Tại sao Trung Quốc không chấm dứt chính sách “Zero-Covid”
Hơn hai năm sau khi Covid-19 bùng phát, Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách “Zero-Covid”. Câu hỏi được đặt ra khi nào Trung Quốc sẽ chấm dứt chính sách Zero-Covid đang nóng hơn bao giờ hết trong bối cảnh nhiều cuộc biểu tình chống chính sách Covid nghiêm ngặt nổ ra gần đây. Đây cũng là nhận định mới nhất được đăng tải trên trang The Japan Times của Nhật Bản.
Không thể phá vỡ
Theo Japan Times, mặc dù các thị trường đã phản ứng sôi nổi, nhưng chính sách này sẽ không sớm biến mất do nó có liên quan đến nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Các nhà phân tích đã liên tục dự đoán sai về sự kết thúc sắp xảy ra của “Zero-Covid” vì họ nhìn chính sách từ quan điểm kinh tế hơn là quan điểm chính trị.
Tập Cận Bình đã sớm đưa ra một quyết định định mệnh trong đại dịch: Cá nhân ông nắm quyền kiểm soát cuộc chiến chống lại virus corona của Trung Quốc, chính trị hóa mạnh mẽ một vấn đề sức khỏe cộng đồng. Vào tháng 2 năm 2020, ông kêu gọi Trung Quốc tiến hành “chiến tranh nhân dân” chống lại “virus quỷ” lúc đó đang tàn phá thành phố Vũ Hán.
Bắc Kinh đã phát triển một “cuốn sách” trong những ngày đầu của đại dịch mà họ vẫn tiếp tục viết thêm những câu chuyện: Loại bỏ vi-rút khỏi cộng đồng bằng cách phong tỏa nghiêm ngặt, xét nghiệm bắt buộc quy mô lớn, giám sát người dân và hạn chế đi lại nghiêm ngặt. Kể từ khi được đặt tên là “Zero-Covid”, chiến lược này đã trở nên gắn bó chặt chẽ với tính hợp pháp chính trị của Tập – và do đó không thể bị tấn công như chính nhà lãnh đạo Trung Quốc này.
Không có dấu hiệu chấm dứt
Với việc phong tỏa nhanh chóng các thành phố khác nhau của Trung Quốc hiện đã trở thành thói quen, có thể dễ dàng bỏ qua thực tế rằng Trung Quốc đã ghi nhận ít hơn 60.000 trường hợp mắc COVID-19 từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2022, khi biến thể omicron siêu dễ lây lan cuối cùng đã “chọc thủng” hệ thống phòng thủ của quốc gia này.
Chính chuỗi chiến thắng kéo dài này — khi cuộc sống “bên trong” Trung Quốc tương đối bình thường so với nhiều quốc gia khác — đã khuyến khích Tập kiên trì gắn bó với Zero-Covid. Mặc dù con số 5.226 ca tử vong do COVID-19 của Trung Quốc có thể được thống kê chưa đầy đủ, nhưng con số này vẫn ở mức thấp so với tiêu chuẩn toàn cầu và là niềm tự hào đối với ông Tập cũng như nhiều người dân Trung Quốc.
Tại đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 20 gần đây, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh rằng Zero-Covid đã “đặt người dân và cuộc sống của họ lên trên tất cả”.
Lý do thứ hai, ông Tập Cận Bình không đề cập đến vắc-xin, vốn là công cụ được lựa chọn để chấm dứt giai đoạn khẩn cấp của đại dịch ở những nơi khác. Trung Quốc đã tiêm hai liều vắc xin nội địa cho khoảng 90% dân số, nhưng chỉ 57% được tiêm liều tăng cường. Hơn nữa, vắc-xin bất hoạt của Trung Quốc cung cấp khả năng bảo vệ kém hơn so với vắc-xin mRNA của nước ngoài. Trong khi Trung Quốc lại từ chối nhập khẩu vắc xin Moderna hoặc Pfizer-BioNTech.
Thứ ba, chính sách này thậm chí còn có vấn đề hơn từ góc độ sức khỏe cộng đồng. Bằng cách từ chối sống chung với virus, Trung Quốc đã phủ nhận người dân Trung Quốc gần như có bất kỳ khả năng miễn dịch tự nhiên nào được “ban tặng” từ việc lây nhiễm. Hơn nữa, gần 45% dân số vẫn chưa được tiêm liều tăng cường vắc xin. Điều đó có nghĩa là bất kỳ việc nới lỏng đáng kể các hạn chế nào cũng có thể dẫn đến sự gia tăng các ca bệnh nghiêm trọng, gây căng thẳng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe kém phát triển của Trung Quốc.
Một nghiên cứu bình duyệt của Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải được công bố trên tạp chí Nature vào tháng 5 cho biết việc từ bỏ Zero-Covid có thể dẫn đến hơn 112 triệu trường hợp có triệu chứng của COVID-19, 5 triệu ca nhập viện và 1,55 triệu ca tử vong. Nghiên cứu dự đoán rằng nhu cầu cao nhất của đơn vị chăm sóc đặc biệt sẽ đạt 15,6 lần so với công suất hiện có.
Không là vĩnh viễn
Zero-Covid sẽ không phải là vĩnh viễn, nhưng nó đang mở ra những thay đổi “biến chất” trong xã hội Trung Quốc.
Đầu tiên, việc Chủ tịch Tập Cận Bình tuân thủ chính sách này cho thấy mức độ mà ông sẵn sàng theo đuổi các mục tiêu chính trị mà phải trả giá bằng tăng trưởng kinh tế. Đặc tính này khiến ông khác biệt với tất cả những người tiền nhiệm kể từ khi Trung Quốc tiến hành cải cách kinh tế vào năm 1978.
“Chúng ta thà tạm thời ảnh hưởng một chút đến sự phát triển kinh tế, hơn là mạo hiểm gây tổn hại đến an toàn tính mạng và sức khỏe thể chất của mọi người, đặc biệt là người già và trẻ em,” ông Tập Cận Bình nói trong chuyến thăm Vũ Hán hồi tháng 6.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc từ chối cho phép sử dụng vắc-xin mRNA nước ngoài trừ khi các công ty đồng ý thành lập liên doanh trong nước và chia sẻ công nghệ độc quyền của họ — điều mà Bắc Kinh phải biết rằng họ sẽ không bao giờ làm như vậy — đã cản trở khả năng nước này chuyển hướng khỏi chính sách Zero Covid.
Cuối cùng, việc duy trì Zero-Covid báo hiệu niềm tin của Tập Cận Bình rằng Trung Quốc phải trở nên tự cung tự cấp hơn trong bối cảnh môi trường bên ngoài đầy thách thức chưa từng có. Bằng cách giảm bớt sự tiếp xúc của Trung Quốc với thế giới trong một thời gian dài, ông Tập Cận Bình đang chuẩn bị tinh thần cho đất nước trước những cuộc đấu tranh có thể xảy ra ở phía trước với đối thủ Hoa Kỳ và các đồng minh của họ.
Tại đại hội đảng, ông Tập Cận Bình đã đề cập một cách kín đáo về những cuộc khủng hoảng tiềm ẩn mà Trung Quốc có thể gặp phải. Ông kêu gọi các đại biểu sẵn sàng đối mặt với các biến cố “tê giác xám”, “thiên nga đen”, “chú ý hơn đến những nguy cơ tiềm ẩn, sẵn sàng cho những tình huống xấu nhất và sẵn sàng chống chọi với gió to, sóng dữ và cả cơn bão nguy hiểm.”
Theo The Japan Times, Trung Quốc gần đây đã điều chỉnh chính sách gây tranh cãi “Zero-Covid” nhằm tìm cách dập tắt các ca nhiễm virus corona, nới lỏng các lệnh cấm bay và thời gian cách ly. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn sẽ kiên định với chính sách đã đề ra và khẳng định rằng Zero Covid là cách tiếp cận đúng đắn cho quốc gia tỷ dân, do đó sẽ không có gì thay đổi.
Tuệ Ngô (Theo Japan Times)