+
Aa
-
like
comment

Tài xế Grab bị sát hại: Đừng biến mình thành miếng mồi ngon

01/10/2019 11:30

Kẻ ác rồi sẽ phải trả giá, chỉ có người chết chẳng thể nào hồi sinh. Hi vọng rằng, những tài xế Grab luôn nhớ, trước khi nhờ cậy đến người khác, mình phải tự bảo vệ mình.mocmine

Ngày 28/9/2019, tổng đài Grab nhận được thông tin phát hiện một thi thể nam mặc đồng phục GrabBike tại khu vực phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Nạn nhân được xác định là Nguyễn Cao S. (18 tuổi, quê Thanh Hóa), đang học năm nhất Trường cao đẳng Công nghệ ô tô ở Hà Nội.

Ngày 25/6/2019, người dân phát hiện một thi thể anh Cáp V. (SN 1988, ở làng Trà Lộc, xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) nằm sát bờ kênh trên đường Tân Thới Nhất 08, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM.

Ngày 19/10/2018, nạn nhân Lê Nhật H. (20 tuổi, quê tỉnh Bình Thuận, là sinh viên học năm 3 Trường Đại học GTVT cơ sở II ở quận 9, TP.HCM) bị Lê Minh Thuận (15 tuổi, trú tại phường 13, quận 6, TP HCM) sát hại.

Đêm 30/7/2018, anh Nguyễn Đức S. (34 tuổi, quê Thanh Hóa) bị 2 đối tượng lạ mặt thuê chở đi đến khu vực gần trạm thu phí đường ĐT747B (thuộc khu phố Ba Đình, phường Thái Hòa, thị xã Tân Uyên, Bình Dương) rồi dùng dao sát hại để cướp tài sản.

Đó chỉ là 4 trong số rất nhiều trường hợp tài xế Grab bị sát hại, cướp tài sản trong khoảng hơn 1 năm trở lại đây. Chưa kể, không ít tài xế cũng suýt bị “thần chết” gọi tên sau mỗi cuốc xe.

Đến nay, hai nghi phạm ra tay sát hại tài xế 18 tuổi đã bị bắt và sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhưng đáng chú ý nhất trong vụ việc tài xế S. đó là chàng trai này đã dự cảm trước được rủi ro của mình để nhắn tin cho người thân: “Có gì báo công an nhé!”

Giữa làn sóng phẫn nộ của dư luận về vụ việc, phía Grab cho biết: “Chúng tôi vô cùng đau buồn và xin được chân thành chia sẻ với mất mát to lớn của gia đình đối tác Nguyễn Cao S. Hiện tại, ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là tích cực phối hợp làm việc với Cơ quan chức năng để tiếp tục hỗ trợ điều tra vụ việc.

Đồng thời, trong ngày 29/9, đơn vị cũng đã cử đại diện thăm hỏi và bước đầu hỗ trợ một phần chi phí giúp gia đình anh S. lo việc hậu sự và vượt qua giai đoạn khó khăn này”.

Chắc chắn, rất nhiều người khi nghe câu trả lời sẽ cảm thấy phẫn uất và cho rằng Grab vô trách nhiệm, tàn nhẫn… khi mà càng ngày, càng có nhiều vụ tài xế công nghệ bị sát hại dã man, nhưng phía Grab thờ ơ, bỏ mặc, không có bất cứ giải pháp nào được cho là tích cực để ngăn chặn tội ác đó.

Hãy cứ bình tĩnh, thật khó để nói, lỗi là ở họ. Bởi từ trước đến nay, Grab chỉ coi tài xế là đối tác. Họ mời gọi người lao động trở thành đối tác Grabbike, không cưỡng cầu, không thúc ép… và ai có nhu cầu sẽ tự động ký tên vào hợp đồng hợp tác.

Trong khi đó, trở thành đối tác của Grab, làm công việc tự do, văn minh, hiện đại; có thu nhập cao và hợp pháp, những tài xế thừa hiểu những rủi ro trong nghề có thể gặp phải, bao gồm cả việc bị cướp, bị sát hại cướp tài sản.

Sau mỗi vụ việc, trên các hội nhóm của Grab đều đưa ra không ít khuyến cáo liên quan đến việc tài xế bị sát hại khi chở khách. Trong đó, những lời khuyên là: Cấm kị việc chạy khách ngoài; Từ chối nếu khách đặt xe trên app nhưng khi đón lại là một người hoàn toàn xa lạ; Người đặt xe đón ở những địa điểm hoang vắng; Hủy chuyến nếu gặp khách nhìn ngáo ngơ, thiếu tử tế; Từ chối nếu khách yêu cầu chở vào ngõ tối hoặc đến địa điểm khác sẽ trả thêm tiền mà không thấy an toàn; Từ chối nếu không biết rõ về điểm đến và điểm đón đối với khách muộn…

Và đặc biệt, hành trang của tài xế Grab cũng được khuyên là nên tối giản một cách tối đa: Xe không nên quá đẹp và đắt tiền, thậm chí nên là xe số hoặc wave đểu càng tốt; Điện thoại “phò” hệ điều hành Android đủ chạy app grab và nghe, gọi, chụp ảnh, Google map; Quần áo khỏi cần trơn tru như Mã Giám Sinh, nên trông bẩn bẩn một chút để tránh trở thành mục tiêu bất đắc dĩ cho những kẻ “túng làm liều”.

Nhưng trên thực tế, nhiều tài xế dường như vẫn tỏ ra “khinh địch”.

Thứ nhất, nhiều khách bất ngờ khi tài xế Grab đón mình không chỉ đẹp trai, sáng sủa mà lại còn đi… SH. Có những tài xế tâm sự, thỉnh thoảng lấy xe “chạy cho vui” để kiếm người nói chuyện cho đỡ buồn. Nhưng họ đã bao giờ nghĩ, mình rất có thể trở thành “mồi” ngon cho kẻ xấu.

Thứ hai, không ít lần tôi và bạn gặp trường hợp tài xế Grab tắt app và bắt khách ngang đường. Không phải trích chiết khấu cho Grab nhưng hành vi này làm gia tăng rủi ro cho bản thân. Tài xế không biết mình đang chở ai, còn hệ thống định vị của Grab không biết lịch trình của xế và khách.

Thứ ba, nhiều tài xế Grab vì muốn “tăng ca” đã mượn tài khoản của người khác để chạy. Tôi đã từng ngỡ ngàng khi gọi Grab là một tài xế nữ, nhưng người gọi điện xác nhận khách lại là một nam giới. Đây là một trong những lỗ hổng đáng lo ngại để đơn vị chủ quản quản lý tài xế qua app.

Kẻ ác rồi sẽ phải trả giá, chỉ có người chết chẳng thể nào hồi sinh. Chỉ hi vọng rằng, những người làm nghề luôn nhớ, trước khi nhờ cậy đến người khác, mình phải tự bảo vệ mình.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Mộc Miên

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều