+
Aa
-
like
comment

Tại sao chúng ta thấy một năm trôi qua thật nhanh, và Tết thì ngày một nhạt dần đi?

25/01/2020 10:24

Một nửa những ký ức mà bạn đã và sẽ trải qua trong đời mình, thực ra, đã kết thúc vào ngày bạn bước qua tuổi 18.

Lần đầu tiên tôi được đi tàu hỏa là năm lên 6 tuổi. Chúng tôi gồm bố, mẹ và anh trai cùng nhau trở về Hà Nội sau một kỳ nghỉ cuối tuần. Trời lúc đó đã nhá nhem tối, và cuộc hành trình dường như kéo dài bất tận.

Tôi ngồi nhoài người ở hàng ghế sát cửa sổ, nhìn những cột đèn đường màu cam xen giữa những bụi cây đen kịt trôi qua một cách vô vị và tự hỏi: “Liệu chúng tôi có bao giờ về được tới nhà hay không?”.

Cho đến khi quá sốt ruột và không thể chịu nổi được nữa, tôi ngước nhìn sang bố và hỏi: “Mình sắp về tới nhà chưa bố?”.

“Đừng có làu nhàu”, anh tôi nói. “Từ lúc lên tàu đến giờ mới được nửa tiếng thôi”.

Ngoan ngoãn rụt người xuống ghế, tôi lấy trong balo ra mấy món quà lưu niệm, trong đó có một cái thước kẻ mê cung. Lăn qua lăn lại mấy viên bi sắt nhỏ một hồi, tôi chán đến nỗi ngủ thiếp đi mất.

Đó là một giấc ngủ dài, nhưng khi tỉnh dậy, tôi vẫn không thể tin vào mắt mình rằng tôi vẫn chưa về đến nhà. Tiếng bánh tàu nện xuống những kẽ hở đường ray vẫn đều đặn đến vô tận. Dường như tôi đã bị mắc kẹt trong một chiều không gian nào đó, mãi mãi.

Tại sao chúng ta thấy một năm trôi qua thật nhanh, và Tết thì ngày một nhạt dần đi? - Ảnh 1.

Chuyến tàu từ Hải Phòng về đến Hà Nội 18 năm trước kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ, bây giờ đã được rút ngắn xuống chỉ còn 2 tiếng rưỡi. Mặc dù vậy, khi trải nghiệm lại hành trình này ở tuổi 25, tôi đột nhiên không thể tin rằng nó lại nhanh đến vậy.

Ba tiếng đồng hồ gần như vĩnh cửu năm tôi lên 6 tuổi, bây giờ, chỉ còn là một khoảng thời gian đủ cho tôi đọc lướt một cuốn sách. Vào thời điểm tôi gấp cuốn sách ấy lại, tàu cũng kịp kéo còi vào ga cuối.

Một cảm giác đáng sợ đột nhiên bủa vây lấy tâm trí tôi – Điều gì đã xảy ra với khoảng thời gian 2 tiếng rưỡi vừa rồi? Tôi có cảm giác như thời gian của mình đã bị đánh cắp.

***

Có lẽ tôi không phải người duy nhất trên thế giới này trải nghiệm thấy cái cảm giác lạ lẫm về thời gian ấy. Khi tôi hỏi bạn bè và cả những người lớn tuổi xung quanh mình, hầu như mọi người đều thú nhận rằng họ cảm thấy thời gian đang trôi nhanh hơn.

Tất cả chúng ta đều cảm thấy thời gian trôi rất chậm khi chúng ta còn nhỏ và dần tăng tốc khi chúng ta lớn lên hoặc già đi. Một người bạn nói với tôi rằng anh ấy có cảm giác như từng năm trôi qua ngày càng nhanh và Tết dường như càng ngày càng đến sớm hơn.

Hàng ngày, sáng chúng ta đi làm, tối chúng ta về nhà. Hàng tuần, chúng ta đến phòng gym mỗi thứ hai và đi xem phim mỗi thứ bảy. Hàng tháng chúng ta nhận lương một lần, mỗi năm có một kỳ nghỉ Tết…

Trên thực tế, tất cả những hiệu ứng này đã được xác nhận bởi các thí nghiệm tâm lý học. Khi các nhà tâm lý đưa một người lớn tuổi và một người trẻ tuổi vào trong một căn phòng kín không có đồng hồ, người lớn tuổi bao giờ cũng đoán khoảng thời gian mà họ ở trong đó ngắn hơn.

Các bảng khảo sát tâm lý cũng cho thấy, chúng ta sẽ cảm thấy thời gian trôi nhanh hơn khi so sánh nó với thời điểm khi độ tuổi của chúng ta chỉ bằng một nửa hoặc một phần tư hiện tại. Điều đó có nghĩa là nếu năm nay bạn 24 tuổi, bạn sẽ thấy một năm đang ngắn dần lại rõ rệt so với năm bạn 12 tuổi và trước đó là năm bạn 6 tuổi.

Thông thường, mọi người đều sẽ trải nghiệm hiệu ứng này lần đầu tiên vào giai đoạn những năm giữa tuổi 20 và 30, đó là khi hầu hết thế hệ 9x bây giờ bắt đầu có được một cuộc sống ổn định.

Chúng ta đã có một việc làm, nhiều người thì đã có vợ, có con. Cuộc đời chúng ta lúc này bắt đầu bị gói gém vào trong những vòng lặp chóng mặt. Hàng ngày, sáng bạn đi làm, tối về nhà, hoặc hàng tuần, bạn đến phòng gym mỗi sáng thứ hai và đi xem phim mỗi tối thứ bảy. Hàng tháng chúng ta nhận lương một lần, mỗi năm có một kỳ nghỉ Tết…

Tại sao chúng ta thấy một năm trôi qua thật nhanh, và Tết thì ngày một nhạt dần đi? - Ảnh 2.

Sau một vài năm bị cuốn vào những vòng xoáy chỉ lác đác những điểm mốc đó, chúng ta bắt đầu nhận ra khoảng thời gian giữa những sự kiện dường như càng ngày càng ngắn lại. Mỗi buổi tối đều đến nhanh hơn, cũng như mỗi sáng thứ Hai và mỗi cái Tết. Như thể chúng ta đã bị đặt lên một vòng đu quay, với gia tốc dương làm nó quay ngày một nhanh hơn.

Sự tăng tốc của thời gian trong tâm trí bạn chính là nguyên nhân của một hiện tượng mà các nhà tâm lý học gọi là “kính viễn vọng phía trước”, trong đó, chúng ta có xu hướng nghĩ rằng các sự kiện trong quá khứ đã xảy ra gần đây hơn so với thực tế.

Đó là những lần giật mình nhìn lại, khi bạn thấy mình đã ra trường được 5 năm, đã kết hôn được 3 năm. Một người thân của bạn đã mất được cả một thập kỷ, mà dường như cái chết của họ mới chỉ đi qua trong thoáng chốc. Tết này hãy để ý mấy đứa trẻ khi bạn mừng tuổi chúng. Đứa cháu gái hoặc cháu trai ngày nào bạn còn ẵm ngửa trên tay, giờ đã vào lớp một.

Tại sao chúng ta thấy một năm trôi qua thật nhanh, và Tết thì ngày một nhạt dần đi? - Ảnh 3.

Chẳng phải riêng gì thế hệ 9x ngày nay, hiệu ứng trải nghiệm sự tăng tốc của thời gian đã được nghiên cứu từ thế kỷ 19. Một giả thuyết được gọi là “Lý thuyết tỷ lệ” đã được triết gia người Pháp Paul Janet đưa ra vào năm 1897 để giải thích cho hiện tượng thời gian ngày một trôi nhanh hơn khi chúng ta già đi.

Janet lập luận rằng mỗi khoảng thời gian tuyệt đối cấu thành cuộc đời của bạn sẽ liên tục nhỏ dần khi bạn tính nó bằng phép đo tương đối, dựa trên tỷ lệ. Giả sử, năm bạn lên 10 tuổi, một năm trôi qua khi đó được tính bằng 1/10 hay 10% cuộc đời bạn. Nhưng vào năm bạn 20 tuổi, một năm khi đó chỉ còn bằng 1/20 hay 5% cuộc đời mà thôi.

Với một người đàn ông trung niên 50 tuổi, 1 năm khi đó chỉ còn là 2% quãng đời mà ông ấy đã trải qua. Bởi vậy, khi ngoảnh nhìn lại, càng lớn lên và già đi, bạn sẽ càng thấy thời gian ngắn lại và mất dần ý nghĩa.

Tại sao chúng ta thấy một năm trôi qua thật nhanh, và Tết thì ngày một nhạt dần đi? - Ảnh 4.
Tại sao chúng ta thấy một năm trôi qua thật nhanh, và Tết thì ngày một nhạt dần đi? - Ảnh 5.
Năm 1897, triết gia người Pháp Paul Janet đã đưa ra lý thuyết tỷ lệ để giải thích hiện tượng tăng tốc của thời gian khi chúng ta già đi.

Để hình dung được Lý thuyết tỷ lệ của Janet một cách trực quan hơn, năm 2015, Maximilian Kiener, một designer người Áo đã thiết kế ra một trang web có thể cho phép bạn cuộn chuột để trải nghiệm sự tương đối của thời gian trong tâm trí.

Như bạn có thể thấy ở đây, Maximilian Kiener bắt đầu mô phỏng cuộc đời của một đứa trẻ 4 tuần tuổi. Khi đó, một tuần của nó kéo dài tới 25% cuộc đời và gần như bất tận. Nhưng đến khi đứa trẻ lên 1 tuổi, 1 tuần sẽ chỉ còn bằng 2% cuộc đời. Cùng là một con số, bạn sẽ thấy 1 năm trôi qua ở tuổi 50 sẽ chỉ như một tuần của một đứa trẻ lên một tuổi.

Albert Einstein cũng đã từng nói về sự cảm nhận tương đối của chúng ta về thời gian. “Một giờ ở trong một công ty với những cô gái xinh đẹp sẽ trôi qua nhanh hơn một giờ ngồi ý trên ghế nha sĩ”. Einstein mất ở tuổi 76. Kiener cho biết một năm ở tuổi 76 chỉ tương đương so với 24 ngày khi bạn lên 5, bằng khoảng thời gian từ đầu tháng Chạp cho tới khi bạn được nghỉ Tết.

Tại sao chúng ta thấy một năm trôi qua thật nhanh, và Tết thì ngày một nhạt dần đi? - Ảnh 6.

Giả sử bạn sống được đến năm 100 tuổi, khi đó, một nửa thời gian tương đối của bạn thực ra đã trôi qua khi bạn 7 tuổi. Nhưng nếu bạn tính rằng mọi ký ức trong 3 năm đầu đời của mình đã biến mất, thì một nửa những kỷ niệm mà bạn đã và sẽ trải qua để nhớ được lại trong đời, thực ra, đã kết thúc vào ngày bạn bước qua tuổi 18.

Chẳng ngạc nhiên khi nhiều người nói rằng chúng ta bắt đầu già đi khi lớn lên, và đã chết ở tuổi 25. Hãy thử nghĩ lại xem năm 18 tuổi và bây giờ, bạn thấy khoảng thời gian 10 năm trôi qua nhanh đến chừng nào.

Với tỷ lệ của Janet, khi bạn nhìn lại cả cuộc đời mình vào năm 76 tuổi, nó sẽ chỉ giống như một kỳ nghỉ hè ở trường đại học khi bạn mới bước vào năm nhất mà thôi.

Tại sao chúng ta thấy một năm trôi qua thật nhanh, và Tết thì ngày một nhạt dần đi? - Ảnh 7.

Trong trang web của Kiener, khi cuộn chuột vượt quá mức 25 năm, bạn sẽ thấy những con số bắt đầu tăng tốc. Nó vùn vụt trôi qua ngưỡng 30, 40 rồi 50. Hàng thập kỷ sẽ trôi qua như một thoáng chốc dưới ngón tay trỏ đang cuộn chuột với tốc độ đều đặn của bạn.

Và ngay cả khi đã cố gắng làm điều đó chậm lại, bạn vẫn sẽ cảm thấy ngón tay của mình nóng bỏng bởi ma sát của thời gian đang rít lên và trôi qua nó.

***

Bây giờ, bạn đã biết “Lý thuyết tỷ lệ” của Janet có thể là một lời giải thích cho tốc độ gia tăng nhất quán của dòng chảy thời gian trong cuộc đời. Nhưng phía sau những con số 10%, 5% hay 2% thực chất là gì? Tại sao não bộ chúng ta lại cảm nhận những khoảng thời gian tuyệt đối một cách tương đối như vậy?

Trong cuốn sách “Making time: Why time seems to pass at different speeds and how tho control it”, tiến sĩ Steve Taylor, một giáo sư tâm lý học tại Đại học Leeds Beckett, Vương Quốc Anh đã tiếp tục giải thích điều đó thông qua một lý thuyết mà ông gọi là “lý thuyết nhận thức thời gian”.

Theo Taylor, sự tăng tốc của thời gian tuyệt đối mà chúng ta trải nghiệm thấy chủ yếu liên quan đến nhận thức và trải nghiệm của chúng ta về thế giới xung quanh, và những nhận thức và trải nghiệm này thay đổi dần khi chúng ta lớn lên và già đi.

Tốc độ của thời gian dường như được quyết định phần lớn bởi lượng thông tin mà tâm trí chúng ta hấp thụ và xử lý – càng có nhiều thông tin thì thời gian trôi qua sẽ càng chậm. Mối liên hệ này đã được xác nhận bởi nhà tâm lý học Robert Ornstein vào những năm 1960.

Tại sao chúng ta thấy một năm trôi qua thật nhanh, và Tết thì ngày một nhạt dần đi? - Ảnh 8.

Trong một loạt các thí nghiệm, Ornstein đã cho các tình nguyện viên nghe những cuộc băng ghi lại nhiều tiếng động, chẳng hạn như tiếng click chuột hoặc tiếng ồn trong một gia đình. Những cuộn băng này có độ dài bằng nhau, nhưng số lượng tiếng động có trong đó khác thì khác nhau.

Đến cuối mỗi thí nghiệm, khi đoạn băng đã chạy hết, Ornstein yêu cầu các tình nguyện viên ước tính khoảng thời gian mà họ đã dành ra để nghe nó. Hiện tượng thú vị đã xuất hiện, những tình nguyện viên nghe phải những cuộn băng có nhiều tiếng động, chẳng hạn như có số lượng cú click chuột gấp đôi, là những người sẽ ước lượng ra khoảng thời gian dài hơn.

Và không chỉ với âm thanh, Ornstein thấy rằng thí nghiệm của mình có thể mở rộng ra với nhiều loại thông tin phức tạp hơn nhiều. Chẳng hạn, khi các tình nguyện viên được đưa vào một phòng trưng bày tranh với những bức họa khác nhau: Nhóm người đi vào căn phòng chứa những bức tranh trừu tượng nhất, với nhiều thông tin nhất sẽ ước tính khoảng thời gian họ dành ra trong đó dài nhất.

Tại sao chúng ta thấy một năm trôi qua thật nhanh, và Tết thì ngày một nhạt dần đi? - Ảnh 9.

Trái tim của lũ trẻ em đập nhanh hơn chúng ta, thân nhiệt của chúng cao hơn, chúng thở gấp hơn và dòng máu của chúng chảy nhanh hơn. Chiếc đồng hồ bên trong cơ thể lũ trẻ có một khoảng 24 giờ dài hơn những gì mà chúng ta có được mỗi ngày.

Lý thuyết thông tin làm chậm thời gian của Taylor cũng có thể giải thích tại sao khi chúng ta còn nhỏ, thời gian dường như trôi qua rất chậm. Đó là bởi trẻ nhỏ liên tục hấp thụ một lượng thông tin khổng lồ từ thế giới xung quanh.

Mọi thứ trong thế giới ấy đều mới mẻ đối với một đứa trẻ. Trong cái lần đầu tiên đứng ở ga tàu Hà Nội năm 6 tuổi tôi đã bị choáng ngợp bởi những gì có ở đó. Những hàng cột thẳng tắp, những ô cửa sáng chói, vô số hành khách ồn ã biến nó trở thành một mê cung rộng lớn.

Tôi đã luôn phải đi theo gót anh trai mình để không bị lạc ở mỗi ngã rẽ qua cột cầu thang, khi đi qua mỗi hành lang ghế đợi. Cái ga tàu của tuổi thơ ấy là một thế giới mãnh liệt, sống động và choáng ngợp hơn nhiều so với chính nó vào năm tôi 25 tuổi. Bây giờ, tôi có thể bước xuống tàu, vừa đi vừa cắm mặt vào điện thoại mà không cần để ý gì đến nó.

Và đây cũng là một trong những lý do tại sao chúng ta thường nhớ về tuổi thơ của mình như một khoảng thời gian hạnh phúc nhất. Bạn có thấy những cái Tết trong quá khứ chứa đầy rẫy những thứ đẹp đẽ và thú vị hơn nhiều so với bây giờ? Đó là bởi tất cả những trải nghiệm của chúng ta ở quá khứ, khi chúng ta còn nhỏ, đều rất mãnh liệt.

Hãy quan sát những đứa trẻ đang chơi đùa hoặc làm bất kỳ điều gì. Ngay cả khi chúng ngồi im một chỗ, thực ra chúng cũng không hẳn đang ngồi im, mà tâm trí chúng vẫn đang vận động để liên tục thu nhận một mớ thông tin hỗn độn từ thế giới bên ngoài.

Tại sao chúng ta thấy một năm trôi qua thật nhanh, và Tết thì ngày một nhạt dần đi? - Ảnh 10.

Tôi còn nhớ ngày nhỏ, mình có thể ngồi lỳ bên nồi bánh trưng mà không hề biết chán. Mắt tôi sẽ dán vào những ngọn lửa nhảy múa, trong khi tai vẫn nghe thấy tiếng củi lách tách, dưới nền nhạc Cheri Cheri Lady phát từ máy cassette trong nhà vọng ra.

Và không chỉ có thị giác và thính giác, mũi của một đứa trẻ cũng sẽ cảm thấy được mùi vị thanh thanh cực kỳ tinh tế của lá dong đang luộc. Hai bàn tay ấm rực đang hơ trước ngọn lửa bỗng dưng lạnh toát khi bạn rụt nó ra xa, ngoài trời mưa phùn đang đổ và cái Tết của tuổi thơ luôn là những ngày lạnh cắt da cắt thịt.

Nhận thức của một đứa trẻ luôn khuyếch đại mọi trải nghiệm mà nó có so với người lớn. Nghiên cứu khoa học cho thấy trái tim của trẻ em đập nhanh hơn chúng ta, thân nhiệt của chúng cao hơn, chúng thở gấp hơn và dòng máu của chúng cũng chảy nhanh hơn. Chiếc đồng hồ cơ thể của lũ trẻ có một khoảng 24 giờ dài hơn những gì mà chúng ta có mỗi ngày khi đã là một người lớn.

Khi bạn đã trải qua hàng chục cái Tết trước đây, đã có hàng chục bữa ăn tất niên cùng gia đình, đã về quê hàng chục lần, ngắm pháo hoa và xem cả 15 chương trình Táo Quân, bạn sẽ thấy mọi thứ không còn hấp dẫn nữa.

Và có những lý thuyết cho rằng trẻ em sống trong những khoảnh khắc kéo dài hơn, vì thế chúng cảm thấy thời gian trôi chậm hơn. Hãy nghĩ về một chiếc đồng hồ được thiết lập để chạy nhanh hơn 25% so với thời gian bình thường: Sau 12 tiếng thực tế, nó đã chạy hết 15 giờ và sau một ngày, nó đã chạy được 30 tiếng.

Mặt khác, những người già có tốc độ trao đổi chất thấp hơn, dòng máu chảy chậm hơn và chiếc đồng hồ cơ thể của họ dường như cũng quay ít hơn 24 tiếng mỗi ngày. Cường độ nhận thức tất nhiên cũng vì thế mà suy giảm.

Khi lớn lên và già đi, thế giới xung quanh chúng ta bỗng trở thành một nơi buồn tẻ và quen thuộc – buồn tẻ và quen thuộc đến nỗi chúng ta ngừng chú ý đến nó. Một đứa trẻ có thể chú ý đến những toà nhà và đường phố xung quanh mình, nhưng tại sao bạn phải làm vậy khi đã nhìn thấy chúng cả chục ngàn lần trong đời?

Những cái Tết cũng vậy. Khi bạn đã trải qua hàng chục cái Tết trước đây, đã có hàng chục bữa ăn tất niên cùng gia đình, đã về quê hàng chục lần, ngắm pháo hoa hay xem cả 15 chương trình Táo Quân, bạn sẽ thấy mọi thứ không còn hấp dẫn nữa. Tết bây giờ cũng chỉ… bình thường. Tết nhạt!

Tại sao chúng ta thấy một năm trôi qua thật nhanh, và Tết thì ngày một nhạt dần đi? - Ảnh 11.

Và đó cũng là lý do tại sao thời gian như đang tăng tốc khi chúng ta trưởng thành. Khi đã có đủ trải nghiệm, chúng ta bắt đầu thấy những ánh sáng kỳ diệu của thế giới tuổi thơ vụt tắt, chúng ta tầm thường hóa mọi thứ xung quanh mình. Chúng ta thờ ơ hơn và lãnh cảm hơn.

Dần dần, sự chú ý một cách có ý thức mà chúng ta dành cho môi trường xung quanh biến mất, khi những bản ghi kinh nghiệm của chúng ta đã đầy, chúng ta không muốn nhồi nhét thêm vào nữa. Càng nhiều tuổi, chúng ta sẽ càng tiếp nhận ít thông tin hơn, điều đó có nghĩa là thời gian của chúng ta trôi qua nhanh hơn.

Dòng thời gian khi đó không còn bị kéo giãn ra nữa, bởi lượng thông tin bạn ghim lên đó quá ít.

Tại sao chúng ta thấy một năm trôi qua thật nhanh, và Tết thì ngày một nhạt dần đi? - Ảnh 12.

Vậy là khi chúng ta càng trưởng thành, thế giới xung quanh chúng ta sẽ ngày càng trở nên quen thuộc hơn. Chúng ta cũng bị kéo vào sống trong các vòng lặp theo từng ngày, từng tháng, từng năm, khiến lượng thông tin chúng ta nhu nhận (bao gồm cả nhận thức, các cảm giác và suy nghĩ) giảm dần theo thời gian.

Do đó, chúng ta thấy thời gian trôi qua nhanh hơn sau mỗi năm. Như triết gia và nhà tâm lý học người Mỹ William James từng nói: “Mỗi năm trôi qua, một số lượng trải nghiệm của bạn sẽ bị biến thành những thói quen tự động”.

Một cái Tết năm bạn lên 10 tuổi sẽ khác hẳn một cái Tết khi bạn ở tuổi 25. Hãy cùng điểm xem có bao nhiêu thứ đã biến mất khỏi thực tế của bạn, hoặc ngay cả khi chúng vẫn còn đó nhưng bạn sẽ không bao giờ để ý đến nữa:

Bánh chưng, bánh tét, những phiên chợ Tết, buổi học cuối cùng trước kỳ nghỉ, bài tập về nhà, những bữa tiệc tất niên, pháo hoa, lời chúc Tết của Chủ tịch nước, những tin nhắn trên điện thoại nút bấm, thịt gà, kẹo mứt, lì xì, quần áo mới, một dịp về quê, những chuyến du xuân, đi chùa, xin quẻ, chúc Tết bên nội, bên ngoại…

Tại sao chúng ta thấy một năm trôi qua thật nhanh, và Tết thì ngày một nhạt dần đi? - Ảnh 13.

Và hãy xem bạn đã làm gì trong hai dịp Tết gần đây nhất: Bạn vẫn có những buổi tiệc tất nhiên như cũ? Bạn đã chán ngấy khi phải gửi xe, chen chúc đi xem pháo hoa? Bạn lướt newfeed Facebook liên tục? Bạn ngủ nướng? Bạn gặp họ hàng, bạn bè, những người cũ và họ vẫn hỏi bạn những câu hỏi cũ: “Bao giờ lấy vợ, lấy chồng, bao giờ lên chức, bao giờ… bao giờ…”

Thú thực mà nói, nếu ngoảnh đi ngoảnh lại một năm đã trôi qua thật nhanh với bạn, thì một tuần lễ nghỉ Tết sẽ còn trôi nhanh hơn rất nhiều. Vậy nếu muốn thời gian trôi chậm lại, và có một cái Tết thật ý nghĩa, bạn nên làm gì?

Trong cuốn “Making Time”, tiến sĩ Steve Taylor đã nêu ra hai quy luật mà ông gợi ý mọi người làm chậm thời gian của họ lại. Thứ nhất, ông nói “thời gian dường như sẽ trôi chậm lại khi chúng ta tiếp xúc với những môi trường và có những trải nghiệm mới”.

Ở trong một môi trường mới, sự lạ lẫm sẽ đánh thức chúng ta, giúp chúng ta tiếp nhận thêm nhiều thông tin hơn. Điều đó có thể làm được bằng nhiều cách như đi du lịch đến những địa điểm mới, tạo cho mình những thử thách mới, học một kỹ năng mới, một sở thích mới, gặp gỡ những người mới, đọc một cuốn sách mới, xem một thể loại phim mới…

Nếu bạn là một người hay ngủ nướng, hãy thử dậy sớm trong dịp Tết, nếu bạn không bao giờ đi chợ, hãy thử đi chợ, nếu cả năm rồi bạn chưa từng tập thể dục lấy một buổi, hãy thử chạy bộ hoặc bơi lội…

Tại sao chúng ta thấy một năm trôi qua thật nhanh, và Tết thì ngày một nhạt dần đi? - Ảnh 14.

Công bằng mà nói, dù Tết có nhàm chán đến cỡ nào đi chăng nữa, đó cũng là một dịp tốt để bạn phá vỡ những thói quen hàng ngày của mình. Thời gian trong một tuần nghỉ Tết sẽ trôi chậm hơn trong một tuần đi làm của bạn, khi bạn không còn phải sáng xách cặp lên công ty, tối xách cặp về nhà và ngủ nướng vào ngày cuối tuần.

Tết có nhiều hoạt động có thể giúp bạn kéo giãn thời gian của mình ra, chỉ cần đừng lặp lại những điều mà bạn đã làm trong những ngày làm việc bình thường. Nếu bạn là một người hay ngủ nướng, hãy thử dậy sớm trong dịp Tết, nếu bạn không bao giờ đi chợ, hãy thử đi chợ, nếu cả năm rồi bạn chưa từng tập thể dục lấy một buổi, hãy thử chạy bộ hoặc bơi lội…

Một điều đặc biệt cần tránh nếu bạn muốn kéo giãn thời gian của mình, đó là các hoạt động đòi hỏi nhận thức tập trung. “Thời gian sẽ trôi nhanh hơn trong trạng thái tập trung”, Taylor nói. Đó là bởi khi sự chú ý của chúng ta bị thu hẹp vào một không gian và những đối tượng nhỏ hẹp, chúng ta sẽ tự động chặn mọi thông tin từ môi trường xung quanh mình đi tới các giác quan.

Cắm mặt vào game điện tử là một cách giết thời gian tốt, nhưng bạn sẽ không muốn làm điều đó vào dịp nghỉ Tết vì nó sẽ đốt cháy thời gian bạn có. Tương tự, đừng bao giờ bị cuốn hút vào những trò chơi bài bạc hết ván này qua ván khác. Có thể bạn ngồi xuống vào đầu giờ chiều và đinh ninh mình chỉ chơi vui một lát. Nhưng rồi bạn sẽ phải ngạc nhiên vì khi đứng dậy đã là lúc trời đã tốt mịt.

Thời gian trôi nhanh hơn trong trạng thái tập trung cũng giải thích tại sao những người đánh bài cảm nhận được ít thời gian hơn những người ngồi xem xung quanh. Có phải khi bạn chơi bài, mọi người đứng ngoài luôn giục bạn đứng dậy và ra ngoài, bởi họ đã quá sốt ruột với dòng chảy thời gian của họ?

Quy luật thứ hai mà Steve Taylor chỉ ra trong cuốn sách của ông, cũng là quy luật mà ông gợi ý mọi người áp dụng nhiều hơn: Chúng ta có thể làm chậm thời gian bằng nỗ lực ý thức, để có nhiều trải nghiệm mới ngay cả trong những việc làm cũ.

Giả sử, bạn không thể bỏ được một bữa tất niên cùng gia đình trong dịp Tết. Tưởng chừng như đó sẽ là một hoạt động nhàm chán hơn rất nhiều so với việc đi du lịch dài ngày cùng những người bạn mới ở nước ngoài.

Nhưng bằng cách thực hành chánh niệm, theo cách giải thích của Taylor là việc dành toàn bộ sự chú ý và mọi giác quan của chúng ta vào một trải nghiệm –  đối với những gì chúng ta đang thấy, đang cảm nhận, đang nếm, đang ngửi hoặc đang nghe – hơn là để cho những suy nghĩ của chúng ta tự trôi vô thức trong đầu, bạn cũng sẽ kéo dài được thời gian của mình và giúp cho nó trở nên có ý nghĩa hơn.

Ví dụ, thay vì để đầu óc phải suy nghĩ và bận tâm về những câu hỏi cũ rích như “Bao giờ lấy vợ, lấy chồng”, bạn có thể điều hướng tâm trí của mình sang những suy nghĩ mới và có ý nghĩa hơn. Chẳng hạn như hãy hỏi lại người đối diện về công việc kinh doanh của họ trong năm vừa qua, nếu bạn thấy đó là câu chuyện có thể giúp mình có những bài học thú vị hơn.

Những câu chuyện mới sẽ làm nên một buổi tiệc mới mẻ hơn. Đừng bao giờ nói lại những chuyện cũ và hỏi lại những câu hỏi cũ nếu bạn biết câu trả lời bạn nhận được cũng vẫn là câu trả lời cũ. Tin tốt là chúng ta luôn có những câu chuyện mới để kể, chỉ cần bạn biết khai thác chúng.

Bạn vẫn sẽ có 24 tiếng trong một ngày Tết, nhưng với nhiều trải nghiệm mới hơn, tích cực hơn, bạn sẽ nằm xuống giường vào buổi tối và thấy một ngày của mình đã trôi qua chậm hơn và có ý nghĩa hơn.

Ngay cả những người thân của bạn, một năm trước và một năm sau họ cũng đã là những người khác, nếu bạn mở rộng tất cả các giác quan của mình để cảm nhận về họ. Bạn sẽ không bao giờ gặp lại một người như cũ, nếu bạn nhìn họ kỹ hơn để thấy những nếp nhăn bắt đầu xuất hiện trên khuôn mặt và mái tóc ai đó cũng đã có những sợi bạc.

Cùng với đó là những sự thay đổi tinh tế xung quanh mâm tiệc mà bạn có thể nhận ra khi mở rộng các giác quan, một con mèo trong nhà, cách sắp xếp bố trí đồ đạc, những chiếc bát, đũa mới, một chiếc loa mới, những bài hát mới, một mùi tinh dầu mới…

Ngay cả khi bạn phải là người rửa bát sau bữa tiệc, thực hành chánh niệm cũng giúp bạn có những trải nghiệm khác hẳn những kinh nghiệm khó chịu từng có trước đây với việc đó. Hãy để ý đến tốc độ chảy của nước, đến cảm giác mịn của xà phòng, tiếng miết tay vào một chiếc bát sạch bóng.

Bí quyết là hãy tập trung các giác quan của bạn để khuyếch đại những trải nghiệm thú vị và bỏ qua những cảm giác khiến bạn khó chịu, chẳng hạn như đừng để ý quá nhiều đến sự nhày nhụa của dầu mỡ, trừ khi bạn yêu thích môn hóa và bắt đầu tự hỏi độ nhớt của mỡ là bao nhiêu, khối lượng riêng của nó so với nước, dầu mỡ sẽ biến tính như thế nào dưới nhiệt độ…

Tại sao chúng ta thấy một năm trôi qua thật nhanh, và Tết thì ngày một nhạt dần đi? - Ảnh 16.

Suy cho cùng, cả hai phương pháp mà Taylor đã gợi ý trong cuốn sách của ông đều làm tăng lượng thông tin sẽ ghim lên trên dòng thời gian của bạn. Bạn vẫn sẽ có 24 tiếng trong một ngày Tết, nhưng với nhiều trải nghiệm mới hơn, tích cực hơn, bạn sẽ nằm xuống giường vào buổi tối và thấy một ngày của mình trôi qua chậm hơn và đã có ý nghĩa hơn.

Từ quan điểm này, chúng ta sẽ không còn thấy thời gian như một kẻ thù của mình nữa. Thời gian không phải là một biến số không thể kiểm soát. Ở một mức độ nhất định, chúng ta có thể làm được điều đó.

Nhiều người trong số chúng ta cố gắng tập thể dục, ăn uống lành mạnh để đảm bảo có thể sống được càng lâu càng tốt. Chúng ta cũng thường chúc tụng nhau có thật nhiều sức khỏe và những người lớn tuổi sẽ trường thọ trong những dịp lễ Tết như thế này.

Tất nhiên, đó đều là những ước muốn tốt đẹp. Nhưng như đã nói phía trên, cả một cuộc đời khi bạn nhìn lại mình ở tuổi 76 chỉ giống như một kỳ nghỉ hè vào năm nhất đại học. Vậy nên, hãy nhớ rằng mở rộng những trải nghiệm cũng là một cách để có cuộc sống trọn vẹn và hạnh phúc hơn.

Thời gian tồn tại hay không tồn tại: Chúng ta phải làm gì để sống chậm lại và ý nghĩa hơn?

TTT

Bài mới
Đọc nhiều