+
Aa
-
like
comment

Tại sao Việt Nam không hợp pháp hóa mại dâm?

23/07/2020 18:59

Thái Lan duy trì những con phố đèn đỏ, nhiều nước trên thế giới như Hà Lan, Anh, Pháp, Canada, Thụy Điển,… hợp pháp hóa mại dâm. Gái “bán hoa” được coi như một nghề, được khám sức khỏe, được bảo vệ, tại sao Việt Nam lại không?

Không phải ở các nước phát triển có gì “mới lạ” là chúng ta cũng phải học theo bằng mọi giá. Ví dụ thì đơn giản, khi đại dịch mới bắt đầu, các nước phát triển thực hiện “miễn dịch cộng đồng” thay vì cách ly xã hội, coi đeo khẩu trang là hành vi vi phạm quyền tự do và rồi hệ quả là hàng trăm ngàn người nhiễm, hàng chục ngàn người thiệt mạng. Ở Hà Lan, người ta hợp pháp hóa cần sa, Việt Nam có nên hợp pháp hóa cần sa như Hà Lan không?

Thực tế đã chứng minh, các tiêu chuẩn xã hội ở các quốc gia phương Tây không thể áp dụng thành tiêu chuẩn xã hội chung của loài người, văn minh phương Tây khác hoàn toàn văn minh phương Đông. Có những điều bình thường ở phương Tây, nhưng lại là bất thường ở phương Đông, như quyền sở hữu và sử dụng súng đạn ở Mỹ chẳng hạn, chẳng có quốc gia phương Đông nào theo đuổi điều đó cả. Các nền văn hóa đều giao thoa với nhau, tác động lên nhau, những điều hợp lý sẽ được giữ lại, những điều bất hợp lý sẽ bị đào thải. Một nền văn hóa chấp nhận mọi thứ từ một nền văn hóa ngoại lai khác sẽ là một nền văn hóa vứt đi.

Hà Lan, Đan Mạch và Đức hợp pháp hóa mại dâm nhưng Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam lại không học theo điều đó. Nhật Bản là một ngoại lệ “thú vị” ở châu Á khi thừa nhận hợp pháp hóa các hoạt động khiêu dâm và cho phép các “ngành công nghiệp” giải trí liên quan đến các hoạt động tình dục được phép hoạt động. Việt Nam chấp nhận những điều từ nước ngoài để làm giàu cho văn hóa bản địa, trong những điều không chấp nhận, đó là mại dâm và việc hợp pháp hóa mại dâm.

Phố đèn đỏ Hà Lan từng khốn đốn vì khách đến đây chụp hình selfie.

Nên hợp pháp mại dâm. Bởi dù có cấm mại dâm thì nó vẫn diễn ra, thay vào đó, hợp pháp hóa thành một nghề và kiểm soát được nó sẽ tốt hơn?

Đánh lái một tý sang vấn đề buôn bán ma túy, ai cũng biết là luật pháp Việt Nam nghiêm cấm rất mạnh nhưng vẫn có rất nhiều người làm việc đó bất chấp tính mạng của mình, bất chấp pháp luật, bất chấp đến an nguy xã hội vì lợi nhuận thu được là quá lớn. Bán hàng nhái diễn ra hàng ngày, nhưng vì không quản lý được, vì thế nên hợp pháp bán hàng nhái đúng không? Vẫn tồn tại hàng trăm trang phim lậu, không dẹp được, vậy nên hợp pháp hóa luôn ngành “phim lậu” nhé? Dĩ nhiên, việc so sánh hoạt động mại dâm với các điều trên là khập khiễng. Nhưng vẫn để chứng tỏ một điều rằng, quan điểm “không quản lý được thì cho phép” là thiển cận và sai trái.

Điều sai lầm nhất ở đây, là việc “hô biến” những hành vi vi phạm trở thành những hành vi hợp pháp bằng quan điểm dễ dãi, thiếu hiểu biết, thiển cận của một đám đông. Thực tế xã hội chứng minh rằng, không thể tồn tại một xã hội không có những hành vi vi phạm các quy tắc đạo đức, ứng xử xã hội. Những hành vi sai trái vẫn tồn tại giữa xã hội và để ngăn chặn, hạn chế, giảm bớt đi những hành vi sai trái ấy thì phải cần đến luật pháp.

Hợp pháp hóa mại dâm sẽ giúp chúng ta kiểm soát mại dâm tốt hơn? Nhưng ở đây, luật pháp Việt Nam và xã hội Việt Nam coi mại dâm là tệ nạn xã hội. Mục tiêu cao nhất của pháp luật là loại trừ các hành vi sai trái chứ không phải là “thỏa thuận” với các hành vi sai trái. Và cũng cần phải chú ý rằng, các vấn đề xã hội quen thuộc hàng ngày, nóng hơn rất nhiều, được cả xã hội quan tâm như dạy thêm học thêm, trường chuyên lớp chọn, thực phẩm bẩn, tai nạn giao thông… vẫn còn chẳng thể giải quyết và kiểm soát chặt chẽ nổi, nữa là một vấn đề nhạy cảm như mại dâm.

Chưa hợp pháp hóa mà đã có rất nhiều phụ nữ đi vào con đường mại dâm rồi. Nếu hợp pháp thì liệu có kiểm soát nổi không?

Các cấp quản lý ở Việt Nam vẫn còn thiếu hiệu quả, quan liêu, bao cấp. Có dám chắc là khi hợp pháp mại dâm, “ngành” này sẽ được áp chế quản lý hiệu quả hay không? Nói sơ qua một chút, nếu chấp nhận “ngành” là một nghề, thì phải tổ chức huấn luyện, giáo dục, cấp phép, cấp chứng nhận hành nghề, tổ chức đóng bảo hiểm cho các “ngành”, không được phép ngăn cản người muốn vào “ngành”, rồi khám và chữa trị các bệnh xã hội cho cả khách và “ngành”. Rồi do đặc thù “ngành” phụ thuộc vào độ tuổi, hết lứa này thì lại phải có “lứa kế thừa”, từ đó nảy sinh thêm các vấn đề nóng khác liên quan đến buôn bán trẻ em, buôn bán phụ nữ, kỳ thị giới tính, xâm hại thân thể…

Rồi chuyện thu thuế từ các hoạt động mại dâm, thu được bao nhiêu? Rồi tiền thuế thu được có đủ bù đắp chữa trị cho các bệnh xã hội hay không? Có đủ tiền trả cho các hoạt động kiểm soát “ngành” không? Và lợi nhuận thu được từ các hoạt động mại dâm có đủ lớn để chúng ta chấp nhận đánh đổi hay không?

Rồi một ngày trong tương lai, khi con gái chúng ta lớn lên, chúng nó bày tỏ mong muốn vào “ngành”, thay vì làm những công việc chân chính cống hiến cho xã hội thì chúng ta sẽ nghĩ sao?

Vừa qua, chúng ta lên án những “sugar baby” – những người “không làm mà muốn có ăn”, những em gái mới vừa qua 18, những người sẵn sàng nhận tiền chu cấp hàng tháng và đổi lại là phục vụ tình dục cho những “sugar daddy”. Những bà mẹ, người vợ, các chị em có muốn chồng, cha, người yêu mình đi “phá đò” hay không? Dĩ nhiên, việc hợp pháp hóa mại dâm không đồng nghĩa với việc cho phép vi phạm quy định trong Luật Hôn nhân và Gia đình. Nhưng nó là mầm mống phá hoại những gia đình hạnh phúc, “gặm nhấm” tính tôn nghiêm của gia đình – vốn là “tế bào của xã hội”, làm cho một xã hội lụi bại.

Nhu cầu tình dục là nhu cầu bình thường, nhưng nó chỉ bình thường khi có tình yêu, xúc cảm hoặc thỏa thuận không có chữ “tiền” ở đây. Có “tiền”, tức là đã hình thành quan hệ mua dâm – bán dâm. Nhu cầu tình dục không phải là một nhu cầu quan trọng nhưng bắt buộc phải có càng không thể giải quyết bằng việc mua – bán dâm. Nói hợp pháp hóa mại dâm phục vụ nhu cầu tình dục là sai lầm, nhu cầu tình dục không thể đứng cùng với các nhu cầu thiết yếu khác như ăn, uống, giải trí lành mạnh được. Bây giờ, đi “phá đò” cũng được coi ngang với đi coi phim, đi mua sắm, rồi các anh, các chị ngông nghênh nói trước mặt gia đình, đồng nghiệp là vừa đi “phá đò” xong, coi có được không?

Một đề xuất liên quan đến việc cho phép hoạt động mại dâm nhằm phục vụ khách du lịch, mặc dù đề xuất này chỉ áp dụng phục vụ cho người nước ngoài, các “gái ngành” cũng là gái ngành nước ngoài. Mục đích của đề xuất này là tăng thu, đa dạng các loại hình du lịch, tăng lợi thế cạnh tranh.

Vậy những câu hỏi đặt ra thế này, các giá trị du lịch Việt đã khai thác hết hay chưa mà phải khai thác một giá trị “phi đạo đức” và vi phạm pháp luật như vậy? Thay vì tối ưu các giá trị truyền thống của du lịch Việt Nam như cảnh vật, văn hóa, đồ ăn… hay hoàn thiện cung cách phục vụ và nâng cấp cơ sở lưu trú thì chúng ta lại đi mở… nhà thổ. Và rồi những tuyến phố toàn nhà chứa xuất hiện một cách công khai, sẽ thế nào khi khách du lịch nước ngoài đến thủ đô “ngàn năm văn hiến”, đến “thành phố đáng sống nhất Việt Nam”, đến “thành phố ngàn hoa” chỉ thấy mại dâm và vì mại dâm.

Người Thái đang muốn dẹp đi, còn chúng ta thì lại vơ vào, hít lấy hít để. Người Hàn Quốc, người Trung Quốc vẫn lên án kịch liệt các hành vi bạo lực, cưỡng ép tình dục của lính Nhật nhắm vào phụ nữ hai quốc gia này. Người Hàn còn dựng tượng một người phụ nữ – biểu tượng cho các nạn nhân, ngay trước Đại sứ quán Nhật Bản để lên án vụ việc này. Rồi người Việt, cũng lên án những hành vi tình dục của lính Mỹ và gái gọi tại miền Nam vào trước năm 1975. Bây giờ, hợp pháp hóa mại dâm thì chúng ta sẽ phát triển bằng cách “đi lùi”, khuyến khích “kiếm tiền bằng mọi giá” và “kiếm tiền trên thân xác phụ nữ”.

Tifosi

Bài mới
Đọc nhiều