+
Aa
-
like
comment

Tại sao Việt Nam không bị đồng hóa sau 1.000 năm Bắc thuộc?

Hạ Băng - 30/05/2023 07:47

Trong lịch sử, các nền văn hóa yếu thường bị nền văn hóa mạnh đồng hóa. Thời cổ, Trung Quốc là quốc gia đông người nhất và có nền văn minh tiên tiến nhất châu Á. Nền văn hóa Hán ngữ của họ có sức đồng hóa rất mạnh. Tuy nhiên không phải nước nào cũng bị đồng hóa, đơn cử như Việt Nam!

Đồng hóa dân tộc chủ yếu diễn ra dưới hình thức đồng hóa văn hóa, trong đó chủ thể đồng hóa thường là một nền văn hóa mạnh và tiên tiến (như đông dân hơn, kinh tế phát triển hơn, đã có chữ viết, có các hệ tư tưởng), đối tượng đồng hóa thường là nền văn hóa yếu và lạc hậu hơn. Đồng hóa ngôn ngữ là công cụ đồng hóa văn hóa thông dụng nhất, quan trọng nhất, hiệu quả nhất. Một dân tộc bị mất tiếng nói mẹ đẻ của mình và phải nói tiếng của một dân tộc khác thì không còn giữ được bản sắc dân tộc nữa.

Ví dụ như dân tộc Hồi ở phía Tây Trung Quốc, ngày xưa dùng chữ A Rập, sau nhiều năm giao lưu với người Hán cũng toàn bộ dùng chữ Hán và nói tiếng Hán. Ngay cả các dân tộc nhỏ nhưng mạnh về quân sự, sau khi thôn tính và thống trị Trung Quốc được ít lâu cũng bị nền văn hóa Hán ngữ đồng hóa.

Các nước đế quốc thực dân sau khi chiếm thuộc địa đều cưỡng chế đồng hóa ngôn ngữ dân bản xứ, quá trình này diễn ra khá nhanh, nhìn chung sau 5-6 thế hệ (mỗi thế hệ 25 năm), tiếng nói của người bản xứ đã bị thay bằng ngôn ngữ của nước cai trị. Đầu thế kỷ XV, Brazil bị Bồ Đào Nha chiếm, chẳng bao lâu tiếng Bồ trở thành ngôn ngữ chính thức duy nhất của người Brazil. Nhiều thuộc địa Pháp ở châu Phi như Bénin, Togo, Sénegan… dùng tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính duy nhất. Năm 1918 nước ta bắt đầu dạy tiếng Pháp ở lớp cuối tiểu học, 10-20 năm sau toàn bộ học sinh trung học cơ sở trở lên đến trường đã chỉ nói tiếng Pháp, giáo viên chỉ giảng dạy bằng tiếng Pháp. Nếu cứ thế dăm chục năm nữa thì có lẽ Việt Nam đã trở thành nước nói tiếng Pháp.

Thế nhưng sau hơn 1.000 năm bị người Hán thống trị và cưỡng bức đồng hóa, dân tộc Việt Nam vẫn không bị Hán hóa, vẫn giữ nguyên được nòi giống, tiếng nói và phong tục tập quán.

Chính sách đồng hóa của Trung Quốc thời Bắc Thuộc

Đồng hóa thời Bắc Thuộc kéo dài, gắn liền với các cuộc di dân từ phương Bắc của người Hoa Hạ xuống đất Việt phương Nam. Quá trình di dân và đồng hóa có ảnh hưởng rất lớn tới đời sống chính trị, xã hội, và văn hóa Việt Nam.

Chính sách đồng hóa và di dân đối với người Việt được các triều đại phong kiến Trung Quốc thực hiện từ khá sớm. Trung Quốc tự cho mình là nước lớn, coi các dân tộc khác xung quanh là thấp kém, cần phải “giáo hóa” và gọi họ bằng những tên miệt thị như Man, Di, Nhung, Địch. Do tư tưởng tự tôn này, các triều đình Trung Quốc mang quân bành trướng, thôn tính các nước và dân tộc xung quanh.

Sau khi chiếm nước ta (203 tr.CN), Triệu Đà ép buộc dân Việt học Hán Ngữ, nhằm đồng hóa bằng ngôn ngữ. Sách “Việt Giám Thông Khảo Tổng Luận” do Lê Tung viết năm 1514 có đề cập việc họ Triệu mở trường dạy người Việt học chữ Hán.

Tới triều nhà Minh 1368 – 1644 (do xuất thân ở đất Ngô nên mới có bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi), họ còn tìm cách tiêu diệt nền văn hóa của ta, như tiêu hủy toàn bộ các thư tịch do người Việt viết, bắt nhân tài, thợ giỏi người Việt sang Trung Quốc phục dịch. Như vậy, Việt Nam buộc phải chấp nhận học chữ Hán từ rất sớm (trước Triều Tiên và Nhật nhiều thế kỷ).

Tuy nhiên, người Việt nhanh chóng nhận ra nếu cứ học như thế thì cuối cùng tiếng Việt sẽ bị thay bằng tiếng Hán, dân ta sẽ trở thành một bộ phận của Trung Quốc. Chính vì thế, Việt Nam chống đồng hóa bằng nhiều cách với một quyết tâm rất kiên cố. Nhận định về Việt Nam sau 1,000 năm Bắc Thuộc, sử gia Trần Trọng Kim nói: “Người Giao Châu ta có một cái nghị lực riêng và cái tính chất riêng để độc lập, chứ không chịu lẫn với nước Tàu.”

Cách Việt Nam dùng để chống đồng hóa

1. Đọc chữ Hán bằng tiếng Việt:

Để có thể học được chữ Hán mà không cần đọc âm tiếng Hán, tầng lớp tinh hoa của người Việt thời điểm ấy đã sáng tạo ra một giải pháp xuất phát từ ý tưởng: nếu người Hán khác vùng có thể tự đọc chữ Hán theo âm riêng của vùng, thì ta cũng có thể đọc chữ Hán theo âm riêng của người Việt.

Muốn vậy, mỗi chữ Hán được quy ước đọc bằng một (hoặc vài, tùy chữ Hán gốc) âm tiếng Việt xác định có gốc là âm chữ Hán – ngày nay gọi là âm Hán-Việt, nghĩa là mỗi chữ Hán đều được đặt cho một (hoặc vài) cái tên tiếng Việt xác định, gọi là từ Hán-Việt.

Thứ chữ Hán đọc bằng âm Hán-Việt này được dân ta gọi là chữ Nho. Vì đọc chữ bằng tiếng mẹ đẻ nên chữ Nho trở nên dễ học đối với người Việt: chỉ cần học mặt chữ, nghĩa chữ và cách viết văn chữ Hán mà không cần học phát âm cũng như học nghe/nói tiếng Hán. Người biết chữ Nho có thể xem hiểu các thư tịch chữ Hán, viết văn chữ Hán; tuy không nói/nghe được tiếng Hán nhưng vẫn có thể dùng bút đàm để giao tiếp bình thường với người Hán. Chỉ bằng bút đàm chữ Nho, Phan Bội Châu giao tiếp được với các nhà cải cách Trung Quốc và Nhật Bản, đưa được mấy trăm thanh niên Việt Nam sang Nhật học quân sự chính trị, chuẩn bị về nước đánh đuổi thực dân Pháp.

2. Giữ tiếng nói:

Biểu hiện rõ nhất của sự bảo tồn giống nòi chống đồng hóa là sự bảo tồn tiếng Việt. Tiếng nói là một thành tựu văn hóa, là một thành phần của văn hóa. Giặc phương Bắc chỉ tiêu diệt được chính quyền cai trị người Việt nhưng không tiêu diệt được tiếng Việt.

Ngoại trừ một nhóm người tham gia bộ máy cai trị của chính quyền phương Bắc tại Việt Nam học tiếng Hán, còn lại đa số người Việt vẫn sống theo cách sống riêng và duy trì tiếng nói của tổ tiên. Mấy nghìn năm sau, Phạm Quỳnh, một học giả lớn của dân tộc ta, tóm tắt bài học lịch sử này trong một câu nói rất chí lý: “Tiếng ta còn thì nước ta còn!”

3. Giữ phong tục:

Người phương Bắc đưa vào nhiều thứ lễ giáo của phương Bắc và điều đó có ảnh hưởng nhất định tới người Việt. Tuy nhiên, những nếp sinh hoạt truyền thống trong đời sống của người Việt vẫn được duy trì.

Sống trong ngàn năm Bắc Thuộc, người Việt thời đó vẫn không bỏ những phong tục như búi tóc, xăm mình, ăn trầu, chôn người chết trong quan tài hình thuyền hay thân cây khoét rỗng, nhuộm răng…

Có thể kết luận, dân tộc Việt Nam tồn tại được và không bị đồng hóa sau hơn 1.000 năm chịu sự thống trị của một quốc gia liền kề có nền văn hóa lớn mạnh là nhờ đã phát huy bản lĩnh trí tuệ. Qua đó đã vô hiệu hóa chủ trương đồng hóa ngôn ngữ của các triều đại phong kiến Trung Quốc là vậy.

Hạ Băng

Bài mới
Đọc nhiều