+
Aa
-
like
comment

Tại sao vụ án của ông Nguyễn Đức Chung phải được xét xử kín?

Thu An - 30/11/2020 16:56

Thông tin được công bố rộng rãi thì ngày 11/12 sắp tới, Tòa án Thành phố Hà Nội sẽ xét xử kín vụ án ông Nguyễn Đức Chung và 3 đồng phạm do liên quan đến các thông tin, tài liệu mật. Một số câu hỏi đặt ra, tại sao thông tin về quá trình phạm tội của ông Nguyễn Đức Chung và đồng phạm được công khai rộng rãi nhưng lại xử kín vụ án này?

Các trường hợp phải xét xử kín được quy định cụ thể tại Điều 25 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Theo đó, có 3 trường hợp được xét xử kín gồm:

Thứ nhất, nếu Tòa xét thấy cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục. Các vụ án điển hình cho trường hợp xét xử kín này xuất phát từ các vụ án liên quan đến Làm sai quy định nhà nước gây thất thoát ngân sách, tham nhũng,…..Vì nó liên quan đến việc giữ bí mật nhà nước.

Thứ hai, xét thấy phải bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi. Vì những vụ án này thường ảnh hưởng đến tâm lý của nạn nhân trong giai đoạn chưa phát triển về tinh thần.

Thứ ba, xuất phát từ quyền giữ kín bí mật đời tư của chính đương sự. Trong một số trường hợp, yêu cầu được xét xử kín cũng là căn cứ để Tòa xét xử kín vụ án.

Soi chiếu vào vụ án của ông Nguyễn Đức Chung sẽ thấy, Cựu Chủ tịch TP Hà Nội và Phạm Quang Dũng (nguyên cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu – C03, Bộ Công an) bị cáo buộc tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước theo Khoản 3 Điều 337 BLHS 2015. Mà theo thông tin được công bố rộng rãi, thì tài liệu bí mật ở đây là liên quan đến “Đại án Nhật Cường: Buôn lậu, trốn thuế, rửa tiền và gian lận”. Trong khi đó, mặc dù Đại án Nhật Cường đã bị khởi tố nhưng vụ án vẫn chưa bị đưa ra xét xử, do hiện nay, Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường – Bùi Quang Huy vẫn đang bỏ trốn. Chính vì vậy, vụ án của ông Nguyễn Đức Chung được xét xử kín là do thuộc trường hợp thứ nhất, giữ bí mật nhà nước. Bởi các tài liệu bị ông Chung và đồng bọn chiếm đoạt là tài liệu Mật của cơ quan Nhà nước, việc xét xử chắc chắn sẽ truy hỏi cặn kẽ các tài liệu này, thông tin trong các tài liệu. Vì vậy, nếu xét xử công khai sẽ là công khai luôn những tài liệu đó, sẽ mất đi “tính Mật” của tài liệu. Do đó, việc xét xử kín là phù hợp.

Không phải ngẫu nhiên mà pháp luật có quy định về việc xét xử kín trong một số trường hợp. Ngay tại Hiến Pháp cũng đã quy định rõ ràng về những trường hợp như vậy. Cụ thể tại Khoản 3 Điều 103 Hiến pháp 2013 có quy định: “Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án nhân dân có thể xét xử kín”.

Đồng ý việc xét xử công khai sẽ có tính giáo dục, răn đe và thu hút lực lượng đấu tranh phòng chống tội phạm công khai. Tuy nhiên, nếu việc xét xử công khai gây ảnh hưởng đến bí mật nhà nước hay bó mật đời tư của đương sự thì việc xét xử kín được đề ra là hợp lý. Đó là quyền của đương sự cũng như là nghĩa vụ của Nhà nước.

Bên cạnh đó, mặc dù quá trình xét xử kín nhưng việc tuyên án phải thực hiện CÔNG KHAI. Quy định về việc tuyên án này nhằm đảm bảo phán quyết của Tòa án phải được công khai để từ đó giúp nhân dân giám sát và kiểm tra tính khách quan, minh bạch của phán quyết. Và chắc chắn rằng sẽ có một bản án công tâm nhất dành cho ông Nguyễn Đức Chung bởi mọi thứ sẽ được công khai và minh bạch trước dư luận.

Thu An

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều