Tại sao Mỹ cố gắng đánh giá Nga đang suy yếu?
Theo chuyên gia Mỹ, Nga có ít thứ để mất hơn so với các cường quốc đang lên. Do đó, Nga vẫn là một mối đe dọa tiềm tàng đối với Mỹ.
Nga “suy giảm” trong mắt Mỹ
Nhà khoa học chính trị người Mỹ Joseph Nye gần đây có bài viết phân tích về “sự suy giảm” của nước Nga, đồng thời cho rằng Moscow chỉ có thể là một “kẻ phá bĩnh” quốc tế. Chuyên gia người Mỹ khẳng định đằng sau những thành công của Nga là một nước Nga “đang suy tàn”.
Một dẫn chứng được Nye nêu ra là vào năm 1959, nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev tuyên bố Liên Xô sẽ vượt Mỹ vào năm 1970 hoặc năm 1980.
Thế nhưng, thay vào đó, năm 1991, Liên Xô đã sụp đổ, khiến cho nước Nga bị thu hẹp lại, bằng 3/4 lãnh thổ của Liên Xô, một nửa dân số, một nửa nền kinh tế và 1/3 nhân viên quân sự.
Về kinh tế, Nye cho biết GDP của Nga chỉ là 1,7 nghìn tỷ USD, so với 21 nghìn tỷ USD của Mỹ. Năm 1989, kinh tế của Liên Xô gấp đôi Trung Quốc nhưng ngày nay, GDP của Nga bằng 1/7 của Trung Quốc.
Hơn nữa, Nga phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu năng lượng, các sản phẩm công nghệ cao chỉ chiếm 11% các mặt hàng sản xuất xuất khẩu (so với 19% của Mỹ).
Về “sức mạnh mềm”, nhà khoa học chính trị Mỹ dù thừa nhận ngôn ngữ, lịch sử và di cư lao động mang lại cho Nga một số sức mạnh mềm ở bên ngoài gần nước Nga, song thực tế rất ít người nước ngoài xem phim Nga và không có trường đại học nào của Nga nằm trong danh sách 100 trường đại học hàng đầu thế giới.
Bên cạnh đó, Nye cũng đánh giá thấp thể chế trính trị, chính sách kinh tế, hệ thống y tế công và tuổi thọ trung bình của người Nga (72 tuổi, thấp hơn 5 tuổi so với châu Âu).
Chuyên gia này dẫn ý kiến của các nhà nhân khẩu học Liên hợp quốc dự đoán dân số của Nga có thể sẽ giảm từ 145 triệu người xuống còn 121 triệu người vào giữa thế kỷ này.
Chuyên gia Mỹ cho rằng Nga đã nỗ lực vạch ra kế hoạch giải quyết những vấn đề trên nhưng hầu như không được thực hiện và việc hiện đại hóa đất nước trở nên khó khăn.
Đánh giá về Tổng thống Nga Vladimir Putin, Nye nhận định nhà lãnh đạo Nga rất thành công trong việc khôi phục sự hiện diện của Nga trên sân khấu thế giới, nhưng ông không phải là một chiến lược gia khéo léo giải quyết các vấn đề dài hạn của đất nước.
Trong bối cảnh bị phương Tây cô lập, Nga đang tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Tuy vậy, chuyên gia Mỹ cũng nêu ra những rào cản của mối quan hệ này bất chấp những tuyên bố quyết tâm từ Moscow và Bắc Kinh. Tổng thống Putin từng tuyên bố Trung Quốc là “đối tác chiến lược chủ chốt của chúng ta”.
Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Putin là “đồng nghiệp và là người bạn tốt nhất của tôi”.
Theo Nye, trong quan hệ Nga-Trung có những trở ngại nghiêm trọng vượt ra ngoài sự phối hợp chiến thuật, nhất là sự ngờ vực giữa hai bên. Nhân đây, chuyên gia này cũng “khơi” lại lịch sử cho rằng trong thế kỷ 19, không quốc gia nào chiếm đất từ Trung Quốc nhiều hơn Nga.
Trong khi đó, tình hình nhân khẩu học ở vùng Viễn Đông của Nga hiện nay lại đáng lo ngại khi Nga có 6 triệu người, còn dân số của Trung Quốc lên tới 120 triệu người ở khu vực này.
Nga-Trung tiếp tục tăng cường quan hệ trên nhiều mặt, song Nga chỉ đứng thứ 10 trong số các thị trường xuất khẩu của Trung Quốc. Nye dẫn lại thông tin của The Economist cho biết Nga lo lắng trở thành đối tác cấp thấp khi phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc.
Chuyên gia Mỹ cũng trích phát biểu của chuyên gia Feng Yujun thuộc trường Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải tuyên bố: “Mối quan hệ quan trọng nhất đối với chúng ta là mối quan hệ với Mỹ. Chúng ta không muốn nhắc lại sai lầm của Stalin và Mao Trạch Đông”.
Người Mỹ đang ngầm sợ Nga?
Sau khi nêu ra những “bằng chứng” về sự “suy giảm” của Nga, nhà khoa học chính trị Mỹ cảnh báo: “Quyền lực suy giảm không có nghĩa rủi ro sẽ ít hơn, giống như liên minh Áo-Hung năm 1914”. Theo chuyên gia này, Nga có ít thứ để mất hơn so với các cường quốc đang lên.
Do đó, Nga vẫn là một mối đe dọa tiềm tàng đối với Mỹ, chủ yếu là do Moscow có đủ lên lửa và đầu đạn hạt nhân để phá hủy nước Mỹ. Sự suy giảm tương đối khiến Nga không muốn từ bỏ vị thế hạt nhân của mình.
Nhận định tiếp theo của Nye: “Ngay cả một nước Nga đang suy giảm cũng sở hữu rất nhiều nhà khoa học, kỹ sư lành nghệ và dân số có học thức và nguồn tài nguyên thiên nhiên rộng lớn”.
Chuyên gia này nhấn mạnh thêm rằng, với sức mạnh hạt nhân, dầu mỏ và khí đốt, kỹ năng trong công nghệ điều khiển học, vị trí địa lý gần châu Âu và khả năng liên minh với Trung Quốc, Nga có khả năng sẽ gây ra các vấn đề cho Mỹ.
Do đó, Mỹ sẽ cần phát triển một chiến lược nghiêm túc đối với Nga, thứ mà hiện nay nước này còn thiếu.
Trong khi đó, một bài viết khác trên trang The Hill của Mỹ cũng chung nhận định Nga đang đối mặt với hàng loạt thách thức trong nước, suy giảm dân số…nhưng đồng thời thừa nhận việc Nga “vẫn tiếp tục được hưởng lợi từ nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và lực lượng lao động có tay nghề cao, và đang chứng minh khả năng vươn lên mạnh mẽ bất chấp những khó khăn mà nước này phải đối mặt”.
Ngoài ra, Nga vẫn duy trì các năng lực quân sự truyền thống vốn có thể thách thức cả quân đội Mỹ. Mặc dù một số đánh giá cho thấy chi tiêu quốc phòng thường niên của Nga là 64 tỷ USD song các phân tích khác ước tính con số này vào khoảng 150-180 tỷ USD dựa trên sức mua tương đương.
Giới phân tích Mỹ cũng nhận thấy Nga có khả năng tận dụng những biến động trên trường quốc tế, cả về kinh tế, chính trị và quân sự để gia tăng tầm ảnh hưởng của mình trên phạm vi toàn cầu.
Ví dụ, Nga đã tái khẳng định vai trò thống trị về quân sự ở khu vực Biển Đen, đang gây ảnh hưởng ở Trung Đông, châu Phi, qua đó làm “SUY GIẢM” tầm ảnh hưởng của Mỹ và châu Âu.
Đáng chú ý, người Mỹ nêu lên cái gọi là “chiến tranh thế hệ mới” của Nga nhằm thúc đẩy các mục tiêu chính sách đối ngoại và chiến lược nhằm làm suy yếu các đối thủ trên toàn cầu.
Moscow thay đổi tính toán quân sự, từ việc triển khai lực lượng đến thực địa đến thực hiện chiến lược tấn công mạng và các hoạt động gây ảnh hưởng nhằm hủy hoại đối thủ.
Theo giới phân tích Mỹ, “học thuyết” này dựa trên ý tưởng rằng các cuộc chiến tranh thế hệ mới với “át chủ bài” là chiến tranh thông tin và chiến tranh tâm lý… giúp giảm thiểu sự cần thiết phải triển khai sức mạnh quân sự “cứng”.
Giáo sư Timothy Snyder thuộc Đại học Yale của Mỹ cho rằng nguyên tắc chiến lược trong chính sách đối ngoại của Nga là Nga có thể trở nên mạnh mẽ hơn chỉ bằng cách làm các nước khác yếu thế hơn hoặc có sức mạnh ngang bằng Nga.
Chưa bàn về tính chính xác trong những đánh giá và “bằng chứng” nêu trên, nhưng cách nhìn nhận về cái gọi là “sự suy giảm” của Nga cho thấy người Mỹ đang cảm thấy bất an.
Thêm vào đó, việc thừa nhận các nguồn lực to lớn của Nga và việc Moscow đủ sức vượt qua nghịch cảnh trước sự bao vây cô lập của phương Tây đồng nghĩa với sự thán phục của các chuyên gia Mỹ, dù nó được thể hiện bằng ngôn ngữ chê bai và mỉa mai.
Phải chăng người Mỹ đang cố gắng che đậy sự sợ hãi, tự trấn an mình bằng những lý lẽ không có gì mới?
Đông Triều/DVO