+
Aa
-
like
comment

Tại sao Ukraine cải tổ chính phủ?

Bích Ngân - 05/09/2024 15:15

Tổng thổng Zelensky cải tổ loạt vị trí quan trọng trong chính phủ, nhưng việc ông bổ nhiệm nhiều quan chức thân cận thay thế đang gây bất bình.

Quốc hội Ukraine hôm qua ngày 4/9 nhất trí bãi nhiệm Phó thủ tướng phụ trách hội nhập châu Âu Olha Stefanishyna, Bộ trưởng Công nghiệp Chiến lược Oleksandr Kamyshin, Bộ trưởng Tư pháp Denys Malyuska cùng Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Ruslan Strelets.

Tổng thống Volodymyr Zelensky kiểm tra việc xây dựng các công sự tại một địa điểm không được tiết lộ ở vùng Volyn, tây bắc Ukraine, hôm 30/7. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, các nghị sĩ đã không chấp thuận đơn xin từ chức của Vitaliy Koval, giám đốc Quỹ Tài sản Nhà nước, và Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng phụ trách tái hòa nhập các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng Iryna Vereshchuk, do không hội đủ đa số phiếu cần thiết.

Phiên bỏ phiếu bãi nhiệm Ngoại trưởng Dmytro Kuleba theo đơn xin từ chức của ông đã được “đình chỉ khẩn cấp”, nghị sĩ Yaroslav Zheleznyak cho biết, nhưng không nêu lý do.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố đây là một phần trong chiến dịch cải tổ chính phủ quy mô lớn mà ông coi là rất cần thiết để “tăng cường sức mạnh cho Ukraine vào từng thời kỳ khác nhau”.

Tuy nhiên, việc các nghị sĩ phản đối đơn từ chức của Phó thủ tướng Vereshchuk cùng giám đốc Quỹ Tài sản Nhà nước Koval, cũng như chưa xem xét bãi nhiệm Ngoại trưởng Kuleba cho thấy một đợt “sóng ngầm” đang xuất hiện trong nền chính trị Ukraine, trái ngược với ý chí của Tổng thống Zelensky.

Hàng loạt chính trị gia đối lập hàng đầu Ukraine đang cáo buộc Tổng thống Zelensky bổ nhiệm ngày càng nhiều đồng minh thân cận và những người trung thành với ông vào các vị trí quan trọng trong chính phủ nhằm củng cố quyền lực.

Đảng Đầy tớ của Nhân dân do ông Zelensky dẫn dắt đã giành được đa số phiếu tại quốc hội vào năm 2019, vì vậy ông có quyền thành lập chính phủ, cách chức, bổ nhiệm bất cứ vị trí nào mà ông cho là cần thiết.

Lệnh thiết quân luật, ban hành từ năm 2022, không lâu sau khi giao tranh với Nga bùng phát, cũng trao cho Tổng thống nhiều quyền hạn hơn, đồng thời khiến tổng tuyển cử bị trì hoãn, ngay cả khi ông Zelensky đã hết nhiệm kỳ vào tháng 5.

Bởi vậy, khi chiến dịch cải tổ chính phủ diễn ra với loạt bộ trưởng xin từ chức, một số đối thủ chính trị cho rằng Tổng thống Zelensky đang vượt quá thẩm quyền của mình.

“Tất cả hành động mà chính quyền hiện tại đang thực hiện đều cho thấy mong muốn tập trung quyền lực của Tổng thống”, Ivanna Klympush-Tsintsadze, nghị sĩ đảng đối lập Đoàn kết châu Âu, nói. “Làn sóng từ chức của các quan chức chính phủ cho thấy một cuộc khủng hoảng quản trị nghiêm trọng”.

Gương mặt khiến nhiều người bất ngờ trong làn sóng từ chức này là Ngoại trưởng Kuleba, người nộp đơn từ chức hôm 4/9 mà không nêu lý do. Ông Kuleba được coi là biểu tượng cho nỗ lực kêu gọi phương Tây tăng cường ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến với Nga.

Một cựu quan chức cấp cao Ukraine giấu tên cho biết Kuleba nhiều khả năng quyết định ra đi vì mâu thuẫn với Andriy Yermak, chánh văn phòng Tổng thống. “Mọi người đều biết họ có xung đột. Tôi thậm chí từng tận mắt chứng kiến”, người này tiết lộ.

“Nhờ vị trí của mình, Kuleba đã thiết lập được những mối liên hệ trực tiếp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock và nhiều người khác. Ngay cả khi ông ấy tuyệt đối trung thành, Văn phòng Tổng thống cũng không thể để những kênh liên lạc quan trọng như vậy vào tay một người mà họ không hoàn toàn chắc chắn là người của họ”, ông nói thêm.

Mặc dù Tổng thống Zelensky vẫn dựa vào tham vấn từ các quan chức cấp cao, việc giao tiếp giữa Kiev với Washington chủ yếu do văn phòng của ông chỉ đạo, cụ thể là Yermak. Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov cũng thân thiết với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và thường xuyên trao đổi với Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin.

Cả Yermak và Umerov tới nay vẫn giữ nguyên vị trí. Cả hai đều đã đến Washington vào tuần trước, gặp gỡ các quan chức cấp cao Mỹ.

Trong khi đó, các quan chức và cố vấn cho Tổng thống Zelensky nói với Politico rằng Ngoại trưởng Kuleba, mặc dù được nhiều người trên thế giới biết đến và thường xuyên xuất hiện trên truyền hình, đã không làm gì nhiều trong năm qua để thúc đẩy mối quan hệ giữa Kiev với Washington hay vị thế Ukraine trên trường quốc tế. Thay vào đó, ông chỉ đang quảng bá cho cuốn sách mới phát hành của mình.

Cả Yermak và Kuleba đề không trả lời đề nghị bình luận.

Một số quan chức chính phủ Ukraine thân cận với Tổng thống Zelensky và các nhà phân tích đã bác bỏ những lời chỉ trích và kêu gọi phe đối lập không nên kịch tính hóa các động thái nhân sự đã được lên kế hoạch từ lâu nhằm tăng sức mạnh cho chính quyền vốn đang kiệt quệ.

“Chúng ta hiện cần nguồn năng lượng mới và những bước đi mới này có liên quan đến việc củng cố nhà nước của chúng ta theo nhiều hướng khác nhau”, ông Zelensky phát biểu trong cuộc họp báo tại Kiev ngày 4/9.

Theo một quan chức Ukraine thân cận với Tổng thống, mục tiêu của cuộc cải tổ là tái cơ cấu chính phủ, tái bổ nhiệm một số bộ trưởng đã bị sa thải vào các vị trí khác và lấp đầy những ghế nội các đã bị bỏ trống từ lâu, như bộ trưởng về cơ sở hạ tầng, văn hóa, nông nghiệp…

“Phong cách điều hành của Tổng thống Zelensky là cải tổ chính phủ theo tình hình thực tế, để khiến họ năng động và hiệu quả hơn”, Volodymyr Fesenko, nhà phân tích chính trị tại Trung tâm Nghiên cứu Chính trị Penta, Ukraine, bình luận. “Hãy xem những gì mà nhà cải cách trẻ tuổi Oleksandr Kamyshin đã làm được, tiếp quản bộ công nghiệp chiến lược từ một cựu bộ trưởng kém hiệu quả và chỉ trong một năm khiến sản lượng vũ khí nội địa tăng gấp ba lần”.

“Bây giờ, Tổng thống Zelensky rất tín nhiệm Kamyshin và trở nên gần gũi với ông ấy hơn”, Fesenko nói. Một số nguồn tin cho hay Kamyshin nhiều khả năng sẽ được bổ nhiệm là phó chánh văn phòng Tổng thống, nơi ông tiếp tục giải quyết vấn đề vũ khí và cơ sở hạ tầng.

Mùa thu này sẽ là thời điểm cực kỳ nhạy cảm. Các thể chế nhà nước, trong đó có chính phủ và văn phòng tổng thống, phải được củng cố, lãnh đạo Ukraine cho biết trong một tuyên bố hôm 3/9.

Hôm qua ngày 4/9, David Arakhamia, lãnh đạo đảng Đầy tớ của Nhân dân cầm quyền, thông báo rằng các nghị sĩ đã họp để quyết định những vị trí mới.

Thứ trưởng Ngoại giao Andriy Sybiha, cựu phó chánh văn phòng tổng thống, sẽ thay thế Kuleba. Một phó chánh văn phòng Tổng thống khác là Oleksiy Kuleba sẽ trở thành phó thủ tướng kiêm bộ trưởng cơ sở hạ tầng và chính sách khu vực, trong khi cựu phó thủ tướng Stefanishyna sẽ được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tư pháp.

Mykola Tochytskyi, cũng là phó chánh văn phòng Tổng thống, sẽ trở thành Bộ trưởng Văn hóa và Chính sách thông tin mới nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống thông tin giả.

Herman Smetanin, giám đốc điều hành hiện tại của công ty vũ khí nhà nước Ukroboronprom, sẽ thay thế Kamyshin làm bộ trưởng các ngành công nghiệp chiến lược.

“Ukraine rất nhiều nhân tài. Tôi tin chúng ta phải lắng nghe lập trường của Tổng thống và xem ai là người mà ông ấy thấy thoải mái hơn khi làm việc cùng”, Oleksandr Merezhko, người đứng đầu ủy ban quan hệ đối ngoại tại quốc hội, nhấn mạnh.

“Không đúng khi nói rằng chỉ những người thân cận với Văn phòng Tổng thống mới được trao các vị trí hàng đầu trong chính phủ”, Merezhko lưu ý, đồng thời lấy ví dụ về Bộ trưởng Quốc phòng Umerov, người đến từ đảng Holos có khuynh hướng tự do, ủng hộ châu Âu.

“Tất nhiên, chúng ta có những hạn chế về quyền tự do và dân chủ trong thời chiến, như việc không tổ chức bầu cử, điều bị cấm bởi luật thiết quân luật”, nhà nghiên cứu chính trị Fesenko cho biết, nhưng khẳng định hệ thống mà Tổng thống Zelensky áp dụng cho đến nay đã giúp Ukraine chống đỡ chiến dịch của Nga và củng cố ủng hộ từ nước ngoài.

“Thật không may, không thể duy trì hoàn toàn nền dân chủ trong một cuộc xung đột như vậy”, ông nói thêm.

Nhưng lập luận đó không hoàn toàn thuyết phục được những người phản đối Tổng thống Zelensky ở trong nước. Họ vẫn cho rằng ông đã vượt quá giới hạn với động thái cải tổ mới nhất của mình và muốn có một chính phủ bao trùm hơn khi cuộc xung đột với Nga chưa có dấu hiệu chấm dứt.

“Chúng ta cần một chính phủ cứu rỗi vào thời điểm này, thậm chí không cần thống nhất”, Klympush-Tsintsadze nói. “Nhưng chúng tôi chỉ đồng ý hợp tác nếu chính phủ Ukraine quay trở lại với pháp quyền, vì ngay cả chiến sự cũng không thể là cái cớ”.

Ukraine từng đau đầu đối phó tình trạng tham nhũng và Washington đã nhiều lần kêu gọi Kiev hành động nhiều hơn để thẩm tra lý lịch quan chức và xử lý những hành vi thiếu thận trọng về chính trị và tài chính.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba phát biểu tại một cuộc họp báo ở Kiev ngày 21/5.

Yaroslav Zhelezhyak, nghị sĩ đảng Holos, đã chỉ trích việc thiếu những gương mặt mới trong chính quyền.

“Ông Zelensky nói rằng cần có năng lượng mới, nhưng bạn có nhận thấy rằng trong ‘trật tự tái lập vĩ đại’ này vẫn chưa có người mới nào xuất hiện không?”, Zhelezhyak đặt câu hỏi. “Tất cả thay đổi chỉ là sự luân chuyển giữa những người đã ở trong ‘vương quốc'”.

Hiện tại, các đồng minh phương Tây chưa công khai lên tiếng về nỗ lực cải tổ của Tổng thống Zelensky, mặc dù có một số lo ngại rằng động thái này có thể tạo ra ấn tượng lãnh đạo Ukraine đang cố nhồi nhét càng nhiều người trung thành với ông vào chính phủ càng tốt.

Tại Mỹ, các quan chức chính quyền tỏ ra thận trọng khi nói về cảm nhận của họ đối với những thay đổi đang diễn ra ở Ukraine.

“Có thể có lý do để lo ngại”, một quan chức Mỹ giấu tên nói.

Tuy nhiên, các nhà quan sát ở Kiev vẫn cho rằng xung đột là lý do chính đáng với những động thái có thể được nhìn nhận khác đi trong thời bình.

“Ngay cả với những lời chỉ trích về việc chánh văn phòng Tổng thống trở nên quá quyền lực, chúng tôi thấy các đối tác vẫn giúp đỡ chúng tôi, bởi họ hiểu tình hình của chúng tôi. Họ hiểu rằng Ukraine sẽ khởi động lại nền dân chủ ngay khi xung đột kết thúc và các cuộc bầu cử diễn ra”, nhà phân tích Fesenko cho biết.

Bích Ngân 

Bài mới
Đọc nhiều