Tài xế công nghệ lại mất thêm tiền với mỗi cuốc xe từ ngày 5-12
Hiện mới có Grab và Baemin ra thông báo tới các đối tác tài xế về việc thay đổi chính sách thuế theo Nghị định 126. Theo tính toán, thu nhập của lái xe 2 bánh sẽ bị giảm 9,1%.
Những ngày qua, anh Chiến, tài xế xe ôm công nghệ sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội nghe thông tin từ hãng, rồi đồng nghiệp nói nhiều về việc thuế sắp tăng. Dù không hiểu bản chất, anh lo lắng thu nhập của mình sẽ giảm.
“Tiền kiếm được vốn đã ít vì giá cước rẻ, giờ thuế tăng nữa chắc tôi phải chạy thêm giờ. Không thì kiếm cái gì làm thêm, chứ hai đứa con ở nhà đang tuổi ăn tuổi học”, anh Chiến nói.
Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế có hiệu lực thi hành từ ngày 5/12 quy định mức thuế VAT với xe công nghệ là 10% trên doanh thu. Tuy nhiên, theo khảo sát của PV, hiện mới chỉ có Grab và Baemin ra thông báo tới các tài xế về việc thay đổi chính sách thuế.
Thu nhập tài xế xe 2 bánh giảm 9,1% vì thuế tăng
Đại diện Grab nói với PV đơn vị này sẽ tiến hành kê khai thuế VAT trên toàn bộ doanh thu hợp tác bằng cách khấu trừ ngay nghĩa vụ thuế VAT (thuế suất 10% hoặc theo hướng dẫn khác của cơ quan thuế tùy thời điểm) cho toàn bộ cuốc xe vận tải trước khi phân chia doanh thu theo hợp đồng cho tài xế với tỷ lệ 80%.
Ví dụ với một cuốc xe có giá cước 110.000 đồng, 100.000 đồng trong đó được xem là doanh thu hợp tác và 10.000 đồng còn lại là thuế suất 10% của doanh thu hợp tác. Sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế VAT (10.000 đồng), doanh thu chia sẻ sẽ còn 100.000 đồng, với 80.000 đồng được chia cho tài xế và 20.000 đồng cho Grab.
Với doanh thu cuốc xe là 110.000 đồng, tài xế sẽ nhận về 80.000 đồng, số tiền bị khấu trừ là 30.000 đồng. Tỷ lệ khấu trừ tính trên doanh thu cuốc xe từ ngày 5/12 đối với đối tác tài xế Grab sẽ tăng từ 20% lên 27,273% (gồm phí sử dụng ứng dụng 20% không thay đổi và 7,273% thuế VAT).
Ứng dụng giao đồ ăn Baemin cũng đã ra thông báo thay đổi chính sách thuế VAT từ ngày 5/12. Với mỗi đơn hàng thành công, Baemin sẽ khấu trừ 10% thuế VAT trên toàn bộ doanh thu vận chuyển, trước khi thu chiết khấu 20% và đối tác tài xế nhận về 80% trên phần còn lại.
Như vậy, nếu trước đây một cuốc xe giá 110.000 đồng, đối tác tài xế xe 2 bánh của Grab và Baemin (có thu nhập cả năm nhỏ hơn hoặc bằng 100 triệu đồng) nhận về 88.000 đồng thì nay chỉ còn 80.000 đồng, thu nhập giảm 9,1%. Dẫu vậy, cả Grab và Baemin đều chưa thông báo tăng giá cước.
Trong khi đó, đối với các đối tác tài xế GrabCar, từ 11h ngày 5/12, Grab sẽ khấu trừ thuế VAT 10%, thuế thu nhập cá nhân 1,5% và phí sử dụng ứng dụng (20% hoặc 25%, không thay đổi) trên mỗi chuyến xe. Mức khấu trừ trên mỗi chuyến xe sẽ tăng từ 23,6% lên 28,364% đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 20%, và tăng từ 28,375% lên 32,841% đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 25%.
Nếu trước đây một cuốc xe có giá cước 100.000 đồng, tài xế GrabCar chịu phí sử dụng ứng dụng 20% nhận về 76.400 đồng thì nay chỉ còn 71.636 đồng, thu nhập giảm khoảng 6,4%. Đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 25%, thu nhập từ cuốc xe 100.000 đồng giảm từ 71.625 đồng xuống còn 67.159 đồng.
Để đảm bảo mức thu nhập cho tài xế GrabCar sau khi Nghị định 126 có hiệu lực thực thi, đại diện Grab cho biết nền tảng đặt xe này đã phải tăng giá cước cơ bản các dịch vụ GrabCar.
Theo đó, giá cước tính theo km của GrabCar 4 chỗ và 7 chỗ khu vực Hà Nội và Bắc Ninh lần lượt tăng từ 8.500 đồng/km lên 9.500 đồng/km và 10.000 đồng/km lên 11.000 đồng/km; khu vực TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai tăng từ 9.000 đồng/km lên 9.500 đồng/km và 11.500 đồng/km lên 12.000 đồng/km.
Tiếp tục chờ thông tư hướng dẫn
Chưa phát đi thông báo về việc thay đổi chính sách thuế, đại diện Gojek cho biết đơn vị này đang tiếp tục trao đổi với các cơ quan chức năng để hiểu rõ các quy định có liên quan thuộc Nghị định 126.
“Chúng tôi đánh giá sẽ có sự điều chỉnh, tuy nhiên chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích tình hình nhằm đảm bảo kết quả tốt nhất. Chúng tôi sẽ thông báo tới các đối tác tài xế và khách hàng sau khi có các thông tin chi tiết hơn”, đại diện Gojek nói.
Tương tự, Be Group cũng chưa có thông báo thay đổi chính sách thuế theo Nghị định 126. Đại diện Be Group nói với PV đơn vị này đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực vận tải (giống như taxi) ngay từ ngày thành lập nên đã đóng thuế VAT 10% rồi, tức chi phí cuốc xe hiển thị trên ứng dụng đã bao gồm 10% thuế VAT.
Tuy nhiên, 10% thuế VAT Be Group đang đóng là theo phần doanh nghiệp nhận được trên mỗi cuốc xe, còn Nghị định 126 quy định thu thuế tính trên tổng doanh thu.
Be Group cho biết sẽ tiếp tục chờ đợi thông tư hướng dẫn cụ thể từ cơ quan chức năng, để có căn cứ chính xác thực hiện nghĩa vụ thuế và hỗ trợ các tài xế tuân thủ các quy định pháp luật.
Văn Hưng/ ZF