Tại sao Trung Quốc rất muốn trục vớt xác tàu đắm ở biển Đông?
Mối quan tâm của Trung Quốc trong việc trục vớt các con tàu đắm ở Biển Đông không hoàn toàn bị thúc đẩy bởi sự tò mò về lịch sử.
Trung Quốc đã thành công trong việc chiếm ưu thế trong hoạt động tìm kiếm xác tàu đắm ở Biển Đông. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã tìm thấy nhiều xác tàu gần quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, Trung Quốc có xu hướng làm việc này một mình và từ chối hợp tác với các nhà khảo cổ nước ngoài, thậm chí còn xua đuổi và cáo buộc họ muốn phá huỷ bằng chứng về sự hiện diện lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông. Bằng cách duy trì kiểm soát các hoạt động trục vớt, Trung Quốc có thể kiểm soát các câu chuyện và diễn giải xung quanh các xác tàu đắm được phát hiện nhằm củng cố các yêu sách lãnh thổ của mình.
Bên cạnh việc củng cố chủ quyền lịch sử, khảo cổ học dưới nước còn mang lại cho Trung Quốc những lợi ích khác. Việc Trung Quốc sử dụng những công nghệ tiên tiến như tàu ngầm và sonar để khám phá biển sâu không chỉ hỗ trợ trong việc trục vớt các xác tàu đắm mà còn có thể sử dụng trong quân sự và các mục đích chiến lược. Các cuộc khảo sát sâu rộng về Biển Đông giúp hải quân Trung Quốc nắm vững đường hướng các vùng biển, trong khi những thông tin về nhiệt độ, dòng chảy và đáy biển hỗ trợ hoạt động của một số loại tàu như tàu ngầm hải quân.
Đầu tư vào công nghệ tiên tiến và chuyên môn trong lĩnh vực này thể hiện thành tựu khoa học và sức mạnh công nghệ của Trung Quốc, góp phần tạo nên uy tín quốc gia trên trường quốc tế.
Thêm vào đó, những hoạt động thăm dò biển sâu còn đem lại cho Trung Quốc những lợi ích kinh tế. Tàu ngầm nghiên cứu Dũng Sĩ Biển Sâu của Trung Quốc đã đóng vai trò quan trọng trong định vị và khai thác dầu, khí đốt và các khoáng sản có giá trị từ đáy biển, chẳng hạn như coban, đồng, mangan và niken.
Một lợi ích kinh tế khác mà Trung Quốc có thể có được từ việc trục vớt các xác tàu đắm ở Biển Đông, đó là những xác tàu đắm cùng với những kho báu, cổ vật, đồ sứ, vàng… có thể được bán đấu giá hoặc trưng bày trong bảo tàng, tạo ra doanh thu và nâng cao di sản văn hoá của Trung Quốc.
Mặc dù nhiều xác tàu đắm được tìm thấy trong khu vực thậm chí không phải của người Trung Quốc, sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực khảo cổ học dưới nước mang lại cho nước này lợi thế trong việc khám phá lịch sử đa văn hoá, phong phú của khu vực; đồng thời, như sự cảnh báo của nhiều chuyên gia, còn đem lại lợi thế cho Trung Quốc trong khả năng xuyên tạc quá khứ, định hình nhận thức công chúng bằng câu chuyện của riêng mình.
Bởi vậy, theo cảnh báo của nhiều nhà phân tích, không nên mặc nhiên chấp nhận những tuyên bố lịch sử của Trung Quốc, vì chúng có thể bị bóp méo phục vụ cho kịch bản nhận thức mà Trung Quốc mong muốn.
Hạ Băng (Theo The Economist)