Tại sao chúng ta không bỏ luôn thưởng Tết?
Thay vì “thưởng một cục” cuối năm gây thiệt thòi cho những người nghỉ việc trước Tết, nên chia số tiền đó cho nhân viên vào mỗi tháng để đảm bảo công bằng.
Cách đây vài tháng, một người quen tâm sự với tôi, ăn Tết xong họ sẽ đổi chỗ làm. Lý do chưa chuyển ngay, không nói ai cũng hiểu, là để khỏi mất tiền thưởng Tết. Nhiều cơ quan, trong đó có cơ quan anh ấy, luôn lờ đi việc trả thưởng Tết cho những nhân viên nghỉ việc trước khi khoản này được chi ra. Có những người thậm chí đã làm việc đủ 12 tháng, nhưng vì nghỉ trước Tết Nguyên đán– thường vào cuối tháng 1, đầu tháng 2 dương lịch nên mất luôn khoản tiền này.
Vì thế mà dịp đầu năm, nhiều lãnh đạo cơ quan, chủ doanh nghiệp than phiền chuyện nhân viên lĩnh thưởng Tết xong thì nghỉ. Theo họ, nhân viên hành xử như vậy là xấu chơi, khôn lỏi, đẩy công ty vào thế bị động… Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ người lao động, chính việc “quỵt” tiền thưởng Tết của những nhân viên nghỉ việc khi chưa làm đủ năm hoặc nghỉ trước khi chi thưởng là hành vi chơi xấu của nhiều công ty.
Khoản tiền mà chúng ta quen gọi là thưởng Tết hiện nay ít mang tính chất thưởng, vốn chỉ dành cho những người có thành tích xuất sắc hoặc có công trạng cụ thể nào đó. Tuy cao thấp khác nhau nhưng thưởng Tết lâu nay là khoản mọi người đều có. Nó thực chất là một phần thu nhập được dành lại vào dịp cuối năm âm lịch để mọi người có một khoản tiền kha khá trước khi nghỉ Tết. Sẽ không công bằng nếu những người làm việc phần lớn thời gian trong năm nhưng bị cúp luôn khoản thu nhập này khi nghỉ việc. Tuy nhiên, đây lại là cách hành xử của phần lớn người sử dụng lao động hiện nay. Bởi vậy mà cách đây mấy năm, tôi đã rất ngạc nhiên khi công ty cũ chuyển khoản số tiền thưởng Tết tương ứng với số tháng mà tôi cống hiến công sức cho họ. Đã chuyển việc mấy lần nhưng đây là lần duy nhất tôi được đối xử văn minh như vậy.
Tại sao chúng ta không bỏ luôn thưởng Tết? Thay vào đó, các công ty chia luôn khoản tiền dự định dành cho thưởng Tết vào thu nhập hàng tháng của nhân viên. Như vậy, mức thu nhập tháng của họ sẽ tăng lên đáng kể, sức hấp dẫn của công ty càng cao khi cần tuyển nhân sự mới. Nhân viên thì được nhận tiền tươi thóc thật, không phải dài cổ chờ đến Tết để biết mình được “thưởng” bao nhiêu, và quan trọng nhất là đảm bảo công bằng khi mọi người nhận được số tiền tương ứng với công sức bỏ ra. Cuối năm, công ty chỉ cần chi một số tiền nhỏ khác làm phần thưởng cho những người xuất sắc, có thành tích cao, đó mới là tiền thưởng đúng nghĩa.
Bỏ thưởng Tết, các công ty cũng sẽ chủ động hơn trong công tác nhân sự, bởi ai muốn nhảy việc sẽ đường đường chính chính báo nghỉ, không phải cố gắng kéo dài thời gian ở lại chốn cũ khi không còn hứng thú cống hiến cho nơi đó. Công ty sẽ không phải chịu thiệt khi phải trả lương cho những người không làm việc với toàn bộ nhiệt huyết, hiệu quả khó đạt mức tối đa.
Bỏ thưởng Tết sẽ lợi cho cả hai bên, người lao động và người sử dụng lao động.
Bạn có đồng tình với quan điểm trên?
Phạm Hằng