn nhiều vấn đề nan giải, việc chuẩn hóa chính tả hiện nay là rất cần thiết nhưng không hề đơn giản, không thể giải quyết trong một sớm một chiều.

Đây là quan điểm khoa học, mục đích biên soạn của các tác giả khi biên soạn cuốn sách này nên Nhà xuất bản Đại Học Quốc Gia Hà Nội tôn trọng quan điểm của tác giả và giữ nguyên ý đồ của tác giả.

Bà Hồng Nga cho biết mục đích biên soạn “lạ” này của tác giả cũng được nói rõ trong lời giới thiệu của cuốn sách.

Trước đó, tác giả Hoàng Tuấn Công (cũng biên soạn từ điển) đã có bài viết phản ánh cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt của PGS.TS Hà Quang Năng và thạc sĩ Hà Thị Quế Hương có rất nhiều lỗi sai… chính tả. Ông nhặt ra hơn 40 lỗi là các từ không chuẩn chính tả và sau đó còn nhặt thêm “sạn” ở một bài viết khác.

Những lỗi sai mà tác giả Hoàng Tuấn Công chỉ ra khiến độc giả “kinh hoàng” trước những từ được coi là sai chính tả trong một cuốn từ điển chính tả như: bàn hoàn (từ đúng là bàng hoàng), bánh dày (từ đúng là bánh giầy), bơi chải (từ đúng là bơi trải), chầy chật (từ đúng là trầy trật), chỉnh chu (từ đúng là chỉn chu), xung công (từ đúng là sung công), dằng xé (từ đúng là giằng xé), dày trông mai đợi (thành ngữ đúng là rày trông mai đợi)…

PGS.TS Hà Quang Năng sau đó đã có trả lời trên báo chí đây chính là mục đích biên soạn của nhóm tác giả với cuốn sách này, nhưng câu trả lời của ông càng như “đổ thêm dầu vào lửa”.

PGS-TS Hà Quang Năng – chủ biên cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt” – trả lời phỏng vấn Báo Người Lao Động chiều 8-6 Ảnh: YẾN ANH

“Chính tả cũng cần một thái độ bao dung đa chuẩn mực”

Tuy nhiên, nhiều người bình tĩnh xem lại lời giới thiệu của cuốn sách thì sẽ hiểu được chuyện những lỗi sai chính tả “không thể chấp nhận được” trong một cuốn từ điển chính tả này. Không phải các tác giả này không biết viết đúng chính tả, mà cuốn sách muốn “cung cấp các dạng chính tả chuẩn của các từ ngữ thông dụng theo chính âm và chính tả tiếng Việt, đồng thời cũng chỉ dẫn những dạng chính tả không chuẩn nhưng vẫn được sử dụng”.

“Chính tả là chuẩn mực hóa ngôn ngữ về mặt văn tự… Nhưng do sự phát triển không đồng đều các tầng chức năng của tiếng Việt hiện nay, các quy tắc chính tả cũng cần phải có những dung sai nhất định trong tham chiếu với các vùng chức năng khác nhau. Ngay chính tả cũng cần một thái độ bao dung đa chuẩn mực”, PGS.TS Hà Quang Năng viết.

Theo tác giả này, sự cần thiết của việc chuẩn chính tả dù đã được bàn luận từ lâu nhưng luôn luôn là vấn đề thời sự đối với bất cứ ngôn ngữ nào trên thế giới.

Với tiếng Việt, vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng, khúc mắc trong chuẩn hóa chính tả cần phải được giải quyết. Vẫn còn nhiều những sự khác biệt, dị biệt về cách viết một từ hay một thuật ngữ được phơi bày trên các mặt báo, trên các thông báo của các cơ quan nhà nước và ngay trong cả các từ điển tiếng Việt hay từ điển song ngữ Việt – nước ngoài.

Vì vậy, cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt được biên soạn nhằm cung cấp các dạng chính tả chuẩn của các từ ngữ thông dụng theo chính âm và chính tả tiếng Việt, đồng thời cũng chỉ dẫn những dạng chính tả không chuẩn nhưng vẫn được sử dụng.

Việc đưa ra những dạng chính tả không chuẩn này của các tác giả là với mục đích cho độc giả thấy vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng, khúc mắc trong chuẩn hóa chính tả cần phải được giải quyết và việc chuẩn hóa chính tả không hề đơn giản, phải được xem là cả một quá trình lâu dài.

PGS.TS Hà Quang Năng cũng tin rằng “dù các tác giả đã rất cố gắng và cẩn trọng trong quá trình biên soạn, nhưng có lẽ vẫn không tránh khỏi những thiếu sót, nên các tác giả mong nhận được sự chỉ bảo và góp ý chân thành của bạn đọc để cuốn sách ngày càng hoàn thiện hơn”.

Liên quan đến quy định chuẩn chính tả, PGS.TS Nguyễn Văn Chính – giảng viên khoa Việt Nam học và tiếng Việt Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội) – cho biết hiện chưa có văn bản pháp quy nào quy định về chuẩn chính tả tiếng Việt.

Các nhà khoa học cũng còn bối rối vì chưa thống nhất được ở một số trường hợp. Hiện mới có một số quy định chính tả được đưa ra sử dụng trong một số lĩnh vực và việc đưa ra văn bản mang tính pháp quy về chuẩn chính tả vẫn còn là công việc của tương lai.

Từ điển chính tả’ nhưng lại sai chính tả tùm lum

THIÊN ĐIỂU/TT

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều