+
Aa
-
like
comment

Tại sao lại kỳ thị người Đà Nẵng và người từ Đà Nẵng trở về?

Hải Anh - 31/07/2020 18:15

Sau khi ca nhiễm Covid-19 dương tính bùng phát trở lại ở Đà Nẵng, đã xuất hiện tình trạng tránh né, kỳ thị người từ Đà Nẵng trở về như đợt dịch trước. Nhưng nhiều người có thấu rằng sự kỳ thị, xa lánh ấy đã khiến nhiều người không dám đối diện, thậm chí giấu bệnh, không khai báo.

Đà Nẵng phát hiện ca nhiễm dịch trong cộng đồng đầu tiên và giống như đợt dịch trước ở Vĩnh Phúc phát hiện ổ dịch, rất nhiều người dân Vĩnh Phúc đã phải chịu sự kỳ thị; hay khi Hà Nội có ổ dịch lớn ở Bệnh viện Bạch Mai và lúc này đây tình trạng ấy lại tái diễn khi nhiều người du lịch, làm việc từ Đà Nẵng trở về ở một số nơi cũng phải chịu sự soi mói, xa lánh thậm chí là bị dùng những lời lẽ cay nghiệt.

Tình trạng ấy lại tái diễn khi nhiều người du lịch, làm việc từ Đà Nẵng trở về ở một số nơi cũng phải chịu sự soi mói, xa lánh thậm chí là bị dùng những lời lẽ cay nghiệt.

Còn nhớ khi Chính phủ tuyên bố tình trạng “bình thường mới”, thì người dân mới trở lại các hoạt động dân sinh thường nhật. Và du lịch nội địa là một sinh hoạt bình thường của nhân dân, không chỉ để nghỉ mát, giải trí, tham quan, mà còn đóng góp thiết thực vào việc mau chóng phục hồi, vực dậy ngành du lịch. Việc làm đó rất đáng hoan nghênh và khuyến khích. Nhưng sao chúng ta lại đem giọng trách cứ, xa lánh họ chỉ vì họ mới từ Đà Nẵng trở về. Nhiều người còn vô tình chửi rủa rằng “Sao không ở lại Đà Nẵng luôn đi về lây bệnh à”? “Tránh xa nó ra nếu không muốn bị dính virus”? Chúng ta hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh của họ xem, khi chúng ta nói ra những lời cay nghiệt ấy, họ sẽ buồn và tổn thương như thế nào?

Điều may mắn là lúc này đây Việt Nam vẫn đang kiểm soát được làn sóng dịch bệnh bùng phát trở lại. Tuy nhiên, đây chưa phải là thời điểm đỉnh dịch. Khi bước vào giai đoạn đó, sự kỳ thị này nếu vẫn còn duy trì sẽ gây ra những tác hại không nhỏ. Dịch bệnh khiến cộng đồng lo lắng, hoang mang, đây là điều không khó hiểu.

Sự kỳ thị có thể khiến người ta dễ dấu triệu chứng hoặc dấu bệnh hơn, khiến họ không tìm được sự chăm sóc y tế tức thì, và cản trở áp dụng các hành vi giữ gìn sức khỏe. Điều này có nghĩa là sự kỳ thị có thể khiến việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh bùng phát còn khó khăn hơn.

Hơn nữa, sự kỳ thị có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất, cảm xúc và tâm thần của các nhóm người bị kỳ thị và cộng đồng nơi họ sinh sống. Những người bị kỳ thị có thể bị cô lập, trầm cảm, lo âu hoặc bị bêu xấu ở nơi công cộng.

Và, việc vì lo sợ bệnh tật đến mức kỳ thị đã đẩy thực trạng này lên một mức mới, đó là khủng hoảng niềm tin. Khi ấy, sự kỳ thị có thể đi đôi với những hành động không thể kiểm soát được.

Thực tế, người dân Việt Nam biết lo lắng, cảnh giác với dịch bệnh là điều rất tốt, là phản xạ tự nhiên của con người tuy nhiên cái gì thái quá cũng phản tác dụng. Người nhiễm bệnh, người nghi nhiễm, người đi qua vùng dịch cũng chỉ là nạn nhân. Thay vì bị kỳ thị, họ xứng đáng được động viên, chia sẻ. Có như vậy, chúng ta mới có thể cùng nhau vượt qua được những thời khắc khó khăn như cách mà nước ta đã vượt qua đợt dịch vừa rồi. Họ cần lắm một phác đồ điều trị khoa học và cần hơn cả là sự động viên, an ủi, chia sẻ của cộng đồng để đương đầu với bệnh tật chứ không phải là sự xa lánh, phân biệt đối xử, kỳ thị, đẩy vào hố sâu tuyệt vọng. Lúc này, đoàn kết bên nhau, áp dụng triệt để các biện pháp phòng, chống dịch mới bảo đảm việc dập dịch thành công.

Thay vì bị kỳ thị, họ xứng đáng được động viên, chia sẻ.

Việc ngăn chặn sự kỳ thị là rất quan trọng để giúp tất cả các cộng đồng và thành viên trong cộng đồng được an toàn và mạnh khỏe hơn. Mọi người đều có thể chung tay chặn đứng kỳ thị liên quan tới Covid-19 bằng cách hiểu rõ sự thật, chia sẻ chúng với người khác trong cộng đồng của mình.

Một hành trình chống giặc Covid-19 mới lại bắt đầu. Chúng ta – nhân dân Việt Nam lại vang lên câu khẩu hiệu: “Chống dịch như chống giặc!”. Covid-19 đợt trước đi qua để lại cho chúng ta bài học của sự kỉ luật và đoàn kết. Giờ đây là lúc chúng ta rút kinh nghiệm và phát huy, toàn dân ta sẽ cùng nhau đoàn kết trong cơn bĩ cực vì dịch bệnh đã nối đuôi nhau ập tới.

Điều đáng sợ ở đây là virus chứ không phải là người Đà Nẵng hay người từ Đà Nẵng trở về. Sự kỳ thị cá nhân chỉ làm tổn hại những nỗ lực dập dịch, khiến mọi người quay lưng lại với nhau. Chỉ có đoàn kết mới giúp chúng ta chiến thắng dịch bệnh, chỉ có niềm tin vào Chính phủ vào Bộ Y tế mới khiến dịch bệnh bị đẩy lùi. Chúng ta hãy bình bĩnh, tỉnh táo để không bị tâm lý sợ hãi lấn át, điều khiển sang trạng thái tâm lý tiêu cực, kỳ thị. Thậm chí kỳ thị ngay cả đội ngũ y bác sỹ đang ở tuyến đầu chống dịch- những người đang là tấm lá chắn bảo vệ sức khoẻ cho cả cộng đồng.

Hải Anh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều