+
Aa
-
like
comment

Tại sao có hiện tượng “Covid-19 biến mất” ở Nhật Bản?

25/11/2021 06:34

Ngược lại hoàn toàn với các nước phương Tây, tình hình Covid-19 ở Nhật Bản đang được cải thiện cực kỳ bất ngờ. Vậy điều này là do đâu?

dich Covid-19 o Nhat Ban anh 1

“Dịch bệnh có đang biến mất?” tại Nhật Bản là câu hỏi được truyền thông nước này và báo chí thế giới quan tâm những ngày qua.

Không như châu Âu đang chứng kiến làn sóng dịch nghiêm trọng vào mùa đông, “vận may” đang đến với Nhật Bản khi nước này liên tục ghi nhận số ca nhiễm virus corona giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm. Nhật Bản cũng trải qua ngày không ghi nhận ca mắc tử vong nào do Covid-19.

Trao đổi với PV, ông Takeshi Urano – giáo sư chuyên ngành y tại Đại học Shimane – nói không yếu tố đơn lẻ nào có thể giải thích sự thay đổi bất thường đang diễn ra ở Nhật Bản.

“Các nhà nghiên cứu đều nói về sự suy giảm nhanh chóng của những trường hợp mới sau đợt bùng dịch thứ 5, nhưng vaccine không phải lời giải thích duy nhất”, giáo sư Urano nói. “Sự biến đổi gene của virus trong quá trình tự nhân bản cũng đóng một vai trò quan trọng”, ông nói.

Virus tự tiêu tan?

Ông Urano cho biết theo báo cáo của nhóm nghiên cứu từ Viện Di truyền Quốc gia và Đại học Niigata, các đột biến trong thông tin di truyền (RNA) của chủng Delta có thể khiến virus không thể duy trì thông tin di truyền của chính mình.

“Nsp14 hoạt động cùng với các protein khác có vai trò quan trọng đảm bảo hoạt động của vật chất di truyền là RNA thông tin, không để RNA của virus bị phân hủy. Các nghiên cứu cho thấy khi nsp14 bị tê liệt, khả năng tự nhân bản của virus giảm đáng kể”, ông Urano nói.

Biến chủng Delta ở Nhật Bản tích lũy quá nhiều đột biến đối với protein phi cấu trúc, có chức năng sửa lỗi di truyền là nsp14. Hệ quả là virus dần mất đi chức năng tự sửa lỗi gene, cuối cùng dẫn tới tự diệt vong.

Vị chuyên gia của Đại học Shimane cũng cho rằng vì nsp14 có nguồn gốc từ virus nên các hợp chất hóa học có khả năng phân rã protein này có thể được coi là phương thuốc hứa hẹn để điều trị cho người mắc Covid-19.

dich Covid-19 o Nhat Ban anh 2
Quận Minami của Osaka, Nhật Bản vào ngày 25/10. Ảnh: Kyodo.

Bên cạnh đó, theo giáo sư Urano, tâm lý không buông lỏng cảnh giác cũng là điều tạo nên sự khác biệt trong bức tranh chống dịch ở Nhật Bản.

Ba tháng trước, Nhật Bản ghi nhận hơn 26.000 trường hợp mắc Covid-19 mỗi ngày, nhưng bây giờ, vào cuối tháng 11, đất nước 125 triệu dân chỉ ghi nhận trung bình khoảng 200 ca mắc mới mỗi 24 giờ.

Từ một quốc gia “chậm chân” trong việc triển khai tiêm vaccine, Nhật Bản đã trở thành một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng hàng đầu thế giới. Với hơn 76% dân số được tiêm chủng đầy đủ, quốc gia này có tỷ lệ cao nhất trong các nước G7, theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins.

Hơn 91% dân số từ 65 tuổi trở lên đã tiêm hai mũi. Ngay cả ở nhóm tuổi nhỏ nhất đủ điều kiện tiêm chủng là thanh thiếu niên 12-19 tuổi, 60,7% đã được tiêm ngừa đầy đủ.

Mặc dù tiến độ đã chậm lại trong những tuần gần đây, Nhật Bản vẫn đang trên đà tiêm chủng đầy đủ cho hơn 80% dân số.

Thủ tướng Fumio Kishida cho biết mũi tiêm thứ 3 đang được thúc đẩy để có thể triển khai sớm nhất từ tháng 12, bắt đầu với nhân viên y tế và người già.

Với cách tiếp cận thực tế và thông điệp rõ ràng, chương trình tiêm chủng Covid-19 của Nhật Bản là một câu chuyện thành công. Bằng cách chỉ tập trung sử dụng hai loại vaccine của Pfizer và Moderna, Nhật Bản giảm bớt được sự nhầm lẫn về giới hạn độ tuổi cùng các báo cáo “giật gân” về tác dụng phụ.

Việc tiêm phòng nhanh chóng ở Nhật Bản cho những người dưới 64 tuổi có thể đã tạo ra một tình trạng tạm thời tương tự miễn dịch cộng đồng, theo các chuyên gia.

Tuy nhiên, những ca “nhiễm trùng” đột phá ở Mỹ, Anh và nhiều nơi khác bắt đầu tiêm chủng sớm hơn so với Nhật Bản vài tháng cho thấy chỉ riêng vaccine là không đủ.

“Điều giúp Nhật Bản khác biệt so với các nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhưng đang hứng chịu làn sóng lây nhiễm mới là tâm lý”, ông Urano nói với PV. “Nhiều người Nhật tin rằng làn sóng thứ 6 sắp đến và chưa buông lỏng cảnh giác, như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội”.

Thói quen và sự ổn định chính trị

Chỉ vài ngày sau khi Thế vận hội Tokyo kết thúc, Nhật Bản dường như đứng trước một thảm họa Covid-19. Ngày 13/8, thủ đô Tokyo ghi nhận kỷ lục với 5.773 ca mắc Covid-19 mới, chủ yếu là do biến chủng Delta gây ra. Trên toàn quốc, tổng số trường hợp nhiễm được báo cáo vượt quá 25.000.

Các bệnh viện Nhật Bản rơi vào tình trạng căng thẳng chưa từng có. Tình trạng thiếu giường bệnh buộc hàng nghìn người có kết quả dương tính với virus phải tự điều trị. Một số người tử vong tại nhà.

Thế nhưng, dữ liệu của chính quyền thủ đô Tokyo cho thấy tỷ lệ dương tính đã giảm từ 25% vào cuối tháng 8 xuống còn 1% vào giữa tháng 10, trong khi số lượng các cuộc xét nghiệm giảm 1/3.

Nhật Bản là trường hợp hiếm hoi số ca mắc Covid-19 trên đà giảm dù không phải áp đặt phong tỏa. Các biện pháp khẩn cấp của Nhật Bản, được dỡ bỏ vào ngày 27/9, chủ yếu yêu cầu các quán bar và nhà hàng đóng cửa sớm và không phục vụ rượu.

Trong thời gian áp dụng các biện pháp khẩn cấp, nhiều người vẫn tiếp tục đi làm trên các chuyến tàu đông đúc, các sự kiện thể thao và văn hóa vẫn diễn ra, với một số biện pháp phòng chống dịch được áp dụng.

dich Covid-19 o Nhat Ban anh 3
Người dân uống rượu tại một quán bar ở Saitama vào ngày 25/10, sau khi Nhật Bản dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp. Ảnh: Kyodo.

Thành công này đạt được là nhờ tình hình chính trị ổn định của Nhật Bản. Không như ở châu Âu hoặc Mỹ, các biện pháp hạn chế nhằm đối phó Covid-19 và vaccine ở Nhật Bản không được coi là vấn đề gây tranh cãi trong chính phủ và giữa các đảng phái dân túy.

Bên cạnh đó, thói quen giãn cách xã hội, đeo khẩu trang đã ăn sâu bén rễ trong văn hóa, sinh hoạt của người Nhật và nó không được coi là vấn đề đi ngược quyền tự do cá nhân.

Trong khi các quốc gia khác giảm yêu cầu đeo khẩu trang trong nhà và một số địa điểm sau khi tỷ lệ dân số tiêm chủng tăng cao, hầu hết người Nhật vẫn cảm thấy “rùng mình” khi nghĩ đến việc mạo hiểm không đeo khẩu trang.

Theo nghiên cứu gần đây được đăng trên Tạp chí Y khoa Anh, đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và rửa tay hiệu quả trong việc hạn chế các ca bệnh, với việc đeo khẩu trang là hiệu quả nhất, giảm 53% tỷ lệ nhiễm bệnh.

Và mặc dù trong lịch sử, Nhật Bản từng ghi nhận nhiều vụ bê bối vaccine ảnh hưởng đến niềm tin của người dân, quá trình triển khai tiêm chủng Covid-19 gặp rất ít sự phản đối.

Tâm trạng lạc quan và cảm giác “bình thường” đang quay trở lại với người dân Nhật Bản. Chính phủ dần mở lại các hoạt động kinh tế – xã hội, đồng thời cho phép tổ chức sự kiện thể thao, du lịch trọn gói trên cơ sở thử nghiệm sử dụng giấy chứng nhận tiêm chủng và tăng cường xét nghiệm.

Tuy nhiên, giáo sư Takeshi Urano cho rằng mặc dù nghiên cứu mới cho thấy virus SARS-CoV-2 đang dừng tự nhân bản, điều này không có nghĩa Nhật Bản sẽ miễn nhiễm trước làn sóng dịch bệnh kế tiếp.

“Như nhiều nhà nghiên cứu Nhật Bản, tôi tin rằng làn sóng thứ 6 sẽ đến. Điều này là do tỷ lệ tiêm chủng vẫn được coi là thấp”, ông Urano nói với PV.

dich Covid-19 o Nhat Ban anh 4
Thủ tướng Kishida thăm một bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 tại Tokyo vào ngày 9/10. Ảnh: Kyodo.

Hiện vẫn còn hơn 20% dân số của quốc gia 125 triệu dân chưa được tiêm chủng, vì vậy vẫn có rất nhiều không gian để virus lây lan. “Chính phủ nên gửi một thông điệp rõ ràng đến người dân rằng chúng ta chỉ có thể nới lỏng dần dần”, Shigeru Omi, Cố vấn y tế của chính phủ Nhật Bản, nhận định.

Vào giữa tháng 10, chính phủ nước này cho biết sẽ tăng cường năng lực y tế để tiếp nhận số bệnh nhân nhiều hơn 20% so với làn sóng lây nhiễm thứ 5 trong mùa hè qua.

Cụ thể, theo bản đề cương được trình bày tại một cuộc họp, chính phủ của tân Thủ tướng Fumio Kishida dự định phân bổ khoảng 80% giường điều trị cho bệnh nhân Covid-19, đồng thời yêu cầu các bệnh viện công lập tăng số giường bệnh.

Ngoài ra, để đảm bảo minh bạch, chính phủ Nhật Bản cũng đang xem xét công khai thông tin về cơ sở hạ tầng y tế quốc gia, bao gồm tỷ lệ lấp đầy giường bệnh và tình hình thăm khám từ xa đối với bệnh nhân Covid-19 tự hồi phục tại nhà.

Minh Anh

Bài mới
Đọc nhiều