+
Aa
-
like
comment

Tại sao Hà Nội không đề xuất cấm ô tô mà lại cấm xe máy?

08/12/2021 15:24

Nhiều người băn khoăn nếu cấm xe máy thì không biết họ đi làm bằng phương tiện gì? Trong khi đó chuyên gia lo ngại việc giao thông công cộng không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Hà Nội dự kiến cấm xe máy vào nội đô tại một số tuyến đường từ năm 2025 – Ảnh: PHẠM TUẤN

Mới đây, Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội đã giao đơn vị liên quan nghiên cứu theo hướng sau năm 2025 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ vành đai 3 và đường Trường Sa, Hoàng Sa, quốc lộ 5 vào trung tâm TP.

Giới chuyên gia lo ngại tính khả thi của đề án, còn người dân cho rằng sẽ “không biết đi làm bằng phương tiện gì” nếu cấm xe máy.

Đi làm phải bắt 3 tuyến buýt

Làm bảo vệ tại một quán cà phê trên đường Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy), hằng ngày ông Nguyễn Đình Long (ngụ xã Đồng Quang, Quốc Oai) đều tới chỗ làm bằng xe máy.

Ông Long cho rằng với bản thân mình, việc đi lại bằng xe máy cơ động và tiện lợi hơn rất nhiều so với đi xe buýt, chưa kể những hôm làm ca muộn, xe buýt dừng hoạt động sẽ không có phương tiện để đi về nhà.

“Nhà tôi ở Quốc Oai, đi tới chỗ làm hơn 20km, xe máy gần như là phương tiện di chuyển duy nhất, bây giờ nếu cấm xe máy thì tôi đi lại bằng cái gì? Nếu đi xe buýt, tôi phải bắt 3 tuyến, đợi chờ rất mất thời gian. Ngoài ra từ nhà tôi để đi ra được nơi có bến xe buýt phải cũng phải di chuyển hơn 1km”, ông Long cho hay.

Theo ông Long, TP Hà Nội cấm xe máy vào năm 2025 sẽ ảnh hưởng rất lớn tới người dân, đặc biệt là những người ở ngoại thành, hằng ngày phải vào nội đô làm việc.

“Giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu”

TS Nguyễn Xuân Thủy – Ảnh: TUẤN PHÙNG

Trao đổi với PV, tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy – nguyên giám đốc Nhà xuất bản Giao Thông Vận Tải – cho biết Hà Nội chưa đáp ứng được những điều kiện cần thiết để cấm xe máy đi vào nội đô.

Ông Thủy nêu dẫn chứng, hiện nay hạ tầng giao thông còn yếu kém, đường sá còn hẹp, “đường 4 làn xe rộng 20-30 mét còn rất ít”.

“Đường sá hẹp như vậy, ôtô sao có thể vào được, nhưng xe máy thì có thể vào được những đường hẹp, đường nhánh để làm ăn. Hà Nội cấm xe máy sẽ gây khó khăn rất lớn trong việc đi lại của người dân”, TS Thủy nhận định.

TS Thủy giải thích: thực tế hiện nay hệ thống giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu cũng như đòi hỏi ngày càng cao của người dân thủ đô. Mỗi ngày TP có khoảng 14 triệu lượt đi lại, nhưng giao thông công cộng mới chỉ phục vụ trên dưới 10% nhu cầu.

Giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu, tức là phương tiện đi lại cho người dân chưa có, vậy nếu cấm xe máy – là phương tiện chiếm tới 70% lưu lượng – thì người dân đi lại, làm ăn bằng gì?”

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy – nguyên giám đốc Nhà xuất bản Giao Thông Vận Tải

Ông lo ngại, trong trường hợp TP cấm xe máy, khả năng người dân sẽ đổ xô đi mua ô tô, lúc đó nguy cơ ùn tắc giao thông nội đô có thể tăng gấp 3 – 4 lần so với hiện nay.

“Khi người dân không có xe máy để đi, việc họ cố gắng mua ô tô để đi lại, làm ăn là điều dễ hiểu. Một chiếc ô tô sẽ chiếm chỗ 5-7 lần xe máy, nhưng có khi chỉ có 1 người ngồi, lúc đó ùn tắc sẽ nghiêm trọng hơn.

Trên thế giới, ô tô là phương tiện gây ùn tắc, chứ chưa thấy có nước nào nói xe máy gây ùn tắc cả. Một số nước cấm xe máy vì ảnh hưởng tới sự phát triển hiện đại của đô thị, nhưng Việt Nam còn đang nghèo, xe máy là công cụ, phương tiện để người dân đi lại, làm ăn. Nếu một nửa xe máy ở Hà Nội này chuyển thành ô tô thì ùn tắc là không thể kiểm soát nổi”, ông Thủy nêu quan điểm.

Tại sao cấm xe máy, không cấm ô tô?

Ô tô nối đuôi nhau hướng từ ngoại thành Hà Nội vào nội đô – Ảnh: PHẠM TUẤN

TS Nguyễn Xuân Thủy tiếp tục đặt câu hỏi: Tại sao Hà Nội đề xuất cấm xe máy, nhưng tại sao không cấm ô tô trong nội đô, trong khi ô tô cũng là nguyên nhân gây ùn tắc, ô nhiễm?

Ông Thủy nói việc cấm xe máy trong thời gian tới là quan điểm thiếu nhân văn, đánh vào người nghèo.

“Chúng ta phải khác với các nước khác và không nên dùng từ cấm xe máy. Bởi khi mà phương tiện công cộng tốt, các tuyến, metro nhiều, xe buýt chạy chất lượng hơn, đúng giờ thì người dân dần dần sẽ bỏ bớt xe máy, ô tô để đi phương tiện công cộng.

Theo tôi, sau này xe máy vẫn tồn tại, vì đây là một phương tiện rất thuận tiện đối với một nước nhiệt đới. Ở Bắc Kinh, Matxcơva, mùa đông không đi được xe máy. Ở Việt Nam, xe máy đi được 4 mùa, tiện lợi cho người lao động nghèo”, ông nói.

Ông Thủy nói thêm, giải pháp căn cơ nhất vẫn là phát triển hạ tầng giao thông, nâng cao, đa dạng hệ thống giao thông công cộng. Nếu hệ thống giao thông công cộng đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, “không ai dại gì phải đội nắng, đội mưa trên chiếc xe máy cà tàng”.

TS Nguyễn Xuân Thủy cũng không phủ nhận việc nếu phát triển phương tiện cá nhân quá tầm là nguyên nhân chủ yếu gây ra ùn tắc. Ông nói: “Một chiếc ô tô con chiếm dụng diện tích 5-7 lần so với xe máy, gấp 10-15 lần so với người ngồi trên các phương tiện công cộng. Một xe máy chiếm dụng gấp 3-4 lần việc một người ngồi trên xe buýt, tàu điện”.

Tuy nhiên, ông Thủy nói TP Hà Nội chỉ nên hạn chế phương tiện cá nhân, thay vì cấm.

Ông Bùi Danh Liên – phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội – cho biết về ý tưởng một xã hội không có xe máy như các nước tiên tiến, ông “rất đồng tình”, tuy nhiên việc áp dụng trong năm 2025 khiến ông có nhiều băn khoăn.

“Câu hỏi đặt ra cho TP là cấm xe máy thì người dân đi lại bằng phương tiện gì? Có thể làm được, nhưng điều kiện như thế nào để áp dụng được thì phải giải quyết về nhiều mặt. Trong đó, vấn đề phát triển giao thông công cộng rất quan trọng. Nhưng tôi dự đoán từ nay tới năm 2025 vẫn sẽ không có nhiều khởi sắc”, ông Liên nói.

Trước đó, trong chiều 7-12, ông Nguyễn Hồng Tuyến, thành viên Hội đồng tư vấn dân chủ pháp luật – Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội – cho biết về chủ trương hạn chế, tiến tới giảm hoạt động xe máy trong khu vực nội đô, ông ủng hộ.

Tuy nhiên về lộ trình dừng hoạt động xe máy tại các quận nội thành vừa được UBND đề xuất, ông Tuyến không đồng tình.

“Hiện nay, phương tiện giao thông công cộng mới đáp ứng khoảng 17% nhu cầu đi lại của người dân. Vậy khi TP cấm xe máy, người dân sẽ đi lại bằng gì? Do vậy, không chỉ năm 2030 mà đến năm 2050, nếu vận tải vẫn chưa đạt đến 50% nhu cầu đi lại của người dân thì TP chưa nên đặt ra vấn đề cấm xe máy. Ở Việt Nam, ngoài phương tiện, xe máy còn là công cụ để mưu sinh”, ông Tuyến nói.

Anh Tuấn

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều