Tại sao địa phương lại coi việc về quê ăn Tết của người dân là không cần thiết?
Vì dịch, hơn năm trời tôi chưa gặp bố mẹ và đang thèm khát trở về, vậy mà địa phương lại coi đó là việc không thực sự cần thiết khi kêu gọi dân không về ăn Tết.
Trong cuộc đời hơn 30 năm của tôi, 2 năm qua là khoảng thời gian căng thẳng, mệt mỏi nhất khi cả sức khỏe và sinh kế đều bị tổn thương vì đại dịch COVID-19. Cũng vì dịch bệnh mà đã hơn năm nay, tôi chưa về quê. Dịp cuối năm nay, khi công cuộc chống dịch đang bước vào giai đoạn mới, tôi cố gắng ngày đêm giải quyết công việc, đồng thời bảo vệ sức khỏe của mình thật tốt để về quê khi được nghỉ Tết Nguyên đán.
Năm nay, chuyện về quê ăn Tết đối với tôi không chỉ là mong muốn, mà còn là nhu cầu bức thiết. Tôi cần được trở về, rất cần. Năm ngoái, tôi đã trải qua một cái tết cô đơn và đầy lo lắng, khắc khoải ở quê người, và sau đó là những ngày tháng áp lực cực độ khi bản thân mắc COVID-19, thu nhập khi có khi không, nhiều lúc chán nản và mất niềm tin vào năng lực bản thân… Vì thế Tết này, tôi cần trở về gặp bố mẹ, thắp hương ở nhà thờ tổ tiên, sống trong không khí ấm áp của gia đình, họ tộc ít ngày để được tiếp thêm sức mạnh chống chọi những gian nan còn nhiều ở phía trước, như Antée trong thần thoại Hy Lạp khỏe lên mỗi lần chạm vào thần Đất mẹ Gaia.
Tôi tin chắc rằng trên đất Việt Nam này, rất nhiều người giống như tôi, cũng đang đợi nghỉ Tết để trở về “úp mặt vào sông quê”, để có thêm động lực tiếp tục cố gắng. Những chủ trương, phương cách chống dịch mà Chính phủ ban hành, áp dụng hiện nay không chỉ giúp phục hồi kinh tế mà còn thuận lợi cho việc thực hiện nguyện vọng trên của người dân.
Vậy mà quê hương tôi lại khuyên người dân ở xa đừng về Tết này. Đành rằng địa phương không cấm mà chỉ kêu gọi, nhưng mấy chữ “không trở về quê nếu không thực sự cần thiết” trong thư ngỏ của chính quyền địa phương… khiến tôi rất buồn, vì nói như vậy rõ ràng là không hiểu lòng dân. Tôi cho rằng với các gia đình Việt, chuyện về quê ăn Tết chẳng bao giờ là “không thật sự cần thiết”.
Cái không thật sự cần thiết chính là cách chống dịch kiểu cũ – coi cách ly, hạn chế đi lại giữa các địa phương là cốt yếu. Điều này đi ngược với chủ trương về thích ứng an toàn với dịch COVID-19 của Chính phủ.
Để cuộc sống trở lại bình thường mới, đảm bảo sự lưu thông giữa các địa phương, vùng miền, cả nước đã nỗ lực để tiêm vaccine đủ 2 mũi, rồi 3 mũi cho người dân. Chỉ trong thời gian ngắn, Việt Nam đã nằm trong top 6 nước bao phủ vaccine cao nhất thế giới. Thay vì mỗi người dân tự nhốt mình, chúng ta trang bị “áo giáp vaccine” để ai nấy có thể ra ngoài. Nếu các địa phương cứ cố gắng hạn chế đi lại bằng cách kêu gọi dân đừng về quê ăn Tết, hay làm khó cho họ bằng cách yêu cầu về trước Tết 22 ngày, thì chẳng phải núi tiền đổ ra để tiêm vaccine bị lãng phí vô ích sao?
Tôi hiểu các địa phương gặp nhiều khó khăn trong phòng chống dịch, rất cần sự đồng thuận, phối hợp của người dân. Nhưng khó thì cần tìm tòi, sáng tạo các giải pháp phù hợp, hiệu quả chứ không nên gây khó dân để tiện cho cơ quan quản lý. Và muốn dân đồng thuận, chính quyền cần thấu hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của họ, đừng lạnh lùng vô tình bảo với họ rằng việc về quê ăn Tết là không thực sự cần thiết.
Cấm, cản người dân về quê ăn Tết là không đúng tinh thần của Chính phủ
Chỉ còn gần một tháng nữa là đến Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022. Nhu cầu đi lại, về quê nghỉ Tết của người lao động ở các địa phương đang tăng cao. Tuy nhiên, một số địa phương có văn bản yêu cầu cách ly, giám sát (7 – 14 ngày) người về từ các vùng có dịch, thậm chí có địa phương gửi thư ngỏ vận động người dân không về quê đón Tết để tránh lây lan dịch bệnh…
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, các địa phương nêu trên đưa ra những quy định như vậy là “quá căng thẳng”.
“Người dân về nghỉ Tết mấy ngày mà bắt cách ly 7 – 14 ngày, thực sự là gây khó dễ cho người dân để họ không về nữa.”, ông Nga nêu.
Ông Nga cho rằng, việc này rõ ràng không đúng với tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 128 của Chính phủ. “Tôi thấy bây giờ khi tiêm vắc xin đầy đủ rồi thì việc đi lại giữa các quốc gia còn được. Vậy mà các địa phương ở trong nước lại hạn chế nhau. Đây là hành động làm khó dễ, khổ nhất vẫn là người dân không được về quê sum họp với gia đình”, ông Nga nêu.
Ông Nga cho rằng, nếu tiêm hai mũi vắc xin mà còn không cho đi lại giữa các tỉnh, bắt xét nghiệm âm tính, cách ly nữa thì “bao nhiêu công sức, tiền của tiêm vắc xin thời gian vừa qua bỏ đi hết”.
“Nếu vẫn ngăn sông cấm chợ, vẫn không cho về quê thì tiêm vắc xin làm gì nữa, cứ theo chính sách zero COVID-19 thôi”, ông Nga đặt vấn đề.
Đáng chú ý từ vấn đề này, ông Nga cũng nêu về đạo đức công vụ: “Đạo đức công vụ là chính quyền phải phục vụ người dân, tạo điều kiện cho người dân về quê đón Tết, sum họp với gia đình. Cấm, cản thế khác nào không muốn phục vụ người dân…”.
Ông Nga cũng cho rằng, hiện nay việc tiêm phủ vắc xin đã đạt tỷ lệ rất cao, hầu hết các bệnh nhân COVID-19 đều có triệu chứng nhẹ. Chính quyền các địa phương nên tạo thuận lợi cho người dân về quê dịp Tết.
“Tôi nghĩ rằng chính quyền chỉ cần yêu cầu khai báo, thống kê danh sách, tuyên truyền cho người dân về việc tuân thủ quy định phòng, chống dịch, khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc với người trở về là đủ để đảm bảo an toàn”, ông Nga nói.
Trâm Anh