Tại sao Donetsk và Lugansk là nguyên nhân khiến cuộc khủng hoảng Ukraine kéo dài?
Nga rút quân, nhưng không đồng nghĩa với căng thẳng giữa Ukraine và Nga hạ nhiệt. Sau khi Nga thông báo rút bớt một số lực lượng quân sự gần biên giới giữa hai nước, tiếng súng ở miền đông Ukraine lại bắt đầu rền vang.
Sau khi Nga thông báo rút quân vào sáng 15/2, thì đúng tối cùng ngay (giờ địa phương), quân đội Ukraine đã cho pháo kích tấn công vào nhiều địa điểm xung quanh khu vực làng Zaichenko, thuộc Cộng hòa Donetsk tự xưng (DPR). Và cũng trong ngày 15/2, Cộng hòa Lugansk tự xưng (LPR) cho biết lực lượng của họ buộc phải nổ súng vào các tiền đồn của quân đội Ukraine. Nguyên nhân là được đưa ra là một tay súng của họ đã bị quân đội Ukraine bắn chết.
Trong khi đó, DPR tuyên bố: “Những quả đạn pháo xuất phát từ nhiều vị trí do quân đội Ukraine chiếm đóng đã bắn vào làng Zaichenko”, và tổ chức này nhấn mạnh thêm rằng họ ghi nhận đã có đến tổng cộng 4 vụ pháo kích đến từ Ukraine.
Còn Anton Mikuzhis, Phát ngôn viên của Lực lượng tự vệ Lugansk thuộc LPR thì thông báo: “Các tay lính bắn tỉa của quân đội Ukraine đã nổ súng nhằm vào lực lượng của chúng tôi. Để bảo vệ dân thường và tránh hứng thêm thương vong, lực lượng của chúng tôi buộc phải đáp trả.”
Và xung đột cứ thế diễn ra. Bất chấp thông báo rút quân của Nga vừa qua đã khiến cho tình hình có phần hạ nhiệt.
Tại sao Donetsk và Lugansk là nguồn cơn khiến cuộc khủng hoảng Ukraine kéo dài?
Khu vực Donbass thuộc phía đông Ukraine, vốn bao gồm hai tỉnh Donetsk và Lugansk, đã trở thành điểm nóng giao tranh kể từ năm 2014 sau khi Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych bị buộc từ chức và trốn chạy sang Nga. Người Ukraine biểu tình phản đối khi ông đề ra các chính sách thân Nga và rời xa phương Tây. Người dân Ukraine khi đó đứng lên và buộc chính phủ phải đi theo một mối quan hệ nồng ấm với châu Âu. Chính điều đó đã khiến cho người dân ở Donbass đòi tách khỏi Ukraine, bởi phần lớn cư dân nơi đây là người gốc Nga. Do đó, họ không chấp nhận việc cúi đầu trước một thể chế chính quyền thân phương Tây.
Người dân tại Donbass, cụ thể là 2 tỉnh Donetsk và Lugansk bắt đầu bằng việc đòi hỏi quyền tự trị. Tuy nhiên, Kiev không chấp nhận yêu sách trên, mà kết cục là các cuộc xung đột vũ trang giữa một bên là chính quyền Ukraine và bên kia là các lực lượng ly khai tại Donbass.
Chiến sự nổ ra vào năm 2014, khi các lực lượng nổi dậy chiếm giữ các tòa nhà chính phủ ở các thị trấn và thành phố trên khắp miền Đông Ukraine. Quân đội quốc gia Ukraine nhanh chóng đáp trả ngay sau đó. Giao tranh ác liệt khiến các khu vực Lugansk và Donetsk phía Đông Donbass trở thành chảo lửa xung đột giữa Nga và Ukraine, kéo dài cho đến tận ngày nay.
Dưới sự hậu thuẫn của Nga, Donetsk và Lugansk tuyên bố ly khai khỏi Ukraine vào năm 2014. Từ suốt thời gian đó, chính phủ Ukraine đã hai lần phát động chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm giành lại quyền kiểm soát Donbass. Song, đều không thành công.
Chính phủ Ukraine gọi hai lực lượng ly khai này là “những kẻ xâm lược” và “những kẻ chiếm đóng” của Nga. Giới chức ở Kiev nói rằng hai khu vực mà các lực lượng ly khai chiếm giữ, trên thực tế đã nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Nói chung, phương Tây và Kiev thì cáo buộc Nga là “kẻ xâm lược”. Trong khi Nga thì luôn nói rằng việc này, đều là do ý nguyện của người dân sống tại vùng Donbass, cũng như bác bỏ cáo buộc hậu thuẫn cho hai lực lượng ly khai.
Truyền thông Nga vẫn luôn gọi các lực lượng ly khai là “dân quân” và khẳng định họ là những người dân địa phương tự vệ trước chính phủ Kiev. Nga cũng khẳng định họ không có binh sĩ trên thực địa tại vùng Donbass. Nhưng Mỹ, NATO và Ukraine thì cho rằng, chính phủ Nga đã gián tiếp xâm phạm Ukraine bằng việc hỗ trợ các lực lượng ly khai, tư vấn và cung cấp thông tin tình báo, đồng thời đưa các sĩ quan của Moskva vào hàng ngũ cấp cao tại Donbass.
Do đó, dù Nga có rút quân, nhưng những cuộc pháo kích vừa qua đã một lần nữa cho thấy căng thẳng giữa Moskva và Kiev vẫn chưa đến hồi kết. Việc rút quân vẫn chưa mang đến một câu trả lời rõ ràng cho vấn đề nhức nhối tại Donbass, vốn là nguồn cơn chính khiến chảo lửa Ukraine sục sôi.
Ngăn cản mọi bước đi
Trên danh nghĩa, Donbass vẫn lãnh thổ của Ukraine, nhưng chính quyền Kiev lại không đủ sức để giành lại quyền kiểm soát từ các lực lượng ly khai. Trong khi đó, điều mà các lực lượng ly khai mong muốn giờ đây là “độc lập”, chứ không còn là “quyền tự trị” như trước. Điều đó chẳng khác nào đang xâu xé lãnh thổ Ukraine. Và nếu chính quyền Kiev không hành động mạnh mẽ, đây sẽ là cơ hội để Moskva mượn tay các lực lượng ly khai để quấy rối “vùng đệm” Ukraine.
Nhưng, liệu Kiev có thể hành động mạnh mẽ khi hầu hết những lần Kiev cố gắng ra tay thì đều bị Nga lên tiếng “cảnh báo”?
Như cuộc pháo kích mới đây, Thông tấn xã Liên Bang Nga TASS đã ngay lập tức phát đi thông điệp rằng việc quân đội Ukraine chủ động tấn công phe ly khai ở miền đông có thể sẽ “khiến Nga tức giận” và tăng thêm sức ép quân sự đối với Kiev.
Trước đó, vào năm 2019, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh tuyên bố Nga sẽ cấp hộ chiếu cho người dân ở các khu vực thuộc Donetsk và Lugansk. Điện Kremlin tuyên bố đây là “một cử chỉ hoàn toàn nhân đạo và hoàn toàn dựa trên ý nguyện của người dân”.
Thực chất, việc thúc đẩy hộ chiếu là nước cờ để gia tăng số người quốc tịch Nga sinh sống tại Ukraine, tạo thêm cái cớ để Moskva hậu thuẫn các lực lượng ly khai. Bởi Nga đã từng nhiều lần cảnh báo rằng họ không chấp nhận việc bất kỳ một bên nào thực hiện cuộc tấn công nhắm vào công dân Nga, bất kể họ có sinh sống ở đâu.
Thậm chí, hôm 15/2 vừa qua, Duma Nga đã thông qua nghị quyết ủng hộ công nhận sự độc lập của hai vùng Donetsk và Lugansk, một động thái khiến Kiev lẫn phương Tây lo ngại.
Ukraine sẽ làm gì để giành lại chủ quyền từ các lực lượng ly khai? Tiếp tục nổ súng và làm leo thang căng thẳng với Nga? Hay Ukraine lúc này thật sự cần cho mình một chính sách ngoại giao khéo léo để xoa dịu tình hình và thoát khỏi sự kiềm kẹp Đông-Tây? Liệu Ukraine có đủ sức để làm như vậy không? Tóm lại, tương lai cho một nền hòa bình ở Ukraine vẫn còn trông quá mù mịt.
“Chiếc răng sâu” không thể nhổ
Giờ đây, hai vùng ly khai Donetsk và Lugansk vẫn nằm dưới chủ quyền của Ukraine, nhưng thực tế, Nga mới chính là thế lực kiểm soát vùng lãnh thổ này. Song, câu hỏi đặt ra ở đây là Nga toan tính gì khi ủng hộ các lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine? Hay nói một cách rõ ràng hơn, Donetsk và Lugansk sẽ mang lại lợi ích gì cho ông Putin?
Trả lời báo chí về vấn đề công nhận độc lập của hai vùng ly khai, ông Putin chỉ nhắc tới thỏa thuận ngừng bắn giữa các bên, và chỉ nhấn mạnh rằng việc thực hiện thỏa thuận ngừng bắn Minsk chính là giải pháp khả thi duy nhất có thể chấm dứt cuộc xung đột ở miền đông Ukraine.
Việc sáp nhập vùng Donbass có lẽ là điều Nga không bao giờ làm như đã xảy ra với Crimea. Người Nga thành công ở Crimea bởi vùng đất trên vốn thuộc Đế quốc Nga suốt nhiều thế kỷ và chỉ được chuyển gia từ năm 1954 và hầu hết cư dân là người gốc Nga. Trái lại, Donbass có lịch sử lâu đời được định cư bởi người Ukraine. Ngay cả thời kỳ Sa hoàng, dân tộc Ukraine cũng chiếm đại đa số trong khi người Nga chỉ chiếm chưa đến 30% dân số.
Song, khi số lượng “công dân Nga” ngày càng gia tăng tại đây, Moskva sẽ có nhiều lý do để ủng hộ phe ly khai. Việc này không gì khác đang tạo ra một “vùng đệm” ngăn cách Ukraine với Nga, hay chính xác hơn là ngăn cách NATO với Nga.
Ngay cả khi đã công nhận nhà nước Donetsk và Lugansk, một viễn cảnh tương tự Crimea cũng khó có khả năng xảy ra. Đơn giản bởi Moskva không có lợi ích gì đủ lớn để sáp nhập 2 vùng đất này. Nhưng ngược lại, việc giữ cho vùng Donbass vừa không thuộc Ukraine, vừa không thuộc Nga lại có thể đem tới lợi ích cho Moskva. Một mặt, sự chỉ trích từ cộng đồng quốc tế dù mạnh mẽ cũng sẽ không thể gay gắt như vụ việc Crimea. Mặt khác, việc duy trì các “quốc gia độc lập” tại Donbass chính là để tạo ra một “vùng đệm hoàn hảo” ngăn cách các cuộc phiêu lưu quân sự của phương Tây nhắm vào lãnh thổ Nga.
Không chỉ thế, thực chất hai vùng ly khai đã hoàn toàn nằm dưới quyền kiểm soát của Nga và như vậy đã là đủ để duy trì ảnh hưởng và quyền lực trong tại khu vực trên. Còn với Ukraine, điều đó không khác gì Kiev đang bị đeo bám bởi một chiếc răng sâu. Nhổ cũng không được, mà để yên cũng không xong.
Chừng nào vấn đề của hai vùng ly khai chưa được giải quyết, an ninh của Kiev sẽ còn bị đe dọa. Moskva có thể gián tiếp thông qua Donetsk và Lugansk để làm an ninh ở Kiev trở nên rối ren. An ninh bị phá vỡ sẽ tiếp tục kéo dài tình trạng bất ổn tại Ukraine. Một quân bài đầy lợi ích mà Nga có thể dùng để khiến cho Kiev ăn không ngon ngủ không yên nếu dám nghe theo phương Tây mà làm trái ý Nga. “Chiếc răng sâu” của Ukraine là bài học cay đắng khi một quốc gia không đứng vững trên đôi chân của mình, mà nghiêng ngả, dựa dẫm vào sự hậu thuẫn của các thế lực bên ngoài. Cuối cùng, họ sẽ chỉ là những con tốt thí trên bàn cờ chiến lược để các “ông lớn” thao túng, tranh giành ảnh hưởng.
Huy Hoàng