+
Aa
-
like
comment

Tại sao phải “thí điểm” lãnh đạo đi xe máy, xe buýt mà không tuyên dương?

04/10/2019 17:17

Vừa tiết kiệm ngân sách vừa giảm ách tắc giao thông, việc lãnh đạo đi xe máy, xe buýt tại sao phải thí điểm? Nếu thực tâm vì đất nước vì nhân dân, lãnh đạo từ cấp bộ trở xuống nên trả lại nhà nước quyền được sử dụng xe công đưa đón hằng ngày.

Cả nước có tới 39.425 chiếc xe công với chi phí bình quân 320 triệu đồng/chiếc mỗi năm. Cả nước tốn 13.000-14.000 tỉ mỗi năm “nuôi xe”, tức là tương đương số thu ngân sách trong 1 năm của nhiều tỉnh như Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Bắc Kạn, Hà Giang… cộng lại. Chưa kể tới 25,5 ngàn tỉ chi phí mua sắm số xe công này.

Không phải là Chính phủ không biết điều đó, 30% tức là một con số mục tiêu rất cụ thể. Chính Thủ tướng là người đã nêu gương khi từ chối mua xe mới. Đề án khoán xe công cũng đã được đặt ra. Thời sự nhất là Thủ tướng đã ban hành quyết định 213 Chương trình tổng thể thực hành tiết kiệm chống lãng phí với mục tiêu 2020 sẽ giảm 30% số lượng xe công.

Xe công hiện cũng đang là gánh nặng cho ngân sách nhà nước
Xe công hiện cũng đang là gánh nặng cho ngân sách nhà nước

Nhưng trong một báo cáo gửi Quốc hội vào hồi tháng 5/2018 về tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2017 cho biết, năm 2017, số ô tô công tăng do mua mới, tiếp nhận là 2.604 chiếc, với tổng nguyên giá 2.265 tỷ đồng. Trong đó số xe mua mới là 1.081 chiếc, giá trị 1.030 tỷ đồng. Như vậy, dù thực hiện khoán xe công từ năm 2016 nhưng đến năm 2017, số lượng xe công vẫn không giảm là bao nhiều, thậm chí ngân sách vẫn phải chi ra để mua xe mới.

Thực tế, vẫn còn quá nhiều bất cập trong quản lý xe công như tình trạng lạm dụng xe công, bất chấp các quy định hiện hành vẫn diễn ra thường xuyên tại nhiều địa phương như việc xe công đưa đón người không đủ tiêu chuẩn, xe công đi dự tiệc cưới, lễ hội, xe công vào tận sân bay đón người nhà lãnh đạo Bộ… Bởi vấn đề lớn nhất của xe công không phải là trang bị xe mà là sử dụng như thế nào? Đối tượng và mục đích sử dụng có đúng quy định hay không?

Còn nhớ, vụ việc ông Trần Hồng Quảng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình – thường đi làm trên chiếc ô tô có 2 biển số xanh, trong đó có một chiếc mang biển kiểm soát 80B. Hay vụ xe biển xanh chở người đi Cần Thơ ăn tiệc thôi nôi cháu Bí thư huyện ở Hậu Giang, các cá nhân và tập thể liên quan đã phải tổ chức kiểm điểm trước cấp ủy.
Hai vụ việc này đã tạo nên cơn bão dư luận, việc lạm dụng xe công vào việc tư để ra oai, cho oách của các cán bộ không những gây lãng phí cho đất nước mà còn làm cho khoảng cách giữa cán bộ và nhân dân ngày càng xa hơn.

Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/8, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (đoàn Hậu Giang) đặt vấn đề, để tiết kiệm ngân sách, ùn tắc giao thông, đặc biệt để thực hiện trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu của các cấp, các ngành, nên thực hiện theo mô hình “Chủ tịch tỉnh đi xe máy, Bộ trưởng đi xe buýt, Giám đốc Sở, ngành đi xe đạp”.

Nữ đại biểu đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ GTVT có nên thực hiện theo mô hình này và nếu thực hiện có giảm ách tắc giao thông không? Giải pháp nào để thực hiện khi hạ tầng giao thông không đồng bộ và rất yếu kém như hiện nay?

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể hoan nghênh sáng kiến của đại biểu Thuỷ, ông cho biết, đây là đề xuất để Bộ nghiên cứu.

“Tôi nghĩ đề xuất này là một trong những đề xuất để chúng tôi nghiên cứu. Nhưng nếu đoàn ĐBQH, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang xung phong thì chúng tôi xin chọn Hậu Giang có thể làm nơi thí điểm việc Chủ tịch đi xe máy, cán bộ đi xe đạp và những cán bộ Trung ương đến địa bàn thì đi xe buýt.

Nếu mô hình ở Hậu Giang tốt thì chúng ta nghiên cứu nhân rộng, chứ không thể nào áp dụng đại trà ngay được”, ông Thể cho hay.

Báo chí trước đó ghi nhận trường hợp của một lãnh đạo đã dùng xe máy để đến công sở. Đó là Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương.

xe-cong-2

Ông Dương cho biết, việc này ông và các cán bộ đã thực hiện cả chục năm qua và trở thành thói quen như chuyện thường ngày. Riêng ông đã tự chạy xe máy đến chỗ làm từ khi ông còn làm Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp.

“Thời tiết mát mẻ thì đi xe máy thích hơn. Đặc biệt, khi đi xe máy, mình muốn ghé, đỗ xe chỗ nào cũng được. Và đi xe máy giúp tôi cũng như nhiều anh em khác dễ quan sát xung quanh. Có khi gặp rác thải, biển hiệu giao thông bị hư… là chụp hình gửi cho cán bộ quản lý để xử lý ngay” – ông Dương cho hay.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương

Ngoài ra, ông Dương cũng cho biết, khi đi xe máy, ông có thể dễ dàng vào các khu dân cư, nhìn cuộc sống của bà con; bà con có việc bức xúc, phiền hà về cán bộ, thủ tục hành chính… là gọi ngay ông lại để trình bày. “Có việc giải quyết ngay tại chỗ cho bà con, có việc chuyển nhanh đến bộ phận liên quan, giải quyết cho người dân”, ông Dương chia sẻ
Việc lãnh đạo ngồi trong xe ô tô công đưa đón mất nhiều hơn được. Ở trong chiếc xế hộp di động ấy, bị che kính màu, cách âm, người lãnh đạo không còn biết gì đến cuộc sống bên ngoài; ngả lưng vào ghế mềm nệm êm, lim dim mắt trong tiếng nhạc du dương thì làm sao còn cảm nhận được cái xù xì, cái gai góc của cuộc sống đời thường.

Một quy trình khép kín: Ở cơ quan ngồi trong phòng lạnh, rời cơ quan bịt bùng trong xế hộp, về nhà kín cổng cao tường; chỉ còn mỗi kênh tiếp xúc gián tiếp với thế giới bên ngoài qua… báo cáo đã bị khúc xạ đi rất nhiều của cấp dưới. Biết là mất nhiều hơn được nhưng mấy ai dũng cảm từ bỏ vì suy cho cùng vẫn là “đặc quyền đặc lợi”.

Muốn con số 30% tiết giảm xe công được thực hiện thì phải “căng thước dây trách nhiệm” ra, phải giảm được số lượng cán bộ có tiêu chuẩn xe công.

“Thả tim” cho mấy chữ “tiết kiệm một ít” tiền thuế của dân rất khiêm tốn, rất đáng trân trọng của những vị lãnh đạo Đồng Tháp. Nhưng mười mấy ngàn tỉ mỗi năm chi phí xe công trên cả nước hoàn toàn không ít, nếu thói quen “xe biển xanh” không ít phổ biến- không thể từ bỏ được.

Nếu thực tâm vì đất nước vì nhân dân, lãnh đạo từ cấp bộ trở xuống nên trả lại nhà nước quyền được sử dụng xe công đưa đón hằng ngày. Tôi tin nếu làm được như vậy, các vị sẽ hiểu hơn, đồng cảm và chia sẻ với cuộc sống còn kham khổ của người dân hơn từ đó mà giành tâm huyết, trí tuệ lo cho dân, cho nước đặng thực hiện được lời dạy của Bác mà chẳng cần phải hô hào suông: “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”.

Phạm Minh Hà

Bài mới
Đọc nhiều