Tại sao Hàn Quốc ‘vỡ trận’ với virus corona?
Với số ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tăng hơn 65 lần chỉ trong 10 ngày (tính đến sáng 28-2), nhiều người tự hỏi chuyện gì đã xảy ra ở Hàn Quốc để dẫn đến tình hình rối loạn như hiện nay?
Hàn Quốc chỉ có 28 ca nhiễm COVID-19 tính đến ngày 13-2, tức cách đây mới nửa tháng.
Bốn ngày trôi qua mà không xuất hiện thêm ca nhiễm nào, Tổng thống Moon Jae In đăng đàn dự báo dịch “sẽ tự biến mất sớm”, trong khi Thủ tướng Chung Sye-kyun trấn an người dân “ra đường khỏi cần mang khẩu trang”.
Bây giờ thì thế giới đã biết vào thời điểm đó, virus corona mới – tên khoa học SARS-CoV-2 – đã xuất hiện ở thành phố Daegu và âm thầm lây lan trong cộng đồng một giáo phái.
Chớp mắt đến sáng 28-2, Hàn Quốc đã là ổ dịch lớn nhất bên ngoài Trung Quốc với 2.022 ca nhiễm và 13 người chết. Đến 15h cùng ngày, Hàn Quốc tiếp tục cập nhật số ca nhiễm mới: thêm 315 ca, nâng tổng số người nhiễm lên 2.337 ca.
Chậm đóng cửa biên giới với Trung Quốc
Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) ngày 26-2 đưa tin Hàn Quốc đã xác nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở nước này là một phụ nữ Trung Quốc đến từ thành phố Vũ Hán – nơi đầu tiên bùng phát dịch bệnh do virus corona chủng mới (COVID-19). Ca nhiễm đầu tiên này được ghi nhận vào ngày 20-1.
Tổng thống Moon Jae In đang nhận lãnh hậu quả vì dự báo sai về dịch bệnh, mỗi ngày trôi qua đối với ông là một quả núi khác đè lên khi số ca nhiễm COVID-19 tăng chóng mặt, chỉ riêng ngày thứ năm 27-2 là 505 ca mới.
Chính giới Hàn Quốc không tiếc lời chỉ trích ông Moon vì cách xử lý cuộc khủng hoảng sai lầm, cụ thể là chậm trễ trong việc đóng cửa biên giới với Trung Quốc và không cung cấp đủ khẩu trang phòng bệnh cho người dân.
Không kể áp lực từ phe đối lập, hơn 1 triệu người đã ký tên vào bản kiến nghị trên mạng yêu cầu luận tội nhà lãnh đạo Hàn Quốc.
“Nếu dịch bệnh không chấm dứt sớm, phe cầm quyền sẽ hứng thảm họa trong cuộc bầu cử sắp tới. Chính phủ hiện tại vẫn còn loay hoay trong chuyện nên làm gì, làm ra sao và kết nối với người dân thế nào giữa lúc dịch bệnh thế này”, ông Ahn Byong Jin, nhà chính trị của Đại học Kyung Hee, bình luận.
Nhà phân tích Choe Sang Hun của báo New York Times nhận xét mọi phương án đều phức tạp đối với Hàn Quốc. Con virus corona bùng lên từ Trung Quốc, trong khi nền kinh tế Hàn lại phụ thuộc nhiều vào người láng giềng.
Cũng vì thế mà chính phủ Tổng thống Moon Jae In đã do dự trước quyết định cấm dân Trung Quốc đại lục nhập cảnh, thậm chí sau khi 40 quốc gia trong đó có Mỹ, Triều Tiên đã làm. Seoul chỉ cấm mỗi dân Trung Quốc đến từ tâm dịch Hồ Bắc.
Giới chỉ trích cho rằng chính thái độ thiếu dứt khoát đó đã giúp virus dễ lây lan bám rễ ở Hàn Quốc, phá hoại thêm cơ hội phục hồi kinh tế vốn đã ảm đạm.
Trong bài xã luận đăng ngày 26-2, tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc thậm chí nói thẳng rằng “chống dịch mà không cấm người Trung Quốc nhập cảnh chẳng khác nào bắt muỗi trong lúc cửa sổ còn mở”.
Tâm thế chủ quan
Ngoài chuyện không cấm biên với Trung Quốc, Chính phủ Hàn Quốc cũng hứng chỉ trích vì thái độ chủ quan trước dịch bệnh.
Người ta phát hiện các thành viên của giáo phái Tân Thiên Địa ở Daegu đã bắt đầu bộc phát triệu chứng bệnh COVID-19 trong khoảng ngày 7 đến 10-2, vài ngày trước khi Tổng thống Moon khẳng định khủng hoảng đã trôi qua.
Các tín đồ tiếp tục bình thản đến nhà thờ ngày chủ nhật, làm vung vãi virus trong một môi trường chật hẹp tập trung đến hàng trăm người.
Khi đó chính quyền liên tục trấn an người dân rằng họ không cần phải hủy các sự kiện đông người. Một nghị viên tên Lee In Young còn hối thúc người dân “nhanh chóng trở lại cuộc sống thường nhật”.
Nngày 13-2, khi Tổng thống Moon nói “mọi thứ đã ổn”, Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) lại đưa ra thông điệp tương phản, cảnh báo rằng “vẫn còn quá sớm để nói dịch bệnh đã ổn”.
“Chúng ta chỉ có thể nói vậy khi số bệnh nhân ở Trung Quốc giảm mạnh và nguy cơ virus xâm nhập vào Hàn Quốc từ đó giảm theo. Chúng ta phải tiếp tục cảnh giác”, ông Jung Eun Kyeong, giám đốc KCDC, nói trước các phóng viên cũng trong ngày 13-2.
Rõ ràng KCDC đã đúng. Sự lạc quan của Seoul nhanh chóng tan biến sau khi một phụ nữ 61 tuổi, thành viên Tân Thiên Địa, xét nghiệm dương tính với virus corona (bệnh nhân số 31). Kể từ lúc đó, số ca nhiễm tăng vọt mỗi ngày, đôi khi là gấp 2 hoặc gấp 3 so với hôm trước.
Không rút kinh nghiệm
Những gì xảy ra hôm nay cho thấy ông Moon Jae In đã quên mất bài học xử lý khủng hoảng của người tiền nhiệm Park Geun Hye. Năm 2015, khi dịch Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS) xảy ra ở Hàn Quốc, ông Moon khi đó trong vai trò thủ lĩnh đối lập đã gọi cuộc khủng hoảng là “thảm họa gây ra bởi một chính phủ bất lực” (của bà Park).
Dịch MERS ở Hàn Quốc dừng lại ở 186 bệnh nhân, 38 người chết.
Bài học để lại từ ngày đó là lý do những ngày qua ngành y tế Hàn Quốc đẩy mạnh xét nghiệm và cách ly người bệnh, kiểm tra hơn 10.000 người mỗi ngày. Số ca nhiễm tăng nhanh một phần cũng do động thái này.
Tỉ lệ tử vong của COVID-19 thấp hơn MERS nhưng lại dễ lây hơn. Giữa lúc dịch lan rộng, việc dân Hàn mất niềm tin vào chính phủ càng khiến tình hình xấu thêm, đơn giản vì một quốc gia có ngăn được dịch hay không phụ thuộc nhiều vào ý thức và sự hợp tác của người dân.
Tương tự Trung Quốc, Hàn Quốc đang ở vào thế khó. Trước sự đã rồi, chính quyền một mặt kêu gọi người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, rửa tay…, họ vẫn phải cố giữ cho nền kinh tế vận hành tối đa.
Đây là bài toán cân bằng không dễ dàng, một quyết định sai lầm sẽ dẫn đến những hậu quả lớn không thua gì Daegu.
Mới đây, cơn giận của người Hàn lại bùng lên sau khi họ nghe tin một vài thành phố Trung Quốc bắt đầu cách ly người Hàn ở sân bay, trong khi Hàn Quốc không làm điều này với dân Trung Quốc.
“Những gì chúng ta chứng kiến đến nay là sự thất bại toàn tập của hệ thống phòng dịch. Lý do lớn nhất của thất bại này là việc chính phủ đã phớt lờ nguyên tắc cơ bản nhất của phòng dịch: ngăn chặn nguồn phát tán”, ông Choi Dae Zip, chủ tịch Hội Y khoa Hàn Quốc, đề cập đến lời kêu gọi cấm người Trung Quốc nhập cảnh do tổ chức ông đưa ra trước đó.
PHÚC LONG/TT