+
Aa
-
like
comment

Tại sao tôi không trở về Việt Nam lúc này?

20/03/2020 14:14

Nhân việc người Việt về nước từ các “tâm dịch” Covid-19, trong đó có một số trường hợp làm loạn tại sân bay, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch bệnh của đất nước. Cánh Cò xin mạn phép trích nguyên văn tâm sự của một nữ công dân Việt Nam có tên Thanh Hường đang sinh sống và làm việc ở Ý. Cô ấy quyết định không về nước dù tình hình dịch Covid-19 ở nước này đang rất phức tạp.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở Ý, nhiều người Việt trở về nước nhưng cũng có người chọn cách ở lại.

“Mọi người hỏi tại sao tôi không về Việt Nam? Italy những ngày này khiến cả thế giới lo ngại vì những con số người dương tính với Covid-19 mỗi ngày tăng cả vài nghìn người, số ca tử vong thì mỗi ngày gần 400 ca. Nếu nhìn vào con số ấy ai cũng cảm thấy lo ngại, và có phần hoảng sợ. Trong tình hình ấy, không chỉ gia đình, người thân, bạn bè ở VN nhắn tin bảo tôi về nước đi cho an toàn, mà thậm chí những bạn quốc tế bên ngoài nước Ý cũng nhắn tin nói tôi về đi, đừng tiếc công việc, VN an toàn, quan trọng là sức khỏe và mạng sống abc… Rất cảm động trước chân tình của mọi người.

Lý do vì sao tôi chưa về Việt Nam? Đó là vì:

Thứ nhất, ở thành phố tôi sống vẫn an toàn, thành phố miền trung nước Ý, cách Rome tầm 50-60km, với hơn 60.000 dân, theo thông báo chính thức của chính quyền là 5 ca dương tính. Và phần lớn chúng tôi ở trong nhà theo lệnh của Chính phủ Ý, chỉ ra ngoài trong những trường hợp thật cần thiết.

Thứ 2, bản thân tôi là “người trẻ”, nhóm tuổi cần được bảo vệ nhiều hơn là người già và trẻ em, hoặc những người có bệnh nền.

Thứ 3, tôi đang khỏe mạnh và tôi không hề muốn mạo hiểm sức khỏe của mình để rời khỏi nhà, vật vã ở các sân bay 2 ngày trời, ngồi trên máy bay với vài trăm người trong mười mấy tiếng đồng hồ, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay đó chính là những nơi có nguy cơ khiến tôi trở thành người bệnh.

Thứ 4, tôi không muốn trở thành gánh nặng cho quê hương tôi, 14 ngày cách ly, cơm ăn miễn phí có, người phục vụ có… tôi đã làm gì để đáng được hưởng đặc ân này! Tôi đi làm và đóng thuế cho chính phủ Ý (dù mới chỉ 2 năm nay), bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội của tôi tại Ý, mặc dù trước đó tôi đã có 8 năm làm việc đóng thuế ở Việt Nam, nhưng thời điểm này nếu tôi trở về vẫn chính là thêm một phần gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Chia sẻ trên trang cá nhân của Thanh Hường.

Điều tôi muốn nói ở đây là, các bạn kiều bào, các du học sinh, nếu thành phố của các bạn vẫn an toàn, bản thân các bạn đang khỏe mạnh, đừng ồ ạt kéo nhau ra sân bay, đó có thể chính là nơi nguy cơ lây bệnh cho các bạn. Hơn nữa, bản thân tôi thấy cách truyền thông của báo chí Việt Nam đang gây ra một làn sóng di cư từ Châu Âu, Mỹ và các nước trở về nước nhà.

Chúng ta cần nhớ lại rằng cuộc chạy loạn của người Vũ Hán, người miền bắc nước Ý trước giờ phong tỏa chính là nguyên nhân lây lan dịch bệnh khắp nơi, và làn sóng trở về Việt Nam sẽ mang bao nhiêu nguồn bệnh trở về?

Nước Ý đã thông qua ngân sách hơn 660 nghìn tỷ để đối phó với dịch Covid-19, Nước ta còn nghèo, đồng bằng sông Cửu Long đang hạn hán nặng, nhân dân miền tây đứng trước nguy cơ đói và khát, chúng ta mỗi người nên bình tĩnh và suy nghĩ cho đại cuộc chung.

Chính phủ và báo chí cũng nên có những đối sách hợp lý hơn cho “cuộc chiến chống Covid-19″ còn kéo dài”.

Chia sẻ của Thanh Hường rất đáng để mỗi người dân Việt Nam đang ở nước ngoài và kể cả trong nước phải suy ngẫm về trách nhiệm với chính bản thân, cộng đồng và Tổ quốc.

Người Ý làm gì trong thời gian ngồi nhà cách ly?

“Người Ý làm gì trong thời gian ngồi nhà cách ly?” có lẽ cũng là vấn đề nhiều người tò mò. Theo thông tin được biết, văn hóa Ý cũng có nét tương đồng với Việt Nam ở điểm trọng tình cảm gia đình. Bố mẹ, con cái, anh chị em có tình cảm và quan hệ mật thiết. Nhưng khác với Việt Nam ở chỗ con cái sau khi lập gia đình sẽ không sống chung với bố mẹ. Tuy nhiên, con cái và bố mẹ vẫn qua lại thăm nhau thường xuyên: bố mẹ tới nhà con cái để giúp con chăm sóc các cháu, cuối tuần con cái tập trung ở nhà bố mẹ trong một bữa trưa đầm ấm.

Bảo tàng ở Ý đóng cửa và phun thuốc sát trùng.

Chính vì vậy mà trong thời điểm cách ly hoàn toàn này, người già là thế hệ bị ảnh hưởng tinh thần nhiều nhất. Không rành công nghệ, không có cuộc sống ảo trên mạng như thế hệ trẻ, họ cô đơn trong nhà với nỗi lo sợ không biết thần chết Corona sẽ đến gõ cửa lúc nào. Và thế là “tình làng nghĩa xóm” đã phát huy tác dụng, một ý tưởng được nảy sinh: Bữa trưa trên ban công. Tất cả các gia đình vào giờ nhất định, cùng dọn bữa trưa trên ban công và vui vẻ ăn uống cùng nhau.

Tiếp đến là thế hệ thanh niên, ở độ tuổi này họ có nhu cầu gặp gỡ với bạn bè cùng trang lứa rất lớn nên việc giao lưu trên ban công cùng hàng xóm gần như không có tác dụng. Tiệc sinh nhật, tiệc tốt nghiệp Đại học… giờ làm sao mà tổ chức? Vậy là các bữa tiệc online ra đời. Họ gặp nhau bằng App HouseParty.

Các công ty viễn thông đang hỗ trợ miễn phí cho người dân Internet không giới hạn để họ có thể ở gần nhau hơn trong lúc này.

Tất cả những người còn lại luôn có nhiều cách để lấp đầy khoảng trống của thời gian cũng như của tâm hồn mình: đọc sách, chơi game, tập thể dục tại nhà, bố mẹ chơi đùa cùng con trẻ… Họ nói với nhau: “Ngoài các biện pháp phòng tránh lây nhiễm thì chúng ta có thể làm gì? Lo sợ hay lạc quan? Tôi không chọn lo sợ bởi vì điều đó nguy hiểm không kém gì Coronavirus”.

Người Việt trở về từ các nước “tâm dịch”

Theo số liệu từ cơ quan quản lý hàng không, tính đến ngày 18/08, đã có gần 7000 người Việt về nước từ “tâm dịch” Covid-19, trong đó có 1.095 người từ châu Âu và 5.700 người từ khu vực ASEAN. Trong số 1.095 khách trở về từ châu Âu có 999 khách là người Việt, 96 khách nước ngoài không lưu trú tại khu vực Schengen và Anh.

Sự trở về của lượng lớn người Việt diễn ra trong bối cảnh châu Âu đang bị dịch bệnh Covid-19 “truy quét”, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí đóng cửa biên giới của toàn khối trong 30 ngày để ngăn virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) lây lan.

Đối với 999 khách Việt Nam, có tới 325 khách về từ Anh, Pháp và Đức. Đây là 3 quốc gia mà dịch Covid-19 đang bùng phát dữ dội. Số khách Việt còn lại đi trên những chuyến bay không xuất phát từ vùng dịch nhưng có tỷ lệ lớn khách nối chuyến từ châu Âu.

Hành khách trở về Việt Nam từ vùng dịch Covid-19 những ngày này rất đông.

Cũng trong ngày 18/3, dự kiến có 5.711 khách từ ASEAN về Việt Nam trên 78 chuyến bay. Cụ thể, sân bay Nội Bài đón 22 chuyến với 1.623 khách; sân bay Đà Nẵng đón 7 chuyến, 342 khách; sân bay Cam Ranh đón 2 chuyến, 220 khách; sân bay Liên Khương đón 2 chuyến, 159 khách; sân bay Tân Sơn Nhất đón 43 chuyến với 3.159 khách; sân bay Cần Thơ và Phú Quốc chỉ đón 1 chuyến với số khách tương ứng là 129 và 79 khách.

Ngày 17/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngoài các trường hợp nhập cảnh được cách ly tập trung hiện nay, thực hiện việc cách ly tập trung đối với người nhập cảnh từ Mỹ, các nước châu Âu, các nước ASEAN; đồng thời thực hiện việc cách ly, giám sát y tế tại gia đình, doanh nghiệp, cơ sở lưu trú, giám sát theo nhóm đối với các đối tượng không thuộc diện cách ly tập trung.

Bắt đầu từ 0h ngày 18/3, Việt Nam tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh trong thời gian 30 ngày; quyết định này không áp dụng đối với người nhập cảnh vì mục đích ngoại giao, công vụ.

Các trường hợp được miễn thị thực hoặc có Giấy miễn thị thực cấp cho người gốc Việt và thân nhân, một số trường hợp đặc biệt khác khi nhập cảnh phải có Giấy xác nhận không dương tính với Covid-19 do cơ quan có thẩm quyền nước sở tại cấp và Giấy này được Việt Nam chấp thuận.

Các trường hợp nhập cảnh phải qua kiểm tra và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp theo đúng quy định, tiếp tục hạn chế tối đa các chuyến bay từ vùng dịch đến Việt Nam.

Hạ Trắng (TH)

Bài mới
Đọc nhiều