+
Aa
-
like
comment

Cô gái kiếm 330 tỷ nhưng chỉ đóng thuế 23 tỷ đồng?

27/01/2021 15:00

Với mức thu nhập 330 tỷ đồng nếu tính theo biểu thuế Thu nhập cá nhân 7 bậc hiện nay, số tiền thuế phải nộp của cô gái viết phần mềm ở Hà Nội vào khoảng trên 115 tỷ đồng.

Cục Thuế thành phố Hà Nội mới đây đã có báo cáo về số thu từ hoạt động thương mại điện tử năm 2020 cao gấp 5 lần so với 2019. Trong đó ghi nhận nhiều cá nhân tự nguyện đến kê khai và nộp thuế với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng.

Đáng chú ý, cơ quan quản lý thuế ghi nhận trường hợp cô gái sinh năm 1992 (hộ khẩu quận Cầu Giấy) có thu nhập lên tới 330 tỷ đồng từ việc sáng tác phần mềm trên Google Play và App Store. Số thuế cá nhân này đã nộp cho phần thu nhập trên là 23,4 tỷ đồng.

Tương tự, một cá nhân khác sinh năm 1990 (quận Cầu Giấy) cũng hoạt động trong mảng sáng tác phần mềm trên Google Play và App Store có thu nhập 260 tỷ và nộp thuế 18,1 tỷ đồng.

Nói với Zing, đại diện Cục Thuế Hà Nội cho biết số thu nhập nói trên không phải mức thu nhập một năm của các cá nhân này mà là thu nhập chịu thuế kể từ khi các cá nhân phát sinh thu nhập. Đây cũng là số thuế do các cá nhân tự kê khai và tự nộp sau thời gian được cơ quan thuế hướng dẫn, tập huấn cách thực hiện nghĩa vụ thuế với nguồn thu từ thương mại điện tử.

“Trong giai đoạn 2019-2020, Cục thuế thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nghĩa vụ thuế với các cá nhân có doanh thu từ hoạt động thương mại điện tử. Không riêng các cá nhân trên mà nhiều cá nhân khác trên địa bàn thành phố khi được hướng dẫn, tập huấn và nhận thấy mình đến ngưỡng phải nộp thuế thì đều đi kê khai và nộp”, vị này chia sẻ.

Co gai o Ha Noi kiem duoc 330 ty dong anh 1
Theo lãnh đạo Tổng Cục thuế, năm 2020, số thu thuế từ hoạt động kinh doanh, bán hàng qua mạng của các tổ chức, cá nhân đã đạt trên 1.000 tỷ đồng. Ảnh: Gettyimage.

Ngoài các cá nhân đã thực hiện kê khai và nộp thuế, hiện cục thuế thành phố cũng đang theo dõi quản lý nhiều trường hợp có thu nhập từ thương mại điện tử đã tự kê khai nhưng chưa đến ngưỡng phải nộp thuế.

Đại diện Cục thuế Hà Nội chia sẻ thêm những năm trước có nhiều cá nhân phát sinh thu nhập từ các nền tảng thương mại điện tử như Google, Facebook, YouTube… nhưng chưa kê khai và nộp thuế, cơ quan quản lý cũng chưa đủ cơ sở để thực hiện thu. Tuy nhiên, hiện quy định quản lý thuế đối với các hoạt động thương mại điện tử đã có trong Luật quản lý thuế số 38/2019 nên cơ quan thuế đã tích cực vận động, tuyên truyền trên cơ sở ưu tiên người nộp thuế tự kê khai, tự nộp.

Với các trường hợp được cục thuế thông báo mà vẫn cố tình không kê khai, nộp thuế thì sẽ bị thanh kiểm tra, xử phạt đối với hành vi trốn thuế theo quy định.

“Trong thời gian tới, Cục thuế thành phố sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp mới để quản lý với các cá nhân có nguồn thu nhập này nhưng chủ yếu vẫn là vận động, tuyên truyền người dân tự khai tự nộp”, vị này nhấn mạnh.

Tại sao thu nhập 330 tỷ chỉ nộp thuế hơn 7%?

Trong trường hợp cô gái sinh năm 1992 nói trên, với mức thu nhập 330 tỷ đồng nếu tính theo biểu thuế Thu nhập cá nhân với 7 bậc hiện nay, số tiền thuế cá nhân này phải nộp vào khoảng trên 115 tỷ đồng. Tuy nhiên, số thuế thực tế cá nhân này nộp chỉ là 23,4 tỷ đồng, tương đương hơn 7% thu nhập chịu thuế.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật ANVI, mức thuế suất các cá nhân bên trên được áp dụng là thuế suất với hộ kinh doanh cá thể ngành nghề dịch vụ, bao gồm 5% thuế Giá trị gia tăng và 2% thuế Thu nhập cá nhân.

“Áp dụng mức thuế này là do ngành thuế đang định nghĩa như vậy. Bán hàng qua Facebook cũng được coi như hộ kinh doanh cá thể chứ không phải doanh nghiệp hay là thu nhập từ tiền công, tiền lương. Nếu quy định là tiền lương thì số thu sẽ khác hẳn khi phần thu nhập trên 1 tỷ đồng sẽ phải chịu thuế suất 35%”, ông Đức nói.

Trường hợp tính thuế suất theo dạng doanh nghiệp, mức thuế suất phải chịu sẽ là 20%, tương ứng mức thu nhập 330 tỷ đồng trong trường hợp này phải nộp khoảng 66 tỷ tiền thuế.

Theo vị chuyên gia, người nộp thuế được xếp vào diện tính thuế nào là do cơ quan thuế quy định với các điều kiện cụ thể. Trong trường hợp này, các cá nhân được xem là người gia công phần mềm, hộ kinh doanh cá thể bán hàng cho người khác chứ không phải doanh nghiệp và cũng không có hợp đồng lao động để thu theo dạng tiền công, tiền lương.

“Trước đây có Nguyễn Hà Đông (cha đẻ trò chơi Flappy Bird – PV) có thu nhập mấy trăm tỷ từ viết phần mềm cũng được cơ quan thuế thu theo dạng trên. Và mức thu này hoàn toàn hợp lý”, ông Đức nhấn mạnh.

Theo ông Đức, thuế suất các cá nhân có doanh thu từ dịch vụ gia công phần mềm nói trên nếu so với thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập từ tiền lương, tiền công thì quá thấp, nhưng nếu so với hộ kinh doanh thì lại quá cao.

Thông thường các hộ kinh doanh đều ghi nhận doanh thu theo dạng thu khoán, thuế khoán nên có trường hợp doanh thu thực tế cả nghìn tỷ nhưng chỉ nộp thuế vài trăm triệu. Trong trường hợp các cá nhân này, nhờ việc có số thu rõ ràng, có sổ sách và dòng tiền qua ngân hàng nên cơ quan thuế có thể quản lý đúng và đủ.

Ông Đức cũng cho rằng kê khai theo pháp nhân hộ kinh doanh cá thể như trên là có lợi nhất cho cá nhân có thu nhập từ thương mại điện tử và cũng là mức mà cơ quan thuế đang chấp nhận thu.

Quang Thắng

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều