+
Aa
-
like
comment

Tại sao Việt Nam không yêu cầu Nhật Bản đền bù tội ác chiến tranh như Hàn Quốc?

Tifosi - 04/12/2020 15:00

Vấn đề đền bù tội ác chiến tranh trong những năm tháng Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên luôn là vấn đề nhạy cảm, gây ra rất nhiều tranh cãi và xung đột lợi ích, giữa hai người hàng xóm Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nhật Bản cũng từng chiếm đóng và gây ra nhiều tội ác chiến tranh tại Trung Quốc và Việt Nam. Những thiệt hại mà phía Trung Quốc và Việt Nam gánh chịu cũng không hề thua kém so với phía Hàn Quốc, nếu không muốn nói là hơn. Nhưng, thái độ của Việt Nam và Trung Quốc với Nhật Bản khác hoàn toàn thái độ của Hàn Quốc với Nhật Bản. Trong diễn đàn giao lưu văn hóa Việt Nhật, có khá nhiều người Nhật đặt ra câu hỏi: Tại sao Việt Nam và Trung Quốc không yêu cầu Nhật Bản đền bù tội ác chiến tranh, trong khi Hàn Quốc thì luôn luôn đòi hỏi?

Thực tế, theo Hiệp định cơ bản Hàn – Nhật và Hiệp định yêu sách Hàn – Nhật được kí năm 1965, Nhật Bản đã đền bù cho phía Hàn Quốc khoảng 300 triệu USD tiền mặt, cho vay ưu đãi khoảng 200 triệu USD và và thu xếp vốn, đào tạo nhân lực, hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật cho một số dự án tại Hàn Quốc. Trong Hiệp định yêu sách Hàn – Nhật có ghi rõ rằng “Cam kết giải quyết hoàn toàn và triệt để tài sản, quyền lợi, lợi ích của hai nước và nhân dân khi kí kết hiệp định..”. Ngoài ra, Hiệp định yêu sách Hàn – Nhật còn lấy căn cứ đòi bồi thường từ phía Hiệp ước hòa bình San Francisco – hiệp định mà Nhật Bản sẽ tiến hành bồi thường cho các nước Đồng Minh nhằm mục đích bình thường hóa quan hệ.

Tức là nếu xét đúng nghĩa ra, thì Nhật Bản đã hoàn tất dứt điểm các yêu cầu đòi đền bù từ phía Hàn Quốc thông qua hiệp định song phương và đa phương.

Tuy nhiên, những năm 2000, phía Hàn Quốc muốn lật lại hồ sơ chiến tranh, xoáy sâu vào tội ác chiến tranh của Nhật Bản tại bán đảo Triều Tiên và muốn phía Nhật Bản tiếp tục đền bù hậu quả chiến tranh. Phía Hàn Quốc lúc đó có động thái giống như kiểu: “Tôi biết, nhưng đền bù như thế là quá ít”.

Phía Hàn Quốc tiến hành “lách luật”, cho rằng Chính phủ Nhật Bản mới chỉ đền bù cho Chính phủ Hàn Quốc chứ chưa đền bù cho người dân Hàn Quốc. Các hiệp định, thỏa thuận về đền bù tội ác chiến tranh đều do hai bên Chính phủ thỏa thuận, ký kết và làm việc, còn người dân Hàn Quốc thì không được hưởng. Và rồi, nhiều công dân Hàn Quốc là nạn nhân của chiến tranh tiến hành khởi kiện các công ty Nhật Bản tại Hàn Quốc, yêu cầu đền bù. Phía Nhật Bản khó chịu ra mặt, các công ty Nhật Bản cũng không đồng tình, thì phía Tòa án Hàn Quốc ra phán quyết tịch thu tài sản của một số công ty Nhật tại Hàn Quốc.

Nhằm theo đuổi vụ kiện, phía Hàn Quốc thậm chí còn từ bỏ quyền chiến thắng, gỡ bỏ tư cách Hàn Quốc thuộc khối Đồng Minh tại Chiến tranh Thế giới thứ II. Tháng 8/2019, KBS dẫn nguồn tin từ một cán bộ ngoại giao Hàn Quốc cho rằng Hàn Quốc không phải là quốc gia thắng trận, không thuộc khối Đồng Minh, không tham gia vào Hiệp ước San Francisco. Rồi họ “lật kèo”, cho rằng Hiệp định yêu sách Hàn – Nhật thực chất chỉ giải quyết vấn đề công nợ của hai quốc gia.

Phía Nhật Bản muốn giải quyết vấn đề theo thông lệ quốc tế, mong muốn phía Hàn Quốc cử đại diện tham gia vào Ủy ban trọng tài quốc tế thì phía Hàn Quốc từ chối. Tháng 7/2019, phía Hàn Quốc khước từ và cho rằng phải do Tư pháp Hàn Quốc Hàn Quốc xử lý – nói trắng ra là Hàn Quốc phán như thế nào thì phía Nhật phải tuân theo.

Nhật Bản cũng từng đền bù cho Việt Nam, nhưng lại đền bù cho phía Việt Nam Cộng Hòa vì sức ép của Mỹ. Phía Nhật cho rằng nếu đền bù, họ phải đền cho phía Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa – tức là Bắc Việt, vì tội ác lớn nhất mà họ gây ra là nạn đói Ất Dậu diễn ra tại Bắc Bộ chứ không phải là ở miền Nam.

Lúc đầu, phía Quốc gia Việt Nam yêu cầu Nhật Bản bồi thường 2 tỷ USD nhưng phía Nhật Bản cho rằng số tiền đó là quá lớn và đối tượng đền bù là sai – vì một số thành viên nội các Nhật muốn đền bù cho phía Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1956, VNCH yêu cầu Nhật Bản đền bù 250 triệu USD, Nhật Bản không chịu. Do quá túng tiền, VNCH “mặc cả” số tiền đền bù xuống còn khoảng gần 40 triệu USD. Việc chốt kèo diễn ra, Nhật Bản sẽ xây nhà máy thủy điện Đa Nhim cho VNCH.

Năm 1973, sau khi kí Hiệp định Paris, Nhật thừa nhận có hai chính quyền ở Việt Nam. Họ cử một viên chức đại diện ngoại giao Nhật đến Hà Nội, mong muốn đề cập đến vấn đề bồi thường cho nạn nhân miền Bắc chết đói vào năm 1945. Phía Nhật khá là sòng phẳng khi luôn tâm niệm rằng, nếu đền bù, phải đền bù cho đúng.

Điều bất ngờ là chỉ mất vỏn vẹn 5 tháng, phía VNDCCH và Nhật Bản tiến hành xong các trao đổi về bồi thường. Theo đó, phía Nhật sẽ không phải bồi thường hậu quả chiến tranh, phía VNDCCH sẽ không khoét sâu vào tội ác chiến tranh. Nhật Bản sẽ viện trợ cho VNDCCH và ủng hộ công cuộc thống nhất của nhân dân Việt Nam.

Đầu tiên, phía VNDCCH mong muốn có thêm bạn bè và không muốn khoét sâu vào nỗi đau chiến tranh, còn Nhật Bản đang muốn gây dựng lại hình ảnh hòa bình, hợp tác. Phía VNDCH đề nghị phía Nhật Bản viện trợ nhân đạo thay vì đền bù tội ác chiến tranh, rõ ràng, cụm từ “viện trợ nhân đạo” có ý nghĩa ngoại giao rất lớn trong lúc cả hai đang gây dựng hình ảnh với thế giới.

Tính đến năm 1973, cũng đã trải qua gần 30 năm từ khi các tội ác chiến tranh xảy ra và nhiều người gây ra tội ác đã không còn nữa. Nhật Bản vừa là kẻ gây ra tội ác chiến tranh, nhưng cũng đồng thời là một nạn nhân. Việt Nam thấu hiểu Nhật Bản ở tư cách của một quốc gia bị chiến tranh tàn phá. Hai quốc gia nhất loạt khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Thực tế, Nhật Bản cũng rất thiện chí đền bù, họ luôn xác định rằng các nạn nhân của nạn đói đều ở miền Bắc và họ muốn đền bù cho Chính phủ VNDCCH – đại diện cho miền Bắc Việt Nam.

Đó là vì sao mà hai bên rất nhanh chóng đi đến các thỏa thuận dàn xếp khắc phục hậu quả chiến tranh. Việt Nam chính là quốc gia cuối cùng mà Nhật Bản tiến hành các đàm phán về việc khắc phục hậu quả chiến tranh. Và cũng là cuộc đàm phán nhanh nhất về vấn đề này. Cuộc đàn phám cuối cùng này đã tháo gỡ cái gông cùm “tội ác chiến tranh” cho Nhật Bản, nhưng cuối cùng, người Hàn lại mang nó trở lại.

Một phần nữa, khiến Việt Nam không lớn tiếng đòi hỏi đền bù như Hàn Quốc vì phúc lợi cho những nhóm người yếu thế, như thương binh, nạn nhân chiến tranh khá tốt. Tại Việt Nam, gần như không có các trường hợp kiện cáo liên quan đến phúc lợi xã hội thời kỳ chiến tranh xảy ra, nếu có, thì thường liên quan đến các vấn đề xác định đối tượng hơn. Còn phía Hàn Quốc thì có, chính vì che lấp đi những sai phạm, phía Hàn Quốc muốn chĩa mũi sang phía Nhật Bản.

Một yếu tố khiến người Việt không “đay nghiến” chuyện tội ác chiến tranh là xuất phát từ lịch sử.

Trong lịch sử, đặc biệt là thời phong kiến, Nhật Bản và Trung Quốc chưa bao giờ xem Hàn Quốc là một quốc gia ngang hàng, nếu không muốn nói là chư hầu, thuộc địa. Chính vì sự mặc cảm đó, nên Hàn Quốc duy trì một thái độ tương đối thù địch với Nhật Bản, họ muốn vượt Nhật Bản, muốn vượt qua khỏi tâm thế yếu kém trong quá khứ. Vì thế, họ chấp nhận đào sâu vào vấn đề tội ác chiến tranh, bắt ép Nhật Bản phải “nhận thua”.

Còn với Việt Nam, tâm thế khác hẳn. Trong lịch sử, Việt Nam khá “bướng”, mặc dù ở ngay dưới Trung Quốc, đánh nhau liên miên, lễ vật cho Trung Quốc khá nhiều, nhưng các triều đại Việt Nam vẫn duy trì một tâm thế độc lập, tự chủ. Tức là mặc áo long bào, có ấn tín riêng, không chấp nhận cử thái tử kế thừa đi học tại Trung Quốc, đi sứ Trung Quốc thì cứ thẳng tiến cổng chính mà bước vào… Còn với Nhật Bản, mối giao hảo trong quá khứ cũng tương đối lành, vì vốn hai quốc gia ở xa nhau. Và còn có lúc, Việt Nam gián tiếp giúp Nhật Bản thoát khỏi nhiều lần bị đe dọa chủ quyền lãnh thổ. Vệc năm lần bảy lượt đòi đền bù, rồi lôi nạn nhân ra mặc cả xem ra không được đúng cho lắm với cái tâm thế ngang bằng giữa Việt Nam và Nhật Bản, hay Việt Nam với Trung Quốc.

Việt Nam tuyên bố đứng về phe Đồng Minh và khối Đồng Minh đã thắng trận. Nhưng Việt Nam không hề đòi bồi thường hay lợi lộc gì cả, Việt Nam chỉ quan tâm đến đánh đuổi Nhật và có lại được nền hòa bình. Đó là vì sao, những khoản tiền đền bù đền không phải là mục tiêu tối thượng. Còn Hàn Quốc thì khác, họ sẵn sàng từ bỏ tâm thế “kẻ thắng trận” để theo đuổi vụ việc đòi đền bù.

Nhiều người sẽ bảo rằng: Nhật viện trợ ODA cho Việt Nam coi như là khắc phục hậu quả chiến tranh rồi. Điều đó sai bét, bản chất ODA từ Nhật Bản là nguồn tiền mà chúng ta phải đánh đổi bằng tài nguyên, bằng việc ưu đãi cho các quốc gia cung cấp vốn ODA hoặc sẽ phải trả trong tương lai. Nói thì vấn đề này thì dài, nhưng tóm gọn lại, chưa có bất cứ văn bản chính thức nào giữa hai quốc gia coi ODA là “đền bù hậu quả chiến tranh”.

Nhìn những nạn nhân của tội ác chiến tranh tại Hàn Quốc cầm băng rôn, đứng xếp hàng ở vỉa hè, biểu tình đòi kiện cáo ngày này qua tháng nọ. Mình liên tưởng đến một khả năng, nếu các mẹ Việt Nam anh hùng, các bác thương binh hay người thân của họ cũng làm như vậy, thì sẽ thế nào? Trước tiên, đó là lỗi của chúng ta, những thế hệ sau, đã không tròn trách nhiệm, nghĩa vụ với người đi trước. Sau đó, là cảm giác như kiểu đem sự thương đau ra nhắc đi nhắc lại vậy.

Hòa giải, không có nghĩa là lãng quên một cách vô tình hay cố ý những tội ác, xung đột trong quá khứ hay nỗ lực, mặc cả dựa để đạt được các quyền lợi kinh tế. Hòa giải, ở đây, là làm việc cùng nhau, đối diện với nhau, coi quá khứ như một bài học để hướng đến tương lai.

Tifosi

Bài mới
Đọc nhiều