+
Aa
-
like
comment

‘Tam chủng chiến pháp’ của Trung Quốc ở đá Ba Đầu

06/04/2021 11:30

Chuyên gia Hoàng Việt cho rằng Trung Quốc tính toán kỹ trước khi đưa tàu cá ra neo đậu trái phép ở đá Ba Đầu. Ông nói cần thận trọng, tránh tạo cớ cho Bắc Kinh sử dụng vũ lực.

Trao đổi với Zing, Thạc sĩ Hoàng Việt – giảng viên Đại học Luật TP.HCM, nói từ việc thông qua Luật Hải cảnh đến đưa hơn 200 tàu cá ra neo đậu ở đá Ba Đầu, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Trường Sa, Trung Quốc cho thấy nước này bao giờ cũng tính toán kỹ lưỡng trước khi hành động.

y do cua Trung Quoc tai da Ba Dau anh 1
Hơn 200 tàu cá Trung Quốc neo đậu trái phép gần đá Ba Đầu kể từ đầu tháng 3. Đá Ba Đầu là rạn san hô có hình dạng chữ V, thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh: Maxar.

“Trung Quốc thể hiện rất rõ tham vọng độc chiếm Biển Đông. Tuy nhiên, họ sẽ không sử dụng sức mạnh quân sự vào thời điểm này vì Trung Quốc không muốn làm xấu đi hình ảnh của mình với thế giới”, ông Hoàng Việt nói.

Nếu dùng biện pháp quân sự, Trung Quốc sẽ vấp phải phản ứng của các quốc gia xung quanh Biển Đông và các cường quốc bên ngoài, như châu Âu và Mỹ.

Do đó, ông Việt nói Trung Quốc đang sử dụng “tam chủng chiến pháp” để thực hiện ý đồ ngang ngược của mình.

Các mặt trận ở đá Ba Đầu

Ông Việt giải thích “tam chủng chiến pháp” là 3 cuộc chiến ngoài mặt trận quân sự. Đó là chiến tranh tâm lý, chiến tranh thông tin và chiến tranh pháp lý.

Trên mặt trận tâm lý, Trung Quốc luôn dùng sức mạnh để đe dọa. Từ đó, Bắc Kinh có thể đạt được mục đích mà không cần sử dụng biện pháp quân sự. Điều này thể hiện qua việc Trung Quốc đưa các tàu cá ra khu vực mà nước khác tuyên bố chủ quyền.

“Những tàu này thực chất là tàu dân quân biển giả dạng. Đây là lực lượng được trang bị rất đầy đủ, được huấn luyện, chứ không phải ngư dân bình thường”, ông Hoàng Việt nhận định.

y do cua Trung Quoc tai da Ba Dau anh 2
Thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật TP.HCM. Ông Việt là thành viên Ban nghiên cứu Luật Biển và hải đảo thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Chuyên gia này chỉ ra rằng Trung Quốc đã sử dụng lực lượng trên trong nhiều vụ va chạm khác nhau. Gần đây nhất, năm 2012, Trung Quốc áp dụng cách này để giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough trên thực tế từ Philippines.

Thậm chí, những tàu cá giả dạng này cũng tham gia hộ tống giàn khoan HD-981 xâm nhập trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam vào năm 2014.

“Trung Quốc thường xuyên dùng ‘tàu cá’ để ngăn cản, đe dọa tàu cá và tàu của các quốc gia khác, để Bắc Kinh có thể giành quyền kiểm soát nơi đó trên thực tế. Chuyện đang diễn ra ở đá Ba Đầu cũng nằm trong chiến lược này”, ông Việt nói với Zing.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang có những động thái trên mặt trận pháp lý, ông Hoàng Việt cho biết.

“Yêu sách ‘đường lưỡi bò’ của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý. Phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ kiện (của Philippines) năm 2016 cũng khẳng định yêu sách này vô giá trị. Vì vậy, Bắc Kinh muốn tự tạo ra cơ sở pháp lý cho riêng mình”, theo ông Việt.

Chuyên gia này chỉ ra rằng Luật Hải cảnh là một biện pháp để Bắc Kinh thực hiện điều đó.

“Trung Quốc sẽ vin vào Luật Hải cảnh để sử dụng sức mạnh của lực lượng chấp pháp, vốn mạnh không kém gì các tàu chiến, cùng hải quân và tàu dân quân giả dạng tàu cá”, ông Việt nhận định. “Họ sẽ dùng những lực lượng này để dần dần kiểm soát Biển Đông trên thực tế, mà hiện tại là ở đá Ba Đầu”.

Sự kết hợp giữa tàu cá, lực lượng hải giám và tàu hải quân được gọi là “chiến thuật cải bắp”, chuyên gia Việt nói thêm.

Chiến thuật này bao gồm việc bố trí các lớp tàu, như lớp lá của cải bắp, bao vây và ngăn cản Philippines đến gần bãi cạn Scarborough. Lớp trong cùng là tàu dân quân giả dạng tàu cá. Lớp tiếp theo là các tàu của lực lượng chấp pháp Trung Quốc và ở ngoài cùng là hải quân.

Tránh tạo cớ cho Trung Quốc dùng vũ lực

Ông Việt cho rằng có ba bước để đối mặt với “tam chủng chiến pháp” và “chiến thuật cải bắp” ở Biển Đông.

“Đầu tiên, các nước cần phải tránh dùng lực lượng quân sự, vì như vậy là tạo cớ cho Trung Quốc sử dụng vũ lực”, chuyên gia này nói.

Năm 2012, trong sự kiện ở bãi cạn Scarborough, do lực lượng chấp pháp yếu, Philippines điều ra 3 tàu hải quân. Ngay lập tức, Trung Quốc cũng đưa hải quân ra và lớn tiếng đe dọa nếu Manila không rút tàu, họ sẽ có biện pháp mạnh.

“Nhưng sau khi hải quân Philippines rút đi, Bắc Kinh vẫn giữ tàu lại và không tàu nào tiếp cận bãi cạn Scarborough được nữa”, ông Việt giải thích.

“Đây là nguyên nhân Trung Quốc thành công trong ‘chiến thuật cải bắp’”, ông Việt kết luận.

y do cua Trung Quoc tai da Ba Dau anh 3
Cận cảnh các tàu cá Trung Quốc, thực tế là tàu dân quân biển giả dạng, gần đá Ba Đầu. Ảnh: Cảnh sát biển Philippines.

Bên cạnh việc tránh tạo cớ cho Trung Quốc sử dụng biện pháp quân sự, các quốc gia cũng phải kiên quyết bám trụ ở khu vực, ông Hoàng Việt nói thêm.

Để làm điều đó, các nước phải xây dựng lực lượng chấp pháp thật mạnh để để duy trì lợi ích của mình trong khu vực.

“Nếu rút tàu khỏi đá Ba Đầu, sẽ đồng nghĩa với việc mặc nhiên trao cho Trung Quốc quyền kiểm soát trên thực tế ở khu vực này”, ông Việt chỉ ra.

Ngoài ra, các quốc gia, đặc biệt là những nước có liên quan đến tranh chấp Biển Đông, phải tăng cường đoàn kết với nhau.

“Các quốc gia phải có lập trường chung thống nhất. Điều đó sẽ khiến Trung Quốc e dè hơn”, ông Việt nói thêm.

Cuối cùng, các bên trong tranh chấp phải kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng.

Trong sự kiện tại đá Ba Đầu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã khẳng định hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Trường Sa. Philippines đã gửi công hàm phản đối, trong khi một loạt các nước lớn đã nêu quan ngại về diễn biến.

“Nếu toàn bộ dư luận quốc tế lên án, Trung Quốc có thể sẽ e ngại hơn”, ông Việt nói.

Như Trần

Bài mới
Đọc nhiều